Formosa (Hà Tĩnh) lại đòi ưu đãi đầu tư

Cho rằng, một số vật tư nguyên liệu tuy đã sản xuất được tại Việt Nam, nhưng lại là những bộ phận không thể tách rời khỏi máy mócthiết bị đồng bộ được nhập về để phục vụ hoạt động, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã liên tiếp đề nghị không phải nộp thuế nhập khẩu các mặt hàng này.
Formosa (Hà Tĩnh) lại đòi ưu đãi đầu tư

Trong một kiến nghị mới đây gửi tới lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, FHS cho rằng, theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp ngày 12//6/2008, tất cả các thiết bị máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án đều được miễn thuế nhập khẩu.

Nhà đầu tư Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Hà Tĩnh,  quy mô hiện nay là 10 tỷ USD cho giai đoạn I cũng viện dẫn điều 16, Nghị định 149/2005/NĐ-CP và điều 12, Nghị định 87/2010/NĐ-CP để khẳng định việc được hưởng ưu đãi về thuế. Cụ thể là, với các nguyên vật liệu, vật tư dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ, hoặc chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với thiết bị, máy móc được miễn thuế nhập khẩu.

Tổng giám đốc FHS , ông Dương Hồng Chí cho hay, các thiết bị sản xuất của dự án được đặt mua và nhập khẩu theo phương thức đồng bộ, từ các nước chế tạo thiết bị sản xuất thép tiên tiến trên thế giới tại châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Sau khi đã hoàn thành chế tạo thiết bị và chuẩn bị lắp ráp, để thuận tiện cho việc vận chuyển, các thiết bị này được tháo dỡ thành những bộ phận rời để vận chuyển từng đợt đến Hà Tĩnh, sau đó mới tiến hành lắp đặt. Như vậy, các thiết bị chính, gạch chịu lửa, linh kiện, vật tư đều là những bộ phận tổ thành quan trọng cần nhập khẩu đồng bộ để tạo tài sản cố định, mang tính đặc thù, đồng bộ và là bộ phận không thể tách rời của thiết bị chính.

Dẫn chiếu một dự án khác cũng đã được áp dụng tiền lệ miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị xây dựng công trình là Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Công ty FHS cho rằng, do giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp nhận được vào năm 2008, là thời điểm đã có tiền lệ về việc tính thuế với nguyên vật liệu, hệ thống máy móc thiết bị của các dự án, nên đề nghị các cơ quan hữu trách cho được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện dùng để lắp đặt thiết bị cho dự án.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đề nghị, kể từ sau năm 2010, toàn bộ số tiền thuế nhập khẩu công ty đã nộp để nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu, linh kiện, máy móc để lắp ráp thiết bị, tạo tài sản cố định cho dự án đều sẽ được hoàn trả.

“Mức đầu tư cả dự án là khoảng 10 tỷ USD cho giai đoạn I. Sau khi toàn bộ dự án được xây dựng xong, thì mức đầu tư sẽ đạt tới con số 20 tỷ USD. Dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn, ngành gang thép rơi vào suy thoái, nhưng FHS vẫn giữ lời hứa, tích cực thực hiện công trình xây dựng, sớm đưa Dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, những vấn đề về thuế nêu trên dù đã có nhiều đề nghị tới cơ quan hữu trách, nhưng qua nửa năm vẫn chưa có tiến triển nào cụ thể”, là nhận xét của ông Dương Hồng Chí trong thư gửi tới Chính phủ.

Được biết, trong quá trình nhập khẩu máy móc, thiết bị, cơ quan hải quan địa phương đã căn cứ vào Danh mục Các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để yêu cầu FHS nộp thuế nhập khẩu cho mặt hàng gạch chịu lửa và dây cáp điện. Theo tính toán của doanh nghiệp, nếu tính thêm phần thuế phải nộp này, thì chi phí cho dự án sẽ tăng thêm 1.000 tỷ đồng, tương đương gần 50 triệu USD.

Đại diện FHS cũng cho hay, có một số chủng loại gạch chịu lửa đã được sản xuất tại Việt Nam, nhưng với gạch chịu lửa để xây dựng lò luyện thép thì đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật và có các quy cách thiết kế riêng và được sử dụng đồng bộ trong lò luyện thép. Vì thế, nếu dùng loại khác với thiết kế ban đầu sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành nhà máy và hậu quả xảy ra sẽ khó lường.

Tình hình cũng tương tự với mặt hàng dây cáp điện. Phía FHS cho rằng, tuy có một số mặt hàng đã được sản xuất tại Việt Nam, nhưng nhà đầu tư không thể mua riêng lẻ để sử dụng cho một dự án thép lớn.

FHS hiện đang trong giai đoạn triển khai xây dựng dự án. Năm 2012, doanh nghiệp này đã nộp thuế địa phương là 910 tỷ đồng, chiếm gần 30% số thu của cả tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2013, con số nộp của doanh nghiệp là 2.229 tỷ đồng.

Cũng trong quá trình đầu tư, do điều kiện tự nhiên của khu kinh tế Vũng Áng có nền móng thấp, là vùng ngập úng nên Công ty đã chi cho việc hút cát san nền và cải tạo địa chất số tiền là 1,166 tỷ USD, trong khi, dự toán ban đầu chỉ là 443 triệu USD. Điều này là nhằm đảm bảo nền móng công trình theo yêu cầu của các thiết bị cỡ lớn sẽ đặt tại đây.

FHS cũng cho rằng, theo tính toán, dự án cần tới 20 năm mới có thể thu hồi vốn, vì vậy ngoài những chi phí phát sinh trong việc làm nền móng, thì việc phải nộp thêm thuế nhập khẩu với gạch chịu lửa, dây cáp điện để tạo tài sản cố định sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hồi vốn lẫn sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thanh Hương (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục