Vắng bóng “đại dự án”?
Những con số thống kê về tình hình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam những năm gần đây đều cho thấy sự sụt giảm lượng vốn đầu tư từ đối tác này.
Đang vững vàng ở vị trí dẫn đầu, Nhật Bản đã bị Hàn Quốc soán ngôi ngoạn mục.
Dây chuyển sản xuất ổ cứng của Panasonic tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/2/2017, trong khi vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng lên 50,98 tỷ USD, thì vốn từ Nhật Bản chỉ là 42,29 tỷ USD.
Tính lũy kế đến nay, Nhật Bản đang đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Còn nếu tính trong hai tháng đầu năm nay, Nhật Bản thậm chí đã tụt xuống vị trí thứ 4, với hơn 297 triệu USD vốn đăng ký.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam sụt giảm? Câu trả lời đã được ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho rằng là do, các dự án đầu tư của Nhật Bản thời gian gần đây chủ yếu có quy mô nhỏ.
Không khó để nhận thấy điều này, bởi trong khi Hàn Quốc đang không ngừng ghi điểm với các dự án quy mô hàng tỷ USD, thì nhà đầu tư Nhật Bản chỉ dừng lại với các dự án vài trăm, thậm chí vài chục triệu, hay vài triệu USD. Có lẽ sự khó khăn của một số tập đoàn lớn, gần đây nhất là Toshiba, đã làm cho sự thiếu vắng các “đại dự án” của Nhật Bản càng trở nên rõ ràng hơn.
Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây về đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng nhấn mạnh xu hướng này. Đáng chú ý, trong các năm 2013 - 2014, các doanh nghiệp Nhật Bản đã có sự chuyển dịch đầu tư từ một số thị trường châu Á, song nguồn vốn đó lại không chảy mạnh vào Việt Nam.
Lý do, theo các nhà đầu tư Nhật Bản, ngoài yếu tố môi trường đầu tư chưa thực sự hoàn thiện, còn có nguyên nhân rất cơ bản, đó là ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam chưa phát triển, làm cho tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực.
Xu hướng mới
Không chỉ Fujiwara, mà thời gian gần đây, nhiều công ty của Nhật Bản cũng đã tới tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Dù không có dự án lớn, nhưng theo ông Atsusuke Kawada, lại có sự tích cực chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Đây là con số không nhỏ”, ông Atsusuke Kawada nói.
Thiếu vắng dự án lớn khiến vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh khác - số lượng dự án - thì lại thấy các dấu ấn khá tích cực.
Năm 2016, số lượng dự án đầu tư của Nhật Bản đăng ký đầu tư vào Việt Nam đã lên tới 560 dự án, cao nhất kể từ trước tới nay. Chưa kể, còn có 276 lượt góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhìn trên khía cạnh này, khó có thể nói đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sụt giảm. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong tổng số quốc gia về thuận lợi trong thu hút đầu tư.
“Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản”, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM đã nói như vậy.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Các chuyên gia đầu tư không phủ nhận điều này. Tuy nhiên, câu chuyện nằm ở chỗ, làm sao để gia tăng cả số lượng dự án và vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Nhìn xu hướng gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ thuần túy vào chế biến, chế tạo như trước nữa. Đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, cho nông nghiệp, bán lẻ, xây dựng các nhà máy để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước… là sự lựa chọn của phần đông nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Thực ra, đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư và sự dịch chuyển dòng vốn như vậy sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Điều này đã góp phần quan trọng khẳng định chất lượng đồng vốn FDI từ Nhật Bản.
Nhưng nhìn từ Hàn Quốc, có thể thấy khá rõ, cùng với hàng loạt “ông lớn” như Samsung, LG nhảy vào, một danh sách dài nhà đầu tư nhỏ của Hàn Quốc và cả các quốc gia khác cũng theo chân vào Việt Nam để hình thành các tổ hợp sản xuất quy mô lớn. Công nghiệp hỗ trợ cho các lĩnh vực này cũng theo đó phát triển.
Trước đây, Honda, Toyota khi vào Việt Nam cũng làm được điều này, tuy quy mô không lớn bằng. Bởi vậy, sẽ là tốt hơn nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tiếp tục thu hút đầu tư của các đại gia Nhật Bản và kéo thêm các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào.
Ngoài ra, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng nên khuyến khích các nhà đầu tư của Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhằm đào tạo đội ngũ lao động có khả năng ngoại ngữ và chuyên môn phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhà đầu tư Nhật Bản tin tưởng vào thị trường Việt Nam
66,6% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, kinh doanh ở Việt Nam đang có lãi. Doanh nghiệp Nhật Bản đã xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong tổng số quốc gia về thuận lợi trong thu hút đầu tư.
(Nguồn: Kết quả khảo sát của JETRO)