Không đặt nặng tăng trưởng, quan trọng là giữ gìn doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020, không nên đặt nặng tăng trưởng cao hay thấp, mà quan trọng là cần giải pháp mạnh để giữ gìn lực lượng doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp bị tổn hại nặng do Covid-19 và rất cần chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Nhiều doanh nghiệp bị tổn hại nặng do Covid-19 và rất cần chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn.

Tăng trưởng 1 - 2% là rất đáng ghi nhận

Cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể, thẩm tra các báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này.

Trình bày tóm tắt ba nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Với kết quả này, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Nhưng, GDP cũng là một trong 4/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch (kế hoạch tăng khoảng 6,8%), trong khi Chỉ số Giá tiêu dùng được dự báo vẫn tăng 3,5 - 3,9%.

Nhấn mạnh bối cảnh rất đặc biệt của năm 2020 với tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu vẫn dùng công thức cũ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, thì sẽ bị lệch.

Theo ông Tuấn, lúc này, phải làm sao giữ gìn không để doanh nghiệp “chết” và đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh đặc biệt, thì nên đặt mục tiêu như thế, chứ không nên đặt nặng tăng trưởng cao hay thấp. “Tăng trưởng dương là tốt rồi, từ 1 đến 2% là tuyệt vời, quan trọng là bảo tồn lực lượng doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp đang tổn hại nặng nề, nếu họ chết thì năm sau, năm sau nữa, thiệt hại của nền kinh tế sẽ nặng nề thêm”, ông Tuấn phát biểu.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị, trong giai đoạn hiện nay, nên có giải pháp mạnh như giảm thuế sâu hơn để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, chứ không nên chỉ giãn/hoãn, vì giãn/hoãn thì sau đó doanh nghiêp vẫn phải nộp.

“Tư duy mới là bối cảnh đặc biệt thì cũng không quá nặng về chỉ tiêu ngân sách, thu nhiều thì tốt, còn nếu không đạt dự toán, thì cũng không có gì ghê gớm cả. Giai đoạn này đặt ra mục tiêu và rà soát theo cách thông thường thì không đúng lắm”, ông Tuấn nói.

Đồng tình với quan điểm của ông Tuấn, rằng nên tách riêng năm 2020 để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và không nên đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng, một số vị chuyên gia, đại biểu Quốc hội khẳng định, GDP tăng 2% cũng rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Vai trò kinh tế tư nhân còn mờ nhạt

Quan tâm hơn đến khu vực kinh tế tư nhân cũng là vấn đề được quan tâm thảo luận tại phiên họp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, trong gợi ý các vấn đề thảo luận nhấn mạnh, cần có câu trả lời: mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp 50% vào GDP có đạt được hay không?

“Vai trò của kinh tế tư nhân được nói đến nhiều, nhưng cơ chế, chính sách đã tạo đột phá để các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo dựng được thương hiệu có sức cạnh tranh chưa, khi vẫn còn ít doanh nghiệp lớn đóng vai trò mũi nhọn, đầu đàn”, ông Thanh nêu vấn đề.

Liên quan vai trò của kinh tế tư nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP không thay đổi đáng kể trong giai đoạn 2016 - 2020 và vẫn nhờ vào bộ phận kinh tế cá thể, chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực thương mại, dịch vụ; vai trò của kinh tế tư nhân trong các ngành, lĩnh vực sản xuất vật chất còn mờ nhạt.

Dự thảo Báo cáo Kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ cũng nêu rõ, giai đoạn 2016 - 2020, phát triển khu vực tư nhân vẫn còn chậm so với kế hoạch. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân có sự phát triển, nhưng chưa thực sự mạnh, chưa có công nghệ hiện đại và chưa thể đóng vai trò nòng cốt, mũi nhọn trong phát triển kinh tế như yêu cầu đặt ra. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (hơn 97%), các doanh nghiệp vừa chiếm tỷ trọng quá ít (khoảng 1,7%) và không có sự biến động đáng kể trong giai đoạn 2016 - 2020, tạo thành điểm khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng.

Đặc biệt, năng lực tài chính, trình độ công nghệ và hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân chưa cao. Xét riêng trong hệ thống các doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam năm 2017, hiệu suất sinh lời trên tài sản của doanh nghiệp khu vực tư nhân chỉ đạt 1,8%, trong khi mức bình quân của các doanh nghiệp là 2,9%. Hiệu suất sinh lời trên doanh thu của doanh nghiệp tư nhân là 2,4%, còn thấp so với mức bình quân các doanh nghiệp (4,1%).

Chính phủ cũng khẳng định, với quy mô, tốc độ tăng trưởng hiện tại cùng với những khó khăn trong phát triển kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động chưa thể hoàn thành.

Rất cần gói hỗ trợ thứ hai

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần đánh giá kỹ hơn về các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Gói này mới thực hiện được 25 - 30%, nên khoảng 70% chưa thực hiện chắc chắn phải là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại và gối đầu lên năm 2021.

Ông Lực cũng cho rằng, rất cần thiết có gói hỗ trợ đợt lần thứ hai, vì chưa biết khi nào, Covid-19 mới được kiểm soát, trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng năm 2020 tăng 71%. Gói thứ hai, theo ông Lực, quy mô 2 - 2,5% GDP và thời hạn hết năm 2021, sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng 1%, nhưng đó là điều cần chấp nhận.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục