Ròng rã khoảng 1 năm trở lại đây, Bộ Xây dựng liên tục có những kiến nghị, giải pháp “phá băng” thị trường, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS. Nhưng ít giải pháp được thực thi, thị trường vẫn tiếp tục lao dốc. Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp BĐS đã chấp nhận bán đại hạ giá, thậm chí bán phá giá để giải quyết lượng hàng tồn.
Thời gian gần đây, Tập đoàn Hòa Phát gây sốc bằng việc giảm giá bán căn hộ Dự án Mandarin Garden tại Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) tới 10 triệu đồng/m2. Theo đó, chủ đầu tư đã giảm giá bán từ 45 triệu đồng/m2 trong đợt mở bán trước đó, xuống mức giá 29 - 35 triệu đồng/m2. Không chỉ giảm giá bán, Tập đoàn Hòa Phát còn hỗ trợ khách hàng vay vốn mua nhà với lãi suất ưu đãi, hạn mức cho vay lên tới 70% giá trị căn hộ.
Theo một đại diện chủ đầu tư, Dự án Mandarin Garden mới bán được khoảng 30% căn hộ (trên tổng số khoảng 1.000 căn hộ tại dự án). Nếu giữ nguyên giá bán 45 triệu đồng/m2, việc bán hàng tại Dự án sẽ rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Với lượng tồn kho tới 700 căn, việc chủ đầu tư giảm mạnh giá bán được hiểu như một cách “tự cứu mình”.
Theo sau Hòa Phát, CTCP Đầu tư Mai Linh cũng giảm giá bán căn hộ Dự án Golden Palace (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty làm chủ đầu tư từ mức 30 - 33 triệu đồng/m2 xuống 22,6 triệu đồng/m2. Lượng căn hộ chưa bán được tại dự án này (như đại diện chủ đầu tư thừa nhận) còn tới hơn 40%, nên việc hạ giá bán căn hộ được xem như là một cách đẩy hàng tồn.
Tại phiên chợ BĐS lần 1 do Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội tổ chức mới đây, CTCP Đầu tư Hải Phát đã “phá giá” căn hộ Dự án The Pride (quận Hà Đông) với giá từ 18,5 - 19,5 triệu đồng/m2, bất chấp các đơn vị thứ cấp vẫn giữ giá bán căn hộ tại dự án này ở mức giá 21 - 22 triệu đồng/m2. Dù chủ đầu tư không thừa nhận, nhưng thực chất mục đích của việc giảm giá sốc căn hộ The Pride (cũng tương tự Mandarin Garden hay Golden Palace) là tạo lợi thế cạnh tranh để tiêu thụ lượng hàng tồn lên đến 700 căn hộ tại dự án này.
Dường như các doanh nghiệp BĐS đã cạn kiệt niềm tin vào khả năng thị trường được giải cứu, nên làn sóng đại hạ giá để đẩy hàng tồn kho vẫn tiếp diễn. Tại hàng loạt dự án được mở bán mới đây, chủ đầu tư đều giảm mạnh giá bán hoặc tiếp tục điều chỉnh giá bán.
Tuy nhiên, thanh khoản của thị trường không vì thế mà được cải thiện. Đặc biệt, khách hàng có xu hướng so sánh mức giá của các dự án này với mức giá 10 triệu đồng/m2 tại Dự án Đại Thanh của Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu, nên rất ít khách hàng chấp nhận móc hầu bao mua nhà.
Làn sóng giảm giá, bán tháo đang diễn ra quyết liệt, khiến nhiều doanh nghiệp không bán được hàng. Tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp BĐS do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Phó tổng giám đốc Vinaconex Đoàn Châu Phong khẳng định, việc bán phá giá khiến thị trường càng trầm lắng hơn, vì người dân có xu hướng sẽ chờ đợi thị trường giảm tiếp.
Theo phân tích của một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, việc doanh nghiệp bán phá giá nhằm đẩy hàng tồn kho, thoát khỏi thị trường cho thấy, doanh nghiệp tin rằng thị trường còn tiếp tục đi xuống.