Mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử
Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.
Mở đầu phiên làm việc sáng 25/12 tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Theo Tờ trình, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ quy định theo hướng không loại trừ phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử, tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
“Hiện nay, công nghệ số đã sẵn sàng, chữ ký số khó giả mạo hơn chữ ký tay, nhận dạng khuôn mặt bằng máy chính xác hơn nhận dạng khuôn mặt bằng mắt thường, quốc tế đã sử dụng phổ biến”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh các lý do của quyết định trên.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã đưa dữ liệu số trở thành cốt lõi và hệ thống thông tin, nền tảng số trở thành môi trường không thể thiếu của giao dịch điện tử, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và quy định pháp lý về dịch vụ tin cậy đã được bổ sung trong Luật.
Việc mở rộng cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc. Các lĩnh vực đã lược bỏ loại trừ vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan khi muốn chuyển sang giao dịch điện tử.
Thực tiễn Việt Nam hiện nay, các dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành địa phương cung cấp đang được đẩy mạnh theo hướng toàn trình. Một số lĩnh vực hạn chế trong Luật Giao dịch điện tử 2005 đã được thực hiện giao dịch điện tử một phần.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia có cùng điều kiện tương đương Việt Nam cũng không đưa ra các lĩnh vực loại trừ trong Luật (Indonesia, Philippines), có quốc gia chỉ nêu các trường hợp loại trừ ở các văn bản dưới luật nhằm dễ dàng thay đổi khi điều kiện thực tiễn cho phép (Thái Lan), có quốc gia đã thu hẹp phạm vi các lĩnh vực loại trừ trong Luật (Singapore), một số quốc gia phát triển cũng không có quy định loại trừ này (Hàn Quốc, Trung Quốc).
Có thể đưa một giao dịch lên trực tuyến toàn trình (end-to-end)
Theo trình bày của Bộ trưởng, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã sửa đổi, chi tiết hoá cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện đảm bảo giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại.
Bổ sung quy định về chứng thư điện tử nhằm tháo gỡ vướng mắc về kết quả giao dịch để có thể đưa một giao dịch lên trực tuyến toàn trình (end-to-end).
Vấn đề lớn nhất trong việc thúc đẩy giao dịch điện tử toàn trình chính là việc kết quả cuối cùng vẫn cấp văn bản giấy. Hiện nay, mới chỉ có quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử ở cấp Nghị định.
Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử
Năm 2017, Liên Hợp Quốc đã xây dựng và ban hành Luật mẫu mới bên cạnh Luật mẫu năm 1996 . Trong đó, bổ sung quy định về các giấy tờ có giá, giấy tờ có thể chuyển nhượng trong giao dịch điện tử. Đây là cơ sở tham chiếu để bổ sung quy định về chứng thư điện tử trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi.
Nhiều quốc gia sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cũng cập nhật nội dung này trong luật mới. Với những sửa đổi trên, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng...