Cuộc khủng hoảng năng lượng giúp một quốc gia giàu có trở nên giàu có hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và giá khí đốt tự nhiên tăng vọt đang mang lại lợi ích cho Na Uy vốn đã là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Cuộc khủng hoảng năng lượng giúp một quốc gia giàu có trở nên giàu có hơn

Na Uy với các mỏ dầu và khí đốt khổng lồ đã chứng kiến hoạt động ​​xuất khẩu đạt mức cao nhất mọi thời đại trong quý III/2021, với doanh số bán khí đốt tự nhiên tăng gấp 7 lần so với một năm trước đó. Điều này là kết quả của cả nhu cầu năng lượng tăng sau khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng cùng với sự gia tăng về giá cả.

Na Uy chiếm 25% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Liên minh châu Âu và đang gặt hái những lợi ích tài chính từ một cuộc khủng hoảng năng lượng làm ảnh hưởng đến hầu hết các hộ gia đình và doanh nghiệp trên hầu hết khu vực, buộc các chính phủ phải cam kết viện trợ để giúp thanh toán các hóa đơn.

Equinor ASA là công ty thuộc sở hữu nhà nước của Na Uy đã công bố kết quả kinh doanh quý III và đây được xem là người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong tổng sản lượng của công ty, khoảng 35% khí đốt được bán ở châu Âu. Lợi nhuận ròng quý III đạt khoảng 2,3 tỷ USD, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lượng tiền mặt vào quốc gia tăng cao hơn dự đoán đang khiến Na Uy trở thành quốc gia khác biệt với các quốc gia khác khi đang lo lắng về mức nợ tăng cao sau khi chi tiêu kích thích trong thời gian thực hiện các biện pháp đóng cửa để kiểm soát đại dịch Covid-19.

Chính phủ mới của Na Uy được thành lập sau cuộc bầu cử vào giữa tháng 9/2021 đang có kế hoạch tiếp tục phát triển các mỏ dầu và khí sinh lợi của đất nước. Theo chính phủ tiền nhiệm, doanh thu từ nhiên liệu dự kiến ​​sẽ tăng 72% lên 184 tỷ kroner (18,8 tỷ USD) trong năm nay, cao hơn 30 tỷ kroner so với ước tính vào đầu năm.

“Hiện giá khí đốt rất cao và khí đốt là một phần quan trọng trong xuất khẩu của chúng tôi”, Bộ trưởng Dầu khí và năng lượng Na Uy, Marte Mjos Persen cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Chúng tôi biết doanh thu từ dầu khí và sự giàu có từ dầu mỏ của chúng tôi quan trọng như thế nào đối với sự phát triển phúc lợi”, ông cho biết.

Nguồn cung của châu Âu có thể không giảm bớt trong một thời gian. Các địa điểm lưu trữ khí đốt ở EU đang ở mức thấp nhất theo mùa trong ít nhất một thập kỷ và báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất của Ngân hàng Thế giới dự báo rằng giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022.

Bất chấp việc siết chặt khí đốt đối với châu Âu, Na Uy đang tránh được những thiệt hại về chính trị và không giống như Nga đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về cuộc khủng hoảng năng lượng.

Cho đến nay, Nga đã không gửi thêm bất kỳ khối lượng đáng kể nào đến châu Âu với lý do cần phải ưu tiên lấp đầy kho lưu trữ trong nước trước mùa Đông.

Theo Gergely Molnar, nhà phân tích năng lượng tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí đốt từ Na Uy sang EU đã tăng gần 5% trong 9 tháng đầu năm.

“Na Uy đang đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung ứng linh hoạt theo mùa”, ông cho biết.

Đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước, Na Uy cũng là quốc gia không chịu ảnh hưởng của tình trạng tăng giá khí đốt vì hơn 90% nhu cầu điện được đáp ứng bởi thủy điện trong nước.

Andrew Hill, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt châu Âu tại BloombergNEF cho biết: “Lợi ích bất thường của việc trở thành một nhà sản xuất khí đốt lớn, vì vậy được hưởng lợi từ giá cao, nhưng lại là một khách hàng tiêu thụ khí đốt rất nhỏ”.

Tuy nhiên, Na Uy đang gặp khủng hoảng riêng do tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến ngành thủy điện và khiến giá điện tăng cao.

Bộ trưởng Persen cho biết, Chính phủ đang tìm kiếm các giải pháp "cho những người gặp khó khăn nhất". Điều đó có nghĩa là một số doanh thu tăng thêm từ xuất khẩu sẽ được chuyển sang viện trợ cho các hộ gia đình.

“Những người lo lắng không nên đơn độc với những lo lắng đó. Nhưng đây cũng là một lời nhắc nhở quan trọng rằng hệ thống phát điện của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và nó bị ảnh hưởng mạnh bởi điều kiện ở các nước láng giềng của chúng tôi”, Bộ trưởng Persen cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục