Không để tiền ảo lọt lưới rửa tiền

Liên tiếp những đường dây đánh bạc, rửa tiền thời gian gần đây đều sử dụng tiền ảo. Thế nhưng, tài sản ảo, tiền ảo hiện vẫn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Tiền ảo, tài sản ảo hiện vẫn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Ảnh: Shutterstock

Tiền ảo, tài sản ảo bị đưa vào tầm ngắm

Chỉ từ năm ngoái tới nay, hàng loạt đường dây đánh bạc trực tuyến được lực lượng công an triệt phá. Đáng chú ý, hầu hết các đường dây đánh bạc này đều có liên quan tới tiền ảo và có dấu hiệu rửa tiền. Điển hình là đường dây đánh bạc qua hệ thống Evol (evol.club) với số tiền khoảng 30.000 tỷ đồng; đường dây tổ chức đánh bạc qua trang Nagaclubs.com với số tiền khoảng 87.000 tỷ đồng; đường dây tổ chức đánh bạc qua trang bong88.com với số tiền khoảng 13.500 tỷ đồng… Hầu hết các nhà cái (sòng bài) đều ở nước ngoài, người chơi lập tài khoản và nạp tiền vào sau đó quy ra tiền ảo để cá cược.

Không chỉ đánh bạc, thời gian qua, hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tài sản ảo diễn ra hết sức sôi động ở nước ta. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào. Tiền ảo và tài sản ảo vẫn “lọt lưới” do các quy định của Luật phòng chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

Trước đó, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) cũng nhiều lần chỉ ra các rủi ro tiềm tàng về rửa tiền, tài trợ khủng bố của tiền ảo và khuyến nghị, yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, được đăng ký, cấp phép và chịu sự quản lý giám sát.

Tại dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền công bố tháng 6/2022, NHNN đã bổ sung đối tượng cung cấp dịch vụ tài sản ảo. Theo dự thảo mới nhất được trình Thường vụ Quốc hội, nội dung này lại không được đưa vào. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho hay, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đánh giá tính khả thi, đồng thời để đảm bảo quy định tại Luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền.

Nguyên nhân là Luật nguồn chưa có, nên mặc dù có giao dịch về tiền ảo, nhưng cơ quan chức năng không bắt bớ cũng không ngăn cấm, nội dung này lẽ ra phải sửa ở luật dân sự, ông Dũng giải thích.

Cũng theo Phó thống đốc, dự thảo Luật lần này bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền đối với các sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới trước khi đưa vào sử dụng; ban hành chính sách, quy trình về quản lý rủi ro.

Trước đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho hay, theo quan điểm của Bộ Tư pháp, các hoạt động kinh doanh tài sản ảo chưa được thừa nhận ở Việt Nam nên việc đưa vào Luật có thể gây ra rất nhiều cái tranh cãi về mặt pháp lý.

“Bộ Tư pháp cho rằng nếu ghi vào Luật thì vô hình chung chúng ta thừa nhận hoạt động kinh doanh này. Ý kiến này chưa hẳn thuyết phục nhưng cho thấy, về mặt pháp lý đây đang là nội dung gây tranh cãi”, ông Hiếu nói.

Nhanh chóng đồng bộ quy định về tài sản ảo

Trao đổi với Báo Đầu tư, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật Anvi cho rằng, luật pháp Việt Nam không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán, còn thực chất tiền ảo là một loại tài sản, dù hệ thống pháp lý hiện hành có công nhận và đưa ra các quy định điều chỉnh hay không. Do đó, nếu đưa đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, theo luật sư Đức, cũng không hề trái với quy định pháp luật hiện hành.

Tuy vậy, việc ban hành các luật nguồn về tài sản ảo, tiền ảo sẽ giúp việc xây dựng luật liên quan chặt chẽ hơn.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo phải được đăng ký hoặc cấp phép bởi có quan có thẩm quyền, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa về rửa tiền và tài trợ khủng bố, phải được quản lý, giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền. Quốc gia phải có hình phạt phù hợp xử lý đối với trường hợp tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo có vi phạm pháp luật...

Thực tế, trong dự thảo trước đó, nội dung về tài sản ảo cũng chỉ được đưa ra dưới dạng luật khung.

Các chuyên gia cho rằng, để tiền ảo không “lọt lưới” rửa tiền, ngoài việc lồng ghép khéo léo vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi, cần phải hoàn thiện các quy định khác liên quan đến tài sản ảo để tránh các lỗ hổng pháp luật khác.

Còn nhớ, cách đây 5 năm, Chi cục Thuế Bến Tre thua kiện một cá nhân vì 'đánh thuế' thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng về kinh doanh bitcoin. Tuy nhiên, sau đó, cá nhân này khiếu nại và Tòa án đã phải tuyên hủy quyết định đánh thuế của Chi cục thuế Bến tre. Nguyên nhân là bitcoin chưa được công nhận là hàng hóa, tài sản nên giao dịch không phải nộp thuế.

Mặc dù được Chính phủ chỉ đạo từ lâu song đến nay khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo vẫn chưa hoàn thiện. Cuối tháng 3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục giao Bộ Tài chính chủ trì làm việc, trao đổi thống nhất với Bộ Tư pháp, NHNN và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền, tham nhũng, khủng bố… Tuy vậy, ngay cả khi đưa được tiền ảo vào đối tượng giám sát trong Luật Phòng, chống rửa tiền, theo chuyên gia này, khâu thực thi, giám sát cũng rất khó.

“Chúng ta đều biết các sàn tiền ảo đều lập ở nước ngoài, người chơi trong nước đều là cá nhân nên việc nhận diện và quản lý sẽ rất khó khăn”, ông Trương Thanh Đức nói.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục