Khúc mắc từ tỷ lệ chiết khấu, tặng thưởng cho đại lý
Được biết, vụ kiện nói trên liên quan đến giao dịch mua bán hàng hóa giữa Trung tâm Dịch vụ viễn thông khu vực 1 (VNP1, thuộc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông Vinaphone) và Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Hồng Quang. Theo đó, VNP1 giao Công ty Hồng Quang làm đại lý phân phối các sản phẩm thẻ trả trước, các loại sim Vina, bộ hòa mạng, bộ trọn gói...
Ngày 18/10/2010, hai bên ký thỏa thuận bán hàng; trong đó, Công ty Hồng Quang cam kết mua hàng trong 3 tháng với tổng giá trị là 1.820 tỷ đồng và được chiết khấu ngay từ 6,7 - 7,5%, tùy loại thẻ. Công ty Hồng Quang còn được chiết khấu bổ sung từ 0,3 - 0,5% tùy loại thẻ; cứ tiêu thụ được 1 tỷ đồng mệnh giá thẻ, Công ty Hồng Quang được quyền mua 2.000 KIT (sim).
Thực hiện thỏa thuận này, VNP1 và Công ty Hồng Quang đã tiến hành giao nhận số hàng trên. Sau khi trừ chiết khấu ngay thì Công ty Hồng Quang phải thanh toán hơn 1.697 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Hồng Quang chỉ tiêu thụ được hơn 768 tỷ đồng tiền hàng, toàn bộ số hàng chưa tiêu thụ được Công ty Hồng Quang đã trả lại cho VNP1.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, theo đề nghị của Công ty Hồng Quang, Agribank Chi nhánh Hà Nội đã phát hành nhiều thư bảo lãnh thanh toán với tổng doanh số là 1.048 tỷ đồng.
Vấn đề xảy ra tranh chấp là VNP1 cho rằng, Công ty Hồng Quang còn phải thanh toán số tiền hơn 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía Công ty Hồng Quang cho rằng, Công ty chỉ còn phải thanh toán 39 tỷ đồng và VNP1 còn nợ Công ty hơn 2,6 triệu sim.
Vì sao có sự khác biệt này? Nguyên nhân là do hai bên không thống nhất được chính sách chiết khấu áp dụng cho đại lý. Phía Công ty Hồng Quang cho rằng, VNP1 phải đối trừ khoản chiết khấu bổ sung và trả cho Công ty hơn 2,6 triệu sim. Việc này đã được VNP1 thừa nhận trong biên bản thanh quyết toán công nợ ngày 1/6/2011, có chữ ký của ông Đỗ Thanh Minh, đại diện theo pháp luật của VNP1.
Quyền mua sim là quyền lợi quan trọng đối với đại lý như Công ty Hồng Quang bởi đem lại lợi nhuận lớn khi có những sim số đẹp. Vì thế, Công ty Hồng Quang yêu cầu việc thanh toán nợ phải tiến hành đồng thời với việc được thực hiện quyền mua sim.
Trong khi đó, VNP1 không chấp nhận việc này và quan trọng hơn, chính sách bán hàng đã được thay đổi (bán hàng về các tỉnh), dẫn đến VNP1 không thể thực hiện các chính sách cho đại lý Hồng Quang.
Ngân hàng chưa “tâm phục khẩu phục”
Do không thống nhất được số tiền phải trả nên bên bán hàng đã đệ đơn khởi kiện Agribank yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tòa án nhiều lần mở phiên tòa xét xử và đến nay đã có 2 bản án sơ thẩm, 2 bản án phúc thẩm và 1 quyết định giám đốc thẩm.
Bản án sơ thẩm lần thứ 1 và lần thứ 2 đều buộc Agribank phải trả nợ thay cho Công ty Hồng Quang. Không chấp nhận phán quyết này, Agribank đã đề nghị giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm để giải quyết lại.
Quá trình xét xử lần thứ 2, Tòa án hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm vẫn quyết định chấp nhận đơn khởi kiện, buộc Ngân hàng phải thanh toán hơn 61 tỷ đồng (bao gồm cả gốc lẫn lãi). Dù vậy, các bản án chưa khiến Ngân hàng “tâm phục khẩu phục”. Agribank tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Tại các phiên tòa, Công ty Hồng Quang đều thừa nhận nghĩa vụ đối với khoản tiền 39 tỷ đồng và yêu cầu thanh toán số tiền hàng này đồng thời với việc được mua sim, nhưng không được chấp nhận.
Còn Agribank cho rằng, việc tòa án căn cứ vào 2 văn bản, gồm Biên bản thanh toán quyết ngày 1/6/2011 giữa VNP1 và Công ty Hồng Quang và Công văn số 860 của Ngân hàng để xác định số nợ là 48 tỷ đồng, là vi phạm nguyên tắc khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác trong đánh giá chứng cứ.
Biên bản ngày 1/6/2011 có sự khác biệt giữa bản chính và bản photo. Trong biên bản, Công ty Hồng Quang chỉ thừa nhận số nợ 39 tỷ đồng. Còn công văn của Ngân hàng nêu rõ hai bên chưa có biên bản xác nhận công nợ chính thức, nghĩa là Agribank không xác nhận số nợ 48 tỷ đồng này.
Về trách nhiệm bảo lãnh, theo Agirbank Chi nhánh Hà Nội, Thư bảo lãnh số 1500 phát hành ngày 20/12/2010 có giá trị bảo lãnh là 130 tỷ đồng, được phát hành căn cứ trên Bộ luật Dân sự, căn cứ trên hợp đồng số 04 VNP1 đã ký với Công ty Hồng Quang và phụ lục hợp đồng. Do đó, việc xem xét nghĩa vụ của ngân hàng phải căn cứ vào việc các bên tuân thủ hợp đồng, phụ lục hợp đồng và thỏa thuận bán hàng nói trên. Trên thực tế, các bên không thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung đã cam kết dẫn đến mâu thuẫn, không xác định được công nợ.
Hơn nữa, thư bảo lãnh có giá trị đến trước ngày 10/3/2011. Nhưng đến ngày 10/3/2011, Agribank Hà Nội mới nhận được thông báo của VNP1 yêu cầu Ngân hàng đôn đốc Công ty Hồng Quang thực hiện thanh toán, mà không phải là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Theo Agribank, việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của các chi nhánh phải tuân thủ quy định tại Quyết định 398/QĐ-HĐQT-TD của Agribank và đáp ứng các điều kiện: Nghĩa vụ bảo lãnh đến hạn; bên nhận bảo lãnh có văn bản đề nghị ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cùng với tài liệu chứng minh khách hàng vi phạm nghĩa vụ đã cam kết.
Từ các căn cứ trên, Agribank đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, sửa toàn bộ bản án, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Nghi vấn trục lợi từ bảo lãnh ngân hàng?
Liên quan đến tranh chấp bảo lãnh, Agribank Hà Nội cho rằng, có sự cấu kết, trục lợi giữa ông Đỗ Thanh Minh, nguyên đại diện theo pháp luật của VNP1 và bà Phan Thị Hồng, Giám đốc Công ty Hồng Quang. Mặc dù biết Công ty Hồng Quang không thể hoàn thành doanh số từng tháng theo như cam kết, nhưng ông Minh vẫn thỏa thuận với bà Hồng cố tình đẩy doanh thu của Công ty Hồng Quang trong 3 tháng (10, 11, 12/2010). Ông Minh đã chỉ đạo VNP1 bán và giao hàng cho Công ty Hồng Quang để đạt doanh số lớn nhằm lợi dụng cơ chế thưởng, chia nhau tỷ lệ chiết khấu, trục lợi cá nhân.
Khi bên bán hàng thực hiện tái cơ cấu, chính sách bán hàng thay đổi, chấm dứt việc đại lý được quyền mua sim thì VNP1 và Công ty Hồng Quang không ký được Biên bản thanh quyết toán. Ông Minh và bà Hồng đã cấu kết với nhau, lợi dụng số dư còn lại (hơn 48 tỷ đồng) từ bảo lãnh để kiện ngân hàng nhằm chiếm dụng vốn.
Trước nguy cơ bị trục lợi, Agribank Hà Nội đã đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xác minh làm rõ.
Được biết, các đơn thư của Ngân hàng đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.