Khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đã quyết tâm đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm nay. Để làm được điều đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phải huy động được nguồn lực cho tăng trưởng.
Khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho tăng trưởng

Bộ Tài chính, khi báo cáo Chính phủ về hai kịch bản tăng trưởng kinh tế mới của năm 2025, trong đó kiến nghị phấn đấu đạt kịch bản 2 (tăng trưởng 8,3-8,5%), cũng đã nhấn mạnh rằng, cùng với khai thác cơ hội thị trường để thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu, thì đầu tư chính là động lực chủ yếu, còn nhiều dư địa, tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa, giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm 2025. Và không chỉ là thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm, mà động lực đầu tư, nếu được thúc đẩy, còn có thể đồng thời hình thành và phát triển năng lực sản xuất mới, không gian mới, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.

Trên thực tế, lâu nay, đầu tư vẫn được coi là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tuy vậy, những năm gần đây, khi kinh tế khó khăn, động lực đầu tư thường được đặt nặng vào đầu tư công, vào chi tiêu của Chính phủ.

Năm nay cũng vậy, Chính phủ đã quyết tâm huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 (dự kiến khoảng 152.700 tỷ đồng) để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công.

Con số gần 1 triệu tỷ đồng đầu tư công trong năm 2025 là một ngân khoản lớn, thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong thu xếp nguồn lực tài khóa cho tăng trưởng. Lần đầu tiên đưa ra mục tiêu giải ngân hết 100% nguồn lực này, thông qua thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, Chính phủ cũng đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ nhằm tận dụng triệt để động lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm nay, từ đó đặt nền tảng cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới, mà trước mắt là năm 2026, thì đầu tư công chưa đủ. Điều quan trọng là huy động được nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Đầu tư công chỉ là “vốn mồi” để kích các nguồn lực đầu tư khác, từ khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài, kể cả là nguồn lực đầu tư từ khối doanh nghiệp nhà nước.

Trong kịch bản kinh tế, Bộ Tài chính đã tính toán rất chi tiết, 6 tháng cuối năm 2025, tổng vốn thực hiện toàn xã hội phải đạt khoảng 111 tỷ USD. Theo đó, ngoài giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 28 tỷ USD, còn cần khoảng 60 tỷ USD từ đầu tư tư nhân; 18,5 tỷ USD từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó giải ngân 16 tỷ USD và 7 tỷ USD từ các nguồn lực đầu tư khác.

Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc thực hiện các kịch bản tăng trưởng ra sao phụ thuộc vào hiệu quả triển khai các chính sách, giải pháp, nhất là trong huy động và sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng. Bởi thế, nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ chính là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng. Ngoài vốn đầu tư công, với nhiệm vụ quan trọng là phải giải ngân hết nguồn lực này, thì làm sao huy động vốn đầu tư tư nhân, vốn nước ngoài… cũng là bài toán không dễ giải.

Dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tích cực, với hơn 21,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, nhưng mối lo về những ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ với dòng đầu tư vẫn hiện hữu. Chưa kể, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trên toàn cầu vẫn rất gay gắt. Trong khi đó, đầu tư tư nhân những năm gần đây đã tăng trưởng chậm lại. Khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng chưa phát huy được mạnh mẽ vai trò chủ đạo của mình. Đó là chưa nói đến gần 3.000 dự án bị tồn đọng kéo dài, khiến nguồn lực 235 tỷ USD đang bị “chôn chặt”.

Để khơi thông được các nguồn lực này, chìa khóa nằm ở việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, cũng như Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, cùng các chương trình hành động của Chính phủ. Nằm ở nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng. Nằm ở cả các nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên phong… Và tất nhiên, còn nằm ở cả việc thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, được phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm…

Rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả để nền kinh tế có đủ nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục