Formosa đã được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, dự kiến cuối tuần này, Tổ công tác liên ngành hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại tại một số địa phương sẽ tới Hà Tĩnh để tiếp tục thảo luận về các biện pháp hỗ trợ Công ty TNHH Gang thép Formosa Hà Tĩnh sau sự cố ngày 14/5/2014. Các kiến nghị của Công ty cũng sẽ được Tổ công tác thông báo và trả lời cụ thể. Trong đó, một trong những kiến nghị hàng đầu đó là Formosa đề xuất việc thành lập Đặc khu kinh tế Gang thép Vũng Áng.
Formosa, trên thực tế, đã có đề xuất này từ cách đây hơn một tháng, với các kiến nghị được áp dụng một loạt ưu đãi đặc thù, như miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu trong suốt thời gian kinh doanh của Dự án; được Chính phủ bảo hộ ngành thép; miễn thuế đối với khoản vay vốn từ các tổ chức nước ngoài; được kinh doanh tàu lai dắt và thành lập Ban quản lý Đặc khu trực thuộc Văn phòng Chính phủ, do các bộ trưởng các bộ liên quan tham gia quản lý.
Liên quan vấn đề này, trong buổi làm việc mới đây với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bày tỏ quan điểm rằng, việc Formosa đề xuất thành lập khu kinh tế đặc thù là “chưa cần thiết”.
Lý do là trên thực tế, Formosa đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, các loại thuế, đất đai… áp dụng đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế. Chẳng hạn, được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% suốt đời dự án, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Chưa kể, hàng loạt đề xuất mới đây của Formosa cũng đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, như miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ và nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ; miễn thuế nhà thầu đối với hàng hóa, thiết bị nhập khẩu kèm theo được bảo hành; đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân Việt Nam thuê/mua được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài…
“Formosa muốn thành lập Đặc khu là để được hưởng các ưu đãi đặc thù, nhưng trên thực tế, Dự án đang được hưởng các ưu đãi này rồi. Vì thế, việc thành lập Đặc khu là không cần thiết”, một cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.
Trong khi đó, việc Công ty Formosa đề nghị hình thành Ban quản lý đặc thù trực thuộc Văn phòng Chính phủ, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là “chưa có tiền lệ và không cần thiết”. Hiện tại, theo lý giải của bộ này, đã có Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến triển khai Dự án Formosa theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”.
“Với các lý do nêu trên, đề xuất của Công ty Formosa về việc thành lập Khu kinh tế đặc thù riêng là chưa cần thiết”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, tại cuộc họp nói trên, quan điểm của các bộ, ngành cũng là không thành lập Khu kinh tế đặc thù cho Dự án Fomorsa, vì Dự án đã được hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhiều kiến nghị của Công ty đã được Chính phủ giải quyết thỏa đáng và điều này cũng là để đảm bảo một sự đối xử công bằng với các dự án khác.
Cam kết tạo thuận lợi cho Dự án Formosa hoạt động
Trong khi đó, nhiều đề xuất khác của Formosa cũng đã và đang được Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành xử lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiện nay (9,9 tỷ USD) triển khai đúng tiến độ: đưa lò cao thứ nhất đi vào hoạt động vào cuối tháng 5/2015. Việc tạm ứng bảo hiểm nhằm chia sẻ, khắc phục khó khăn của Formosa, cũng như việc đánh giá thiệt hại cụ thể để có phương án hỗ trợ hợp lý đang được xem xét, giải quyết.
“Chúng tôi cam kết bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhà đầu tư, cũng như sẽ hỗ trợ Công ty khắc phục thiệt hại, tạo điều kiện thuận lợi để Dự án triển khai đúng tiến độ”, một thành viên của Tổ công tác liên ngành cho biết.
Bên cạnh đó, theo thông tin của Báo Đầu tư, các đề xuất của Formosa liên quan đến miễn thuế tài nguyên đối với hoạt động hút cát san nền trong phạm vi Dự án Formosa đã được giải quyết. Formosa cũng đã được hưởng mức phí bảo vệ môi trường 60% đối với hoạt động hút cát san nền. Riêng đối với phần hút cát san nền ngoài phạm vi Dự án, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất của Formosa về việc tiếp tục miễn thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường là không phù hợp, Công ty phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với đề xuất xây dựng hạ tầng khu công nghiệp rộng 281 ha trên phần đất chưa sử dụng của Dự án để kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp trong ngành phụ trợ công nghiệp thép, mặc dù cho rằng đây là đề xuất hợp lý và cần được ủng hộ, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng,Công ty cần tuân thủ các quy định của pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch và Dự án Formosa đã được phê duyệt và phải đáp ứng điều kiện kinh doanh bất động sản.
Đề xuất về việc dự án khu công nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư tương tự Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương cũng được cho là chưa phù hợp, do Dự án Formosa là dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội nên được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất. Nếu thành lập khu công nghiệp, thì dự án này và các nhà đầu tư thứ cấp sẽ chỉ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của khu kinh tế (thuế suất 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo)…
Các đề xuất khác liên quan đến hỗ trợ cân đối ngoại tệ, thiết lập cơ chế bảo hộ ngành gang thép, cũng như về việc kinh doanh tàu lai đắt phục vụ Dự án Formosa, quản lý an ninh và hành lang cây xanh cách ly giữa hàng rào nhà máy thép và khu dân cư hiện đang tiếp tục được các bộ, ngành quan tâm xử lý.