Vì sao tín dụng tại Bắc Ninh suy giảm?

(ĐTCK) Tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%).
Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị "Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh" chiều ngày 28/9, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ, chúng ta đang bước vào tháng cuối cùng của quý III và chuẩn bị cho thời điểm 3 tháng cuối cùng của năm 2023, thời điểm mà nhu cầu vốn tín dụng tăng cao để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm…

Tuy nhiên, chia sẻ từ các doanh nghiệp, hiệp hội, ngân hàng tại Bắc Ninh cho thấy sự thống nhất là, hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn đang trong giai đoạn khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ các yếu tố đa chiều từ quốc tế tới trong nước. Hiệu quả hoạt động suy giảm do thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra, phải cắt giảm lao động, chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ, phải thu hẹp lại sản xuất hoặc phải rút lui khỏi thị trường, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm...

Ngân hàng đối mặt tăng trưởng âm

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%). Trong đó, tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất tăng 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỷ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội nghị

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 9,78%. Tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm 23,79%; trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 53%, giảm 2,64%, dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh 38,59%.

Về phía các ngân hàng, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, tổng quy mô huy động vốn trên địa bàn Bắc Ninh tính đến 26/9/2023 của Ngân hàng là 18.107 tỷ đồng (chiếm 8,5% thị phần huy động vốn), quy mô tín dụng đạt 16.350 tỷ đồng (chiếm thị phần khoảng 10,6%), tăng 1,7% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tại BIDV đối với địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong 5 năm qua tăng nhanh, tổng dư nợ đến 26/9/2023 tăng 1,6 lần so với năm 2019, tăng trưởng trung bình là 16%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân hàng năm của BIDV.

“Tuy nhiên, do tình hình kinh tế chung gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn bị chậm lại, trong 9 tháng đầu năm 2023, dư nợ của BIDV trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 1,7%, tập trung vào lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp (tăng ròng 550 tỷ đồng) và ngành thương mại (tăng ròng 424 tỷ đồng)”, bà Giao nói.

Tại Agribank, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc chi nhánh Bắc Ninh thông tin, tính đến 27/9/2023, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh đạt 22.105 tỷ đồng, tăng 2.070 tỷ (+10,4%) so với đầu năm. Chiếm 11,2% tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay đạt 21.050 tỷ đồng, tăng 504 tỷ đồng (+2,5%) so với đầu năm. Chiếm 13,6% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn.

Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp là 5.600 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân là 15.450 tỷ đồng, chiếm 73% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là 14.762 tỷ đồng, chiếm 70% tổng dư nợ. Tổng số khách hàng đang có quan hệ tín dụng tại Chi nhánh là 15.945 khách hàng, trong đó có 446 khách hàng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Hưng thừa nhận, do những khó khăn chung của nền kinh tế, việc hấp thụ vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong những tháng đầu năm 2023 ở mức thấp; thêm vào đó là sự trầm lắng của thị trường bất động sản, chứng khoán đã làm cho cầu tín dụng giảm mạnh, nên kết quả tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2023 của Chi nhánh chưa đạt được như kỳ vọng.

“Tại Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, đến hết 30/04/2023, dư nợ cho vay còn ở mức giảm 728 tỷ đồng so với đầu năm, tuy nhiên đến nay dư nợ cho vay đã tăng trưởng 504 tỷ đồng so với đầu năm (theo đó từ tháng 5/2023 đến nay, dư nợ cho vay đã tăng 1.232 tỷ đồng)”, ông Hưng nói

Ông Nguyễn Việt Sáng, Giám đốc chi nhánh LPBank Bắc Ninh chia sẻ: “Cho vay mới tại Ngân hàng không đủ bù đắp được các khoản trả nợ của khách hàng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tăng trưởng mới được 450 tỷ đồng dư nợ, trong đó khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 30%, nhưng tăng trưởng ròng vẫn đang bị âm 180 tỷ đồng”.

Doanh nghiệp cần có “cửa” khác để huy động được vốn

Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Thảo Phát (Hyundai Bắc Ninh) cho biết, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh, thu nhập, giá cả nói chung và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

Trong khi đó, việc đánh giá yếu tố liên quan đến hồ sơ vay tiền như lịch sử tín dụng, hệ số nợ và khả năng bảo đảm… quá chi tiết. Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, các chính sách và quy định của Ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp khi vay vốn phải cung cấp báo cáo thuế hoặc báo cáo kiểm toán trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không đáp ứng kịp thời yêu cầu này.

Cũng theo bà Hồng, kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy tài sản thế chấp, lãi suất vốn và thủ tục vay vốn vẫn là rào cản lớn trong quá trình tiếp cận tín dụng giữa doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, bà Hồng cũng thừa nhận: “Thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến thiếu cơ sở cho các tổ chức tín dụng đánh giá, thẩm định trình hồ sơ vay vốn lên các cấp cao hơn”.

Bà Hồng kiến nghị, cần xây dựng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường. Khi không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, thì vẫn cần có “cửa” khác để huy động được vốn. Bên cạnh đó, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp hiện tại. Ban hành nghị định hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp theo từng thời điểm.

Ngoài ra, cần đưa các gói hỗ trợ lãi suất đến đúng đối tượng và hạn chế tối đa các rủi cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Ngân hàng trực tiếp cho vay gói tín dụng với hệ thống Ngân hàng Nhà nước với quy định đối tượng Doanh nghiệp thụ hưởng. Cần phải quy định rất rõ trách nhiệm của mỗi bên và có phương án phù hợp… Thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng .

“Doanh nghiệp đang rất cần thêm các chính sách chuyên biệt về cơ chế mang tính đặc thù, chính sách tài chính, nguồn vốn tín dụng ưu đãi... của các hệ thống ngân hàng dành cho các doanh nghiệp. Không chỉ là vốn, lãi suất, mà các chính sách vĩ mô khác, trong đó có thu hút đầu tư, phát triển thị trường vốn, chính sách về thuế, phí... sẽ hỗ trợ rất lớn cho Doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sau hậu Covid-19”, bà Hồng nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh đề nghị các ngân hàng có văn bản kiến nghị Chính phủ có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ đó vực dậy những doanh nghiệp có điều kiện sản xuất kinh doanh phát triển tốt, hỗ trợ trong lúc doanh nghiệp đã đến lúc kiệt quệ.

“Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu và sức mua của thị trường giảm nghiêm trọng, vì vậy để giữ thị phần buộc doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí hoạt động và áp dụng các chính sách ưu đãi với khách hàng như giảm giá bán, kéo dài hơn thời gian trả nợ. Chi phí tài chính lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vay là thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc cố gắng duy trì quy mô hoạt động hiện tại và kế hoạch phát triển tiếp theo”, ông Phượng nói.

Cũng theo ông Phượng, tại thời điểm hiện nay lãi suất vay của các ngân hàng còn cao khiến doanh nghiệp không tối ưu được chi phí trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn và mức độ cạnh tranh cao còn dẫn đến hiệu quả kinh doanh và các chỉ số tài chính của doanh nghiệp suy giảm. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn duy trì việc đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp theo cách đánh giá theo điều kiện bình thường để áp dụng điều kiện ưu đãi lãi suất làm doanh nghiệp giảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn.

“Để đảm bảo hạn chế rủi ro, các ngân hàng duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay còn cao, vô hình giảm hạn mức của các doanh nghiệp, doanh nghiệp lại càng gặp khó hơn trong công tác cân đối, mở rộng nguồn vốn”, ông Phượng nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục