Khu công nghiệp có thể "tự cung cấp" điện?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sử dụng năng lượng xanh và hiệu quả như điện mặt trời áp mái là điều được nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp quan tâm từ lâu, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà khó triển khai trên thực tế.
Dự án điện mặt trời áp mái tại Khu công nghiệp An Phước, Đồng Nai Dự án điện mặt trời áp mái tại Khu công nghiệp An Phước, Đồng Nai

Tiềm năng và rào cản

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất Đông Nam Á, tạo ra 16.500 MW vào cuối năm 2020. Còn theo báo cáo hồi tháng 1/2021 của Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN), điện mặt trời chiếm 25% tổng công suất điện sản xuất của cả nước. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 10,7% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu thông qua các dự án năng lượng mặt trời và điện gió.

Đánh giá cao lợi ích điện mặt trời mang lại, ông Phan Thành Trung, Giám đốc điều hành Công ty KTG Energy cho rằng, với các khu công nghiệp, khu chế suất, điện mặt trời áp mái sẽ giúp giảm tiền điện trực tiếp, giảm thiểu nhiệt độ bên dưới xưởng, đồng thời tăng tuổi thọ mái tôn. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có cơ hội đạt được chứng chỉ LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh) cho các nhà máy của mình nếu sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió trong sản xuất.

Lợi ích là vậy, nhưng để triển khai là không dễ dàng. Theo ông Trung, hiện có 2 rào cản chính cản trở việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp. Thứ nhất, về kỹ thuật, các ngành nghề sản xuất thường gây ra nhiều bụi thải công nghiệp sẽ khiến bề mặt của các tấm pin bị bám bụi, làm giảm hiệu suất hệ thống. Nhiều trường hợp, nhà xưởng có cấu trúc mái yếu hoặc tuổi thọ đã cao (sắp đến thời hạn gia cố, thay mái) nếu lắp dễ gây rủi ro sập mái

Thứ hai, về chính sách, trong hơn 1 năm qua, các dự án năng lượng mặt trời liên tục bị cắt giảm công suất, giá mua điện mới (giá FIT3) đến nay cũng chưa được Chính phủ công bố. Đặc biệt, việc lắp đồng hồ 2 chiều, ký thỏa thuận đấu nối với EVN vẫn chưa ngã ngũ khiến việc kết nối với hệ thống điện quốc gia gặp nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, chính sách pháp luật chồng chéo, không thống nhất là vướng mắc lớn nhất khi triển khai điện mặt trời áp mái tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Cụ thể, trong khi có địa phương nêu quan điểm không cần thiết đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với ngành nghề sản xuất điện mặt trời mái nhà đối với khu công nghiệp thì Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng, không có cơ sở để áp dụng việc miễn hoặc không thực hiện ĐTM khi bổ sung ngành nghề sản xuất điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp.

Theo lý giải của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án đầu tư mở rộng quy mô, thay đổi loại hình sản xuất của khu công nghiệp đang hoạt động, bao gồm cả việc bổ sung ngành nghề sản xuất và phân phối điện, hoạt động sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời, đều thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM thì rõ ràng, việc đầu tư dự án điện mặt trời chỉ được thực hiện tại các khu công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thu hút ngành nghề sản xuất điện/nhiệt điện/phân phối điện. Trong khi trên thực tế, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để giải quyết phần nào nguồn điện và hướng tới phát triển xanh trở nên phổ biến cả với các khu công nghiệp, khu chế xuất cũ.

Ngoài những yếu tố trên, thời gian hoàn vốn cho các dự án điện mặt trời áp mái cũng là điều được các chủ đầu tư khu công nghiệp quan tâm. Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Hường, Giám đốc Công Ty TNHH Thương mại dịch vụ Trần Hường - đơn vị chuyên thi công, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho biết, thời gian hoàn vốn tùy vào công suất, khu vực địa lý nơi lắp đặt hệ thống. Mặt khác, nếu các khu công nghiệp hoặc các trang trại điện không bị cắt giảm công suất lên lưới điện quốc gia, hoặc sau khi lượng điện sử dụng tại chỗ còn dư thừa được đẩy lên lưới được thanh toán theo giá FIT, thì việc hoàn lại số vốn đầu tư lắp đặt hệ thống sẽ không dài.

“Chẳng hạn, nếu khu công nghiệp tại khu vực các tỉnh phía Nam lắp hệ thống điện mặt trời công suất 1 MWP thì sau khoảng 5 năm là hoàn vốn, với hệ thống tương tự lắp đặt tại khu công nghiệp ở miền Bắc thì thời gian vào khoảng 6 năm”, bà Hường nêu ví dụ.

Dự án điện mặt trời Bousted Projec tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II, Đồng Nai

Dự án điện mặt trời Bousted Projec tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II, Đồng Nai

Giải pháp nào?

Phân tích từ thực tế, bà Hường cho biết, các khu công nghiệp thường sử dụng nhiều điện vào ban ngày, lại nằm ở cách xa trung tâm thành phố không bị che khuất bởi các tòa nhà cao tầng nên việc lắp đặt điện mặt trời là bài toán rất kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, do hệ thống lưới truyền tải đang được nâng cấp để tiếp nhận lượng công suất lớn từ điện năng lượng tái tạo nên giá bán điện mới chưa được công bố, cùng với đó là các nhà máy điện, các trang trại điện mặt trời cũng phải cắt giảm công suất phát điện giảm tải điện lưới, khiến các doanh nghiệp muốn đầu tư lĩnh vực này phải cân nhắc. Chưa kể, để đầu tư dự án điện mặt trời, các doanh nghiệp phải bỏ ra số vốn đầu tư không nhỏ và phần nhiều trong đó là đi vay ngân hàng, trong khi doanh thu phát điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên khó phát huy tối đa công suất đang có.

“Đây là những thách thức lớn đối với việc triển khai điện mặt trời ở các khu công nghiệp. Chỉ khi nào những nút thắt này được tháo gỡ thì điện mặt trời tại các khu công nghiệp mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ”, bà Hường nói.

Chia sẻ giải pháp của doanh nghiệp trong việc triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái, ông Phan Thành Trung cho biết, trước khi các vấn đề căn cốt được giải quyết, KTG Energy chủ động hợp tác với những doanh nghiệp uy tín để cùng triển khai các dự án liên quan theo 4 hình thức:

Thứ nhất, KTG Energy sẽ đầu tư 100% thiết bị điện năng lượng mặt trời và bán lại điện cho chủ đầu tư với giá rẻ hơn so với giá của EVN. KTG Energy sẽ tặng lại toàn bộ hệ thống sau 20 năm khai thác và chủ đầu tư có thể tiếp tục sử dụng miễn phí hệ thống phát điện thêm 10 năm.

Thứ hai, KTG Energy sẽ tư vấn miễn phí và thu xếp tài chính phục vụ việc đầu tư, xây lắp, vận hành, quản lý hệ thống cho chủ đầu tư.

Thứ ba, khách hàng sẽ tự đầu tư hoặc hợp tác cùng KTG Energy. Theo đó, KTG Energy sẽ hỗ trợ tư vấn và chịu trách nhiệm xây lắp, vận hành, quản lý hệ thống cho chủ đầu tư.

Thứ tư, KTG Energy sẽ chịu trách nhiệm cung cấp vật tư, thiết bị của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới cho các dự án năng lượng mặt trời, chủ đầu tư tự vận hành, quản lý dự án.

Bên cạnh hình thức hợp tác linh động, ông Trung còn cho biết, KTG Energy cam kết thu hồi lại hệ thống điện mặt trời và tiến hành tái chế các thành phần của hệ thống, loại bỏ mối lo về rác thải điện mặt trời.

“Mặc dù chính sách thúc đẩy quang năng phục vụ khu công nghiệp hiện còn nhiều vướng mắc, nhưng tôi tin thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển và mô hình xây dựng hệ thống điện mặt trời là một hướng đi đúng đắn, vững chắc trong tương lai”, ông Trung nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục