Khu công nghiệp hưởng lợi hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ áp dụng RECP

0:00 / 0:00
0:00
Việc áp dụng mô hình sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội và môi trường cho các khu công nghiệp.
Khi áp dụng mô hình RECP đã mang lại lợi ích về kinh tế gần 24 tỷ đồng mỗi năm cho khu công nghiệp Hiệp Phước Khi áp dụng mô hình RECP đã mang lại lợi ích về kinh tế gần 24 tỷ đồng mỗi năm cho khu công nghiệp Hiệp Phước

Tại Hội thảo tổng kết dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” (gọi tắt là Dự án), do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO tổ chức ngày 12/4, ông Hoàng Anh Phú, Chuyên viên chính Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đánh giá về kết quả hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Đây là một trong năm hoạt động chính tại các khu công nghiệp tham gia chương trình.

Cụ thể, tại 3 khu công nghiệp là Deep C (Hải Phòng), Amata (Đồng Nai) và Hiệp Phước (TP.HCM), khi áp dụng mô hình RECP, ông Phú cho biết ngày càng có nhiều sự quan tâm trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các khu công nghiệp và các Thành phố xung quanh nhờ các lợi ích về kinh tế và xã hội mang lại.

Chẳng hạn, tại khu công nghiệp Deep C, mô hình này đã mang lại lợi ích về kinh tế khoảng 7,6 tỷ đồng. Trong đó, đã giảm tiêu thụ điện với hơn 1.600 MWh/năm, và hơn 75.700 m3 nước/năm… nhờ vậy đã giảm phát thải được gần 1.500 tấn CO2.

Riêng doanh thu từ việc bán nước từ việc áp dụng tuần hoàn tái sử dụng nước tại khu công nghiệp này đã mang về 17,7 tỷ đồng mỗi năm.

Đặc biệt là tại khu công nghiệp Hiệp Phước, khi áp dụng mô hình này đã mang lại lợi ích về kinh tế gần 24 tỷ đồng mỗi năm, nhờ giảm tiêu thụ điện 7.000 MWh/năm và gần 160.000 m3 nước mỗi năm… Nhờ vậy, khu công nghiệp này đã giảm phát thải được gần 6.000 tấn CO2 mỗi năm.

Theo ông Phú, các doanh nghiệp khi triển khai áp dụng RECP đều mang lại kết quả rất tốt mặc dù ban đầu còn nghi ngại tham gia. Do đó, thời gian thuyết phục doanh nghiệp tham gia kéo dài do thông tin chưa tới được người ra quyết định bị thiếu, không rõ ràng hoặc hiểu lầm.

Chính vì vậy, vai trò của các Ban quản lý khu công nghiệp, công ty hạ tầng rất quan trọng trong việc kết nối thông tin, thuyết phục doanh nghiệp.

Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” được thực hiện từ nguồn viện trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức.

Tổng kinh phí triển khai dự án từ 2020 - 2024 là hơn 1,8 triệu USD. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có sang khu công nghiệp sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên.

Trong đó, 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục