Đánh giá về kinh tế những tháng đầu năm 2023, ông có nhận định gì?
Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn thấp, 9 tháng đạt 4,24%, dự báo cả năm đạt 4-4,5%. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm 2023 cũng là một điểm sáng với những tín hiệu tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nợ xấu giữ trong ngưỡng cho phép, tỷ giá vẫn khá ổn định; thu hút vốn đầu tư FDI, giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn; một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh…
Để có được những kết quả đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các bộ, ngành đã không ngừng nỗ lực trong việc điều hành nền kinh tế, từ việc ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Chính phủ, cho đến các chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN…
Các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, ông có thể cho biết câu chuyện này tại Techcombank?
Chúng tôi cũng luôn theo sát và triển khai thực hiện nghiêm túc những chủ trương, chỉ đạo, chính sách từ Chính phủ, NHNN và các bộ, ban, ngành. Đối với chính sách về lãi suất, đồng hành cùng NHNN, Techcombank cũng điều chỉnh mức lãi suất huy động theo đúng quy định và đã giảm dần lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới, cũng như cung cấp các gói vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp.
Cụ thể, tháng 2/2023, Techcombank triển khai gói 39.000 tỷ đồng cho cả khoản vay mới và khoản vay cũ - giảm lãi suất lên tới 2%/năm. Đến tháng 6/2023, mở rộng hạn mức và đối tượng khách hàng được giảm lãi suất ngoài gói 39.000 tỷ đồng - tối đa mức giảm lên tới 1,2%/năm. Tháng 8/2023, triển khai gói 12.000 tỷ đồng giảm tiếp 1%/năm lãi suất so với các gói trước đó và đến tháng 9/2023, tiếp tục mở rộng hạn mức và đối tượng khách hàng được giảm lãi suất ngoài gói 12.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất 1%/năm so với lãi suất ưu đãi của gói 12.000 tỷ đồng đã triển khai.
Đặc biệt, Techcombank đã hưởng ứng chủ trương, chỉ đạo của NHNN vào thời điểm cuối tháng 5/2023 là thực hiện giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu. Số dư nợ vay được hưởng chính sách này như đã đăng ký với NHNN vào khoảng 51.000 tỷ đồng cho cả khách hàng doanh nghiệp và người dân.
Cùng với các ngân hàng, Techcombank đang đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp |
Hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là một trong những chương trình trọng điểm của Chính phủ, nhưng việc triển khai tại nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn, Techcombank thì sao?
Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 6221/NHNN-TD ngày 6/9/2022, Techcombank đã áp dụng đồng loạt trên toàn hệ thống. Techcombank được đánh giá là một trong những ngân hàng cổ phần tư nhân có kết quả thuộc nhóm đầu với tổng số dư nợ được hỗ trợ lãi suất tính đến 31/8/2023 đạt gần 12.000 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất đạt hơn 60 tỷ đồng.
Được biết, hoạt động cấp tín dụng tại các ngân hàng thời gian qua đã cải tiến mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, chắc hẳn Techcombank không đứng ngoài vận động này?
Chúng tôi không ngừng cải tiến, nâng cấp và ban hành mới các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành nghề nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng cũng như giải quyết triệt để những khó khăn do đặc thù riêng trong lĩnh vực hoạt động của khách hàng.
Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), Techcombank tập trung phát triển tín dụng theo phương châm tín dụng dễ dàng bằng các chương trình cụ thể như: Thứ nhất, chương trình cấp tín dụng nhanh không có tài sản bảo đảm (đến 5 tỷ đồng) cho nhóm khách hàng phi tín dụng hiện hữu đang có giao dịch tài khoản trên kênh ngân hàng số của Techcombank; thứ hai, chương trình cấp tín dụng nhanh không có tài sản bảo đảm (đến 5 tỷ đồng) thông qua khách hàng khai thác trên kênh đối tác. Đây là các giải pháp tín dụng dựa trên các thông tin về giao dịch của khách hàng trên kênh số hoặc kênh đối tác để giúp Techcombank phê duyệt tín dụng nhanh và quản trị tốt rủi ro.
Bên cạnh những giải pháp cấp tín dụng nêu trên, chúng tôi còn triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể khác để đem lại lợi ích cho khách hàng, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh, vay vốn của khách hàng.
Đối với chính sách hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ, Thông tư 02/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là một giải pháp thiết thực trong tình hình hiện nay, giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì sản xuất - kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới...
Dẫu vậy, doanh nghiệp vẫn “phàn nàn” khi tiếp cận nguồn vốn tại hệ thống ngân hàng. Ông đề xuất giải pháp gì?
Đến thời điểm hiện tại, Techcombank đánh giá rằng, NHNN cùng với các ngân hàng thương mại đã luôn nỗ lực đồng hành và tháo gỡ các khó khăn liên quan đến vốn vay và lãi suất cho doanh nghiệp. Các giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ cũng không còn nhiều dư địa vì NHNN vẫn còn mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Bản thân các ngân hàng vẫn đang dư vốn mà không cho vay ra được, trong khi áp lực tăng trưởng tín dụng luôn cận kề và room tín dụng được NHNN phân bổ vẫn chưa sử dụng hết. Luôn có câu hỏi phải tìm lời giải là làm thế nào để tối ưu nguồn vốn, tối ưu chi phí vốn? Vì vậy, các ngân hàng rất mong muốn cho vay ra. Hiện nay, các ngân hàng còn đang chủ động đi tìm khách hàng, cạnh tranh lẫn nhau để thu hút khách hàng về giao dịch.
Tôi cho rằng, hiện nay, lãi suất không còn là vấn đề nóng, mà cốt yếu là doanh nghiệp vay để làm gì trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu biến động mạnh, cầu nhập hàng từ Việt Nam chưa hồi phục... Do đó, song hành cùng các giải pháp về chính sách tiền tệ, các giải pháp về chính sách tài khóa, ngân sách như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giảm thuế thu nhập, thuế VAT… cũng cần được đẩy mạnh để chung tay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong các buổi trao đổi, lắng nghe các khó khăn từ các doanh nghiệp cũng đã cho thấy vấn đề hiện nay không chỉ là việc tiếp cận vốn ngân hàng quá khó hay lãi suất cho vay quá cao, mà còn là những khó khăn theo đặc thù riêng của từng ngành nghề. Theo đó, chúng tôi muốn đề xuất một số kiến nghị như sau: Chính phủ xem xét dành ngân sách cho các hoạt động đổi mới công nghệ theo hướng kinh tế xanh, chẳng hạn ngành dệt may chuyển từ nồi hơi đun than sang điện. Bộ Tài chính rà soát và đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho doanh nghiệp để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Về chi phí công đoàn, Điều 4 - Nghị định số 191/2013/NĐ-CP nêu rõ: Doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị dù thành lập công đoàn cơ sở hay không đều phải đóng kinh phí công đoàn hàng tháng với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cho nên cũng cần xem xét gia hạn hoặc miễn giảm để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Các bộ, ngành đẩy mạnh xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối, mở rộng đối tác bạn hàng, thị trường.
Về phía doanh nghiệp, cần tập trung thực vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, không/hạn chế đầu tư ngoài ngành; phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm đảm bảo năng lực tài chính lành mạnh, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và ngân hàng; thực hiện chuyển đổi số, điều chỉnh mô hình hoạt động, cắt giảm chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời bám sát các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và các ngân hàng để phục hồi, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh…