Các cơ quan nhà nước nếu thấy cần có sự bảo đảm, có thể thuê tư vấn độc lập để đánh giá, chứ đừng hành chính hóa, tầng nấc hóa các thủ tục hỗ trợ, khiến chúng tôi mất niềm tin.
Trước đó, vị doanh nhân này đã kể những bước đã làm, các cơ quan đã liên hệ, hy vọng có thể tiếp cận và tận dụng được các nguồn lực mà Chính phủ rất cố gắng dành cho người lao động, doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19.
Nhưng suốt mấy tháng qua, doanh nghiệp này chỉ nhận được câu trả lời chung chung là “đợi”, “đã đề xuất cấp trên”, “chờ giải quyết”...
Sự hào hứng, chờ đợi các chính sách hỗ trợ giảm dần theo sự gia tăng của những khó khăn, khi dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp chỉ còn trang trải được dưới 50% chi phí.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động để giảm tối đa chi phí, dành nguồn lực còn lại cho các khoản nợ đến hạn nhưng không được giãn, hoãn; trả các khoản thuế, phí phải nộp…
Thậm chí, không ít doanh nghiệp đã từ chối trả lời câu hỏi có thêm đề xuất gì cho gói hỗ trợ doanh nghiệp tiếp theo.
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã phác họa bức tranh không còn nhiều điểm sáng về tình hình doanh nghiệp tháng 8/2020.
Chỉ còn khoảng 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng, 76% doanh nghiệp không còn cân đối được thu - chi, 20% đã tạm dừng hoạt động…
Số liệu trên không chỉ từ 349 doanh nghiệp tham gia khảo sát trực tiếp, mà được tổng hợp từ ý kiến của 15 hiệp hội, đại diện cho 15.000 doanh nghiệp…
Đáng lưu ý là tâm lý doanh nghiệp có xu hướng tiêu cực hơn do chịu thiệt hại nặng hề bởi dịch bệnh, bởi áp lực dòng tiền và sự bất định của tương lai.
Đây là điểm không xuất hiện trong 2 báo cáo cũng của Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 3, tháng 4/2020, dù khi đó, có tới 74% doanh nghiệp buộc phải nhắc tới nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng.
Hiện tại, nhiều nghiên cứu và dự báo từ doanh nghiệp cho thấy, ở kịch bản lạc quan nhất - tức dịch bệnh có khả năng được khống chế trong một vài tháng tới, thì cũng phải mất hơn 1 năm nữa, trạng thái phục hồi mới xuất hiện.
Có lẽ vì vậy, Ban IV đã đặt lên hàng đầu đề nghị củng cố niềm tin của doanh nghiệp với Chính phủ thông qua chính sách và thực thi chính sách.
“Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên làm ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh, được thực thi nhanh, minh bạch, thuận tiện, vì số liệu khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cấp cứu. Nếu thực thi các chính sách hỗ trợ không nhanh, có thể doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng chết lâm sàng, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế”, Ban IV viết trong báo cáo gửi Thủ tướng.
Bên cạnh đó, hàng loạt đề xuất cụ thể cũng được tổng hợp, gửi Thủ tướng, như miễn, giảm một số khoản thuế, phí, bảo hiếm xã hội, công đoàn… phải nộp cho đến hết năm 2021; đề xuất điều chỉnh mục tiêu thu ngân sách của các địa phương, không thể đặt cao yêu cầu thu đạt dự toán, hay thu phải đủ bù chi… cũng như chế tài mạnh với những cách làm đi ngược lại chủ trương “tạo thuận lợi” của Chính phủ…
Rõ ràng, các doanh nghiệp rất muốn gửi gắm thông điệp rằng, khi niềm tin vào Chính phủ, từ cam kết đến hành động được đảm bảo, thì sự năng động của doanh nghiệp sẽ được hậu thuẫn và sớm quay trở lại…
“Chúng tôi hiểu các cơ quan lo ngại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu việc thực thi không đúng đối tượng. Doanh nghiệp cam kết sẽ cùng các cơ quan thực thi tốt nhất”, vị giám đốc viết trong thư gửi phóng viên Báo Đầu tư. Rất nhiều doanh nghiệp chia sẻ quan điểm này và mong các cơ quan nhà nước lưu tâm.