Không làm việc cả thứ bảy như tuần trước, tuần thứ hai của kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ có 5 ngày làm việc.
Sáng thứ hai (24/10) Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đây là dự án luật dự kiến sẽ được thông qua ở kỳ họp này (đã được thảo luận từ kỳ họp thứ ba), sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba.
Quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chính phủ đã đề xuất bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng, trong đó, quy định về các trường hợp thử nghiệm lâm sàng; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người tham gia thử nghiệm lâm sàng...và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép.
Liên quan đến sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tiếp thu theo hướng người hành nghề là người nước ngoài bắt buộc phải sử dụng thành thạo tiếng Việt, nếu muốn khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam.
Quy định về xã hội hoá cũng đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định quy định chi tiết.
Trong tuần làm việc thứ hai này, Quốc hội sẽ dành hai ngày 27 và 28/10 để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Riêng chiều 28/10 có thêm nội dung việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Các nội dung trên đều đã được thảo luận tại tổ vào ngày 22/10. Về tình hình kinh tế, xã hội, nhiều ý kiến đánh giá cao kết quả của năm 2022 với 14/15 chỉ tiêu được dự kiến đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên còn nhiều ý kiến lo lắng về điều hành giá xăng dầu, về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, về sự tổn thương của thị trường vốn....
Chương trình nghị sự trong tuần còn có nội dung thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ được thảo luận tại tổ.
Một số dự án luật được cho ý kiến lần đầu và tiếp tục cho ý kiến như Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), án Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).