Không cho sửa, hủy lệnh, vẫn có nhà đầu tư hưởng cơ chế "còi ưu tiên"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ chế không cho hủy, sửa lệnh sau vài ngày áp dụng đang bộc lộ ra những vấn đề. Do việc sửa hủy lệnh không có văn bản có tính ràng buộc nên có công ty chứng khoán thực hiện, có công ty không, đặc biệt là đã có phản ánh về việc cùng một công ty nhưng có nhà đầu tư vẫn được hưởng cơ chế "còi ưu tiên"...
Không cho sửa, hủy lệnh, vẫn có nhà đầu tư hưởng cơ chế "còi ưu tiên"

Vẫn có khách hàng được hưởng ưu đãi

Anh Tùng, nhà đầu tư đang giao dịch tại một công ty chứng khoán có thị phần top đầu thị trường cho biết: “Trong giai đoạn cuối tuần trước tới thời điểm này, các công ty chứng khoán đều thông báo hạn chế việc sửa/hủy lệnh trong phiên, tuy nhiên tại công ty chứng khoán nơi tôi giao dịch vẫn có thể thực hiện sửa/hủy lệnh qua kênh môi giới, điều này gây một một chút khó khăn trong quá trình giao dịch”.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, trước yêu cầu của Ủy ban chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, các công ty chứng khoán đều tự nguyện, đồng thuận hạn chế chức năng sửa hủy lệnh giao dịch trên sàn HOSE của khách hàng, nhằm giảm tải số lượng lệnh vào sàn cùng một thời điểm, chống tắc nghẽn lệnh gây quá tải, dẫn đến nguy cơ làm sập hệ thống giao dịch. Các phiên cuối tuần trước, việc hạn chế hủy sửa lệnh được khuyến cáo theo giờ, nhưng sang đầu tuần này, chức năng hủy sửa lệnh trực tiếp của nhà đầu tư tại hầu hết các công ty chứng khoán đã bị tắt.

Mặc dù vậy, không ít nhà đầu tư vẫn có thể hủy sửa lệnh qua môi giới quản lý tại khoản công ty chứng khoán. Lý do là các môi giới có quyền đặt lệnh trực tiếp từ hệ thống công ty vào thẳng sàn HOSE, vì vậy khách do môi giới quản lý vẫn được "cơ chế ưu tiên" này.

Như vậy, đã có sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư, những nhà đầu tư đặt lệnh trực tiếp qua hệ thống công ty chứng khoán thì bị tắt nút sửa, hủy lệnh, còn những nhà đầu tư có môi giới quản lý tài khoản (thường là khách hàng VIP) lại có cơ chế "đèn ưu tiên".

Câu hỏi là liệu có phải đây là các tài khoản giao dịch lớn nên nhiều công ty chứng khoán vẫn mắt nhắm mắt mở để môi giới đặt lệnh hủy sửa lệnh cho khách?

Như báo Đầu tư Chứng khoán đã dự báo từ cuối tuần trước trong bài viết, hạn chế hủy sửa lệnh giúp thanh khoản tăng cao, khi số lệnh giảm nhưng nó như con dao hai lưỡi, sẽ khiến nhà đầu tư phải đặt lệnh MP , bán bằng mọi giá khi “gió đổi chiều”, tức thị trường quay đầu giảm. Đầu tuần qua, ngày thứ 2, gió đã đổi chiểu mạnh, thị trường giảm gần 40 điểm tròn khi nhà đầu tư phải đặt lệnh bán bằng mọi giá để thoát ra khỏi vị thế giữ nắm giữ cổ phiếu.

Bức xúc của nhà đầu tư bùng lên khi đặt lệnh không khớp mà không thể sửa hủy lệnh khiến cổ phiếu hoặc tiền bị treo trên hệ thống.

Nhà đầu tư than vãn trên khắp các diễn đàn, hội nhóm đầu tư. “Hai ngày nay em đặt 6 lệnh chỉ bán được 1 lệnh vì bảng điện không đúng, nhìn tiền rơi tự do vì không hủy được cứ như lũ cuốn cướp sạch tài sản mà không có cách nào. Chán vì bảng điện ảo, mua bán như bị bịt măt, phí giao dịch thì thu không trượt phát nào.”.

Nhà đầu tư T.V bình luận: “Thị trường chỉnh không sợ bằng sàn đơ không sửa/hủy được. Em ôm hàng ngồi nhìn thoi chứ giờ mua bán như người mù”.

Còn nhà đầu tư Quang Tran nói: "Thà cho giao dịch 1 buổi sáng hoặc tới khi nghẽn cũng được. Không cho sửa hủy lệnh như này chỉ cần thị trường chỉnh là toàn lệnh MP làm lệch cung cầu. Thảm bại”.

Đây cùng là nguyện vọng của nhiều nhà đầu tư bởi việc không cho hủy lệnh sửa lệnh, trong bối cảnh bảng điện không hiện thị đúng mức giá, khiến nhà đầu tư không đủ thông tin để đặt lệnh đã gây tâm lý hoảng loạn dẫn đến bán tháo trên thị trường.

Với những nhà đầu tư, nhờ được môi giới đặt lệnh hủy sửa lệnh như anh Tùng thì khó khăn nhất khi giao dịch cũng là hiện tượng bảng giá hiện chậm từ 1-2 phút, việc đặt lệnh vào sàn luôn có điểm trượt giá nhất định cả hai chiều mua và bán. Đặc biệt là các phiên biến động như trong 2 phiên đầu tuần dẫn tới việc mất giá tương đối tại đa số cổ phiếu, nếu nhà đầu tư không bình tĩnh có thể cắt lỗ ồ ạt.

Vì quyền lợi nhà đầu tư, một số công ty chứng khoán lớn đã cho hủy, sửa lệnh

Tại cuộc họp của Ủy ban Chứng khoán tuần trước, lý do được lãnh đạo HOSE đưa ra nhằm thuyết phục các công ty chứng khoán chặn hủy, sửa lệnh là số lệnh thuộc nhóm này chiếm tới gần 30% mỗi phiên. Chặn việc này, thị trường sẽ tăng giá trị giao dịch.

Tuy nhiên, thực tế các phiên vừa qua cũng cho các CTCK thấy, giá trị giao dịch tăng phỏng có lợi ích gì khi phần lớn khách hàng thua lỗ, NAV tụt giảm mạnh? Họ cũng lo ngại, trong khi mình chặn hủy, sửa lệnh mà CTCK khác cho làm thì mất khách.

Trong khi nền kinh tế Việt Nam có thêm nhiều tin tích cực được Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ thông báo tại cuộc họp báo chính phủ cuối tuần trước như kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, lạm phát được kiểm soát, sản xuất công nghiệp ổn định.., thì ngày 8/6, VN-Index ghi nhận mức giảm mạnh thứ 2 trên thế giới. Mức giảm này gấp 10 lần mức giảm của thị trường Singapore (-0,27%), 20 lần thị trường Hàn Quốc (-0,13%). Còn thị trường Thái Lan, Malaysia hay Philippines ngập trong sắc xanh.

Nghẽn lệnh, giao dịch tù mù, bảng giá không nhảy, cấm huỷ/sửa lệnh khiến lệnh thị trường trở nên vô hiệu trong canh bán/canh mua khi bảng giá loạn nhịp. Đặt lệnh MP để bán bằng mọi giá khiến giá cổ phiếu lao dốc.

Chỉ trong 2 ngày đầu tuần, VNIndex đã bay thành quả được tạo ra từ ngày 21/5 tới nay. Đồng thời, vốn hoá toàn thị trường trên cả 3 sàn bốc hơi 9,4 tỷ USD (khoảng 215.000 tỷ đồng).

Ngày 8/6, tổ chức trong nước mua ròng 78,4 tỷ đồng; Tự doanh mua ròng 378,7 tỷ đồng; Nhà đầu tư cá nhân bán ròng 44,2 tỷ đồng. Phiên 7/6, tự doanh mua ròng 160,6 tỷ đồng. Tính từ 31/5 đến nay tự doanh CTCK mua ròng 1.344 tỷ đồng.

Nhóm phóng viên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục