Ngân hàng tuần qua: Kiểm soát tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản; đầu tư tiền ảo vẫn sẽ nóng

0:00 / 0:00
0:00
Sức ép với chính sách tiền tệ năm 2022, nhiều quy định sắp có hiệu lực, NHNN tăng kiểm soát dòng tiền chảy vào lĩnh vực rủi ro, đầu tiền ảo vẫn nóng… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Ngân hàng tuần qua: Kiểm soát tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản; đầu tư tiền ảo vẫn sẽ nóng

Hàng loạt quy định mới có hiệu lực từ đầu năm 2022

Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/1/2022 sẽ siết chặt hoạt động mua bán TPDN của ngân hàng thương mại. Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp: DN phát hành TPDN để cơ cấu nợ; để góp vốn mua cổ phần; để tăng vốn.

Thông tư 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/1/2022 cho phép tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử. Hạn mức thẻ mở online là không quá 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế.

Thông tư 19/2021/TT-NHNN ngày 24/11/2021 về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá có hiệu lực từ 8/1/2022. Một trong những nội dung mới của Thông tư số 19/2021/TT-NHNN về giao nhận vận chuyển tiền là những trường hợp giao nhận tiền mặt theo bó tiền đủ 10 thếp nguyên niêm phong hoặc túi tiền nguyên niêm phong.

Thông tư 20/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ 20/1/2022 đã bỏ quy định về ưu đãi lãi suất khi vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Thông tư quy định, đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Chính sách tiền tệ năm 2022: Đã đến lúc “rút củi đáy nồi”

TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng đánh giá rất cao điều hành chính sách tiền tệ năm 2021. Song chuyên gia này cảnh báo, rất nhiều thách thức đặt ra cho điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa

Theo TS. Nghĩa, năm 2021 là năm khó khăn chưa từng thấy, dịch bệnh tàn phá khủng khiếp, tăng trưởng kinh tế thấp kỷ lục. Trong bối cảnh đó, NHNN đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu của mình là kiểm soát lạm phát ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm qua, chính sách tiền tệ vào cuộc rất tích cực. NHNN đã ban hành 3 thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Việc ban hành cơ chế giãn, hoãn nợ đã giảm sức ép nợ nần cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại duy trì được hoạt động, thanh khoản vững chắc. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng còn cam kết giảm hàng chục tỷ đồng lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, lấy từ nguồn lợi nhuận của mình.

Hạn chế lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2021 là việc điều hành tín dụng vẫn theo cơ chế xin - cho (cấp room tín dụng). Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro liên quan cho vay sân sau, sở hữu lũng đoạn, liên kết phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ… Những rủi ro này chưa ai tính toán được mức độ nguy hiểm tới hệ thống, song nếu không kịp thời ngăn chặn, đến thời điểm nào đó sẽ ngoài tầm với của cơ quan thanh tra, giám sát.

Năm 2022, nhiều người lo ngại lạm phát sẽ tăng mạnh, một phần do ảnh hưởng của nhập khẩu lạm phát, một phần do ảnh hưởng các gói kích thích sắp được thực hiện. Mặc dù vậy, với kinh nghiệm điều hành của NHNN, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lạm phát năm 2022 sẽ không đáng ngại, chỉ quanh 3% vì quy mô gói kích thích không lớn, thực hiện trong nhiều năm. Gói hỗ trợ lãi suất dự kiến 30.000 - 40.000 tỷ đồng cũng không đủ sức gây ra lạm phát cầu kéo vì quan điểm của NHNN là không tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng.

Theo chuyên gia này, năm 2022, NHNN cần tập trung hoàn thiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thị trường hơn. Đồng thời, phải dần “rút củi đáy nồi”, giảm dần các gói giãn, hoãn, yêu cầu các ngân hàng tăng trích lập dự phòng, nhận diện nợ xấu.

NHNN phải tiếp tục kiên định quan điểm thận trọng sử dụng chính sách tiền tệ nhằm phục hồi nền kinh tế. Theo tôi, các gói hỗ trợ trực tiếp thời gian tới chỉ nên ưu tiên hỗ trợ cho người lao động. Riêng với doanh nghiệp, ngoài gói hỗ trợ lãi suất, cần có nguồn lực tài chính trực tiếp từ ngân sách để bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay.

Phó Thủ tướng: Cần xử lý dứt điểm ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

Tuần qua, NHNN đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao 8 thành tựu nổi bật của ngành ngân hàng, đặc biệt là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển KTXH, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù đánh giá cao hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, song Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế: Năng lực tài chính và sức cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước còn yếu so với khu vực; vẫn còn hiện tượng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...; Vẫn còn tình trạng vi phạm quy định về huy động vốn và cho vay, gây nguy cơ nợ xấu gia tăng đối với các TCTD; hàng lang pháp lý cho chuyển đổi số chưa đầy đủ…

Năm 2022, Phó Thủ tướng lưu ý ngành ngân hàng tập trung một số giải pháp:

Một là điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% mà Quốc hội đã thông qua.

Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Thứ ba, có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt.

Thứ tư, ngành ngân hàng phải tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngân hàng tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm khác như: hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, truyền thông…

Năm 2022 sẽ siết chặt dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp

Chia sẻ tại cuộc họp báo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021, định hướng nhiệm vụ năm 2022 diễn ra sáng 28/12, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 27/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 12,97% so với cuối năm 2020.

Đặc biệt, dòng tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước nắn vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tuy nhiên tùy điều kiện thực tế có thể sẽ tăng thấp hơn hoặc cao hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất thông qua các công cụ như room tín dụng và các công cụ gián tiếp khác.

Riêng với tín dụng các lĩnh vực rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Phó thống đốc khẳng định năm tới sẽ không đẩy mạnh mà còn tăng cường kiểm soát.

Cụ thể với bất động sản, cơ quan này cho biết sẽ siết chặt bất động sản có tính chất đầu cơ, các dự án lớn. Tuy nhiên, riêng với bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích.

Về trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước thậm chí có thể sẽ tiến hành thanh kiểm tra.

Đối với chứng khoán, nếu để phục vụ thị trường phát triển lành mạnh, ổn định, nếu thị trường phát triển lành mạnh, nguồn vốn vẫn sẽ được tạo điều kiện. Nhưng ngược lại, nếu thị trường có dấu hiệu đầu cơ, tăng nóng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt lại.

“Tới đây, rất có thể xảy ra hiện tượng dòng tiền quay vòng, chảy sang chứng khoán, bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện việc phải có chính sách giám sát chặt chẽ hơn dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư. Khả năng kiểm soát dòng tiền này là không dễ trong điều kiện thực tế hiện nay, song NHNN sẽ tăng cường giám sát hơn nữa để các thị trường phát triển lành mạnh”, Phó thống đốc khẳng định.

Thế giới rầm rộ tăng lãi suất, sức ép với chính sách tiền tệ năm 2022 rất lớn

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, áp lực lạm phát đang gây sức ép lớn cho điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới có khoảng 118 lượt tăng lãi suất nhưng chỉ có 16 lượt giảm lãi suất. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Anh bất ngờ tăng lãi suất, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thu hẹp gói định lượng, đồng thời dự định tăng lãi suất 3 lần năm 2022 thay vì dự định 2 lần trước đó. Đồng thời, Fed cũng nhận định lạm phát là nguy cơ hiện hữu thay vì coi lạm phát chỉ có tính tạm thời như trước.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới có xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát rất cao. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cộng áp lực lạm phát lớn, chính sách tiền tệ đứng trước nhiều áp lực.

Mặc dù vậy, theo ông Quang, trước tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp và người dân vẫn mong lãi suất cho vay giảm thêm nữa. Chính vì vậy, năm 2022, trên cơ sở cân đối vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.

Năm 2022, tiền ảo - kênh đầu tư "đau tim nhất" vẫn tiếp tục bùng nổ

Tăng điên loạn, giảm chóng mặt, tiền ảo trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất và cũng là kênh đầu tư “đau tim” nhất năm 2021. Kênh đầu tư này được dự báo vẫn sôi động trong năm 2022.

Có thể nói, tiền ảo là một trong những kênh đầu tư ấn tượng nhất của năm 2021. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) bình luận, có hai kênh đầu tư hot nhất năm 2021, đó là chứng khoán và tài sản số.

“Đây là hai kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời lớn nhất năm 2021. Tài sản số (trong đó có tiền ảo) là kênh giao dịch chưa được pháp luật thừa nhận, song số lượng nhà đầu tư tham gia vẫn rất lớn”, ông Khánh nói.

Bitcoin (BTC) là “linh hồn” của thị trường tiền ảo. Đầu năm nay, giá chưa đến 30.000 USD/BTC, nhưng đến ngày 10/11 đã vọt lên hơn 69.000 USD/BTC, đạt kỷ lục cao nhất mọi thời đại. Cuối tuần qua, mỗi BTC được giao dịch ở mức 51.000 USD, dù đã giảm, nhưng vẫn tăng hơn 75% so với đầu năm. Tuy nhiên, BTC chỉ là ví dụ nhỏ trong một thị trường tiền ảo đầy hấp dẫn. Năm 2021, nhiều đồng tiền ảo tăng giá tới cả ngàn lần.

Đặc biệt, quy mô giao dịch thị trường tiền ảo cũng tăng nhanh và lớn chưa từng có. Sau khi đạt giá trị vốn hóa lịch sử 800 tỷ USD năm 2018, giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo liên tục sụt giảm, chỉ loanh quanh ở mức 200-400 tỷ USD vài năm gần đây, nhưng từ đầu năm nay, giá trị vốn hóa thị trường này liên tục tăng vọt. Đầu năm nay, giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo mới đạt hơn 700 tỷ USD, thì đến giữa tháng 11/2021 đã đạt gần 3.000 tỷ USD và cuối tuần qua ở mức gần 2.400 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với đầu năm.

Mặc dù là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời tốt nhất năm, song tiền ảo cũng khẳng định là kênh đầu tư rủi ro nhất khi biến động mạnh chưa từng có. Bitcoin khởi đầu năm 2021 với mức giá gần 30.000 USD/BTC, vọt lên gần 64.000 USD/BTC giữa tháng 4/2021, lao dốc về dưới 30.000 USD/BTC vào tháng 7/2021, sau đó đột ngột vọt lên 69.000 USD ngày 10/11/2021 và hiện đứng ở mức 51.000 USD/BTC.

Diễn biến như tàu lượn cao tốc của Bitcoin chưa thấm tháp gì so với nhiều đồng tiền ảo khác. Đầu năm nay, tiền ảo Bitcoin Vault (BCTV) có giá trên 100 USD/BCTV, thì đến cuối tuần qua, giảm chỉ còn hơn 6 USD/BCTV (tức giảm 94%, còn nếu so với mức giá giữa năm 2020, nhà đầu tư đã gần như mất trắng.

Mặc dù không được công nhận ở Việt Nam, song kênh đầu tư tiền ảo vẫn bùng nổ. Theo khảo sát của nhiều tổ chức trên thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đầu tư vào tiền mã hóa cao nhất.

Ông Phan Dũng Khánh còn tiết lộ: “Thời gian gần đây, có những người là lãnh đạo, trưởng phòng của các công ty chứng khoán cũng đã mở tài khoản đầu tư tiền số song song. Tức là những người bảo thủ họ cũng đã bắt đầu đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình với tài sản số rồi”.

Mặc dù có nhiều dự báo về “mùa đông ảm đạm” của thị trường tiền ảo, song nhiều chuyên gia vẫn nhận định, năm 2022, thị trường này vẫn tiếp tục sôi động. Không chỉ tiền ảo, các tài sản số cũng nở rộ, nhất là NFT, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn. Ngày càng nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào các tài sản ảo. Những lô đất ảo được bán với giá hàng trăm ngàn USD, những bộ sưu tập nghệ thuật số được bán với giá hàng triệu USD không còn là chuyện hiếm.

Tại Việt Nam, đầu tư tiền ảo dù thu hút cộng đồng rất lớn, song không phải ai cũng kiếm được lợi nhuận, rất nhiều nhà đầu tư mất trắng tài sản vì tiền ảo. Cách đây không lâu, trên một diễn đàn mạng xã hội, một nhà đầu tư từng công bố tài khoản lỗ 56 tỷ đồng cùng những lời tâm sự chua xót vì trót sa chân vào tiền ảo.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của kênh đầu tư tiền ảo tại Việt Nam là có quá nhiều sàn tiền ảo trá hình, sàn tiền ảo đa cấp. Các đối tượng lợi dụng tiền ảo để lừa đảo, gây bất ổn xã hội. Từ đầu năm đến nay, nhiều sàn tiền ảo đã bị đánh sập, đồng nghĩa hàng vạn nhà đầu tư sập bẫy.

Ngân hàng quốc doanh tiếp tục xin tăng vốn

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, đối với BIDV, mặc dù đã được chấp thuận chia cổ tức 25,77% để tăng vốn song theo hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh dư nợ cho vay, cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng và yêu cầu thực hiện Basel 2, Basel 3 khiến áp lực với hệ số CAR ngày càng tăng.

Chính vì vậy, ông Phan Đức Tú đề nghị, Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, trong đó có BIDV.

Tương tự, ông Phạm Đức Ấn, chủ tịch HĐTV Agribank cũng lo lắng vì vốn điều lệ tăng chậm. Theo ông Ấn, viiệc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hết sức bức thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng từ 8-10%/năm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Hiện nay có NHTMCP quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Vì vậy, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét việc để lại lợi nhuận năm 2021 tăng vốn cho Agribank, đồng thời dành Ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa“, Chủ tịch Agribank kiến nghị.

Bên cạnh vấn đề tăng vốn, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng đề nghị NHNN và Chính phủ tiếp tục tiếp tục hoàn thiện chể chế cho lĩnh vực ngân hàng, nhất là luật hóa xử lý nợ xấu, hành lang pháp lý cho ngân hàng số… Đồng thời, kiến nghị Chính phủ phát triển lành mạnh, vững chắc thị trường vốn, xây dựng thị trường vốn thành kênh cung ứng vốn quan trọng và chủ yếu cho nền kinh tế - nhất là vốn trung, dài hạn- giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục