
Tính đến ngày 10/7, tổng vốn hoá toàn thị trường đạt 3.460 tỷ USD, với Bitcoin và Ethereum chiếm hơn 73% thị phần, theo dữ liệu từ CoinMarketCap.
Đáng chú ý, Bitcoin đã vượt mốc đỉnh cũ 111.000 USD thiết lập cuối 2024 và tiếp tục giữ trên vùng giá này trong bối cảnh được công nhận rộng rãi hơn như một tài sản đầu tư, thậm chí được sử dụng làm tài sản cầm cố trong hồ sơ thế chấp tại Mỹ.
Khung pháp lý rõ ràng, chính sách hỗ trợ tích cực
Các bước đi về mặt chính sách tại Mỹ, EU và châu Á đang định hình một thị trường tiền số minh bạch và hợp pháp hơn. Hoa Kỳ đã ban hành hai đạo luật “GENIUS Act” và “CLARITY Act”, phân định thẩm quyền giữa SEC và CFTC, bảo vệ nhà đầu tư và khuyến khích đổi mới công nghệ blockchain.
Chính quyền Mỹ hiện theo đuổi chiến lược biến nước này thành "siêu cường Bitcoin", đồng thời phản đối phát hành đồng tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Tại Việt Nam, các hoạt động thí điểm sàn giao dịch tài sản số đang được triển khai, với Bitcoin được công nhận là tài sản hợp pháp – cho phép đầu tư và giao dịch, nhưng không dùng làm phương tiện thanh toán.
Tương tự, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Thái Lan cũng đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cấp phép sàn và siết quản lý AML/KYC.
![]() |
Đáng chú ý, stablecoin cũng đang được nhiều quốc gia xây dựng khung pháp lý riêng, tập trung vào tính minh bạch, đảm bảo tỷ lệ quy đổi 1:1 và tích hợp với hệ thống tài chính truyền thống.
Bitcoin trở thành tài sản cầm cố, ETF mở rộng dòng vốn
Một trong những bước tiến lớn trong năm nay là việc Bitcoin được sử dụng làm tài sản cầm cố thế chấp trong các khoản vay mua nhà tại Mỹ, với tỷ lệ cho vay (LTV) phổ biến 50–100%. Điều kiện là tài sản phải được lưu trữ tại các sàn giao dịch được quản lý và tuân thủ đầy đủ quy định KYC/AML.
Song song, dòng tiền vào các quỹ ETF giao ngay tiếp tục là bệ đỡ quan trọng cho giá. Tính đến đầu tháng 7, tổng dòng vốn ròng vào các quỹ ETF tiền mã hoá đạt hơn 55 tỷ USD, riêng ETF Bitcoin chiếm hơn 90%. Các ETF altcoin như ADA, SOL, XRP cũng đang chờ phê duyệt, hứa hẹn mở rộng danh mục cho nhà đầu tư tổ chức.
Theo Cointelegraph, hiện có 121 công ty niêm yết nắm giữ Bitcoin, trong đó MacroStrategy dẫn đầu với gần 600.000 BTC. Các tên tuổi khác như Metaplanet, Trump Media, GameStop hay BTC Vinanz cũng đang tích cực gom hàng, củng cố xu hướng nắm giữ dài hạn của khối doanh nghiệp.
Các định chế tài chính như Fidelity, JPMorgan, Visa và PayPal cũng đang đẩy mạnh ứng dụng blockchain, đặc biệt trên nền tảng Ethereum.
![]() |
Dòng tiền ròng luỹ kế chảy vào ETF bitcoin giao ngay (triệu USD |
Rủi ro vẫn hiện hữu, biến động còn lớn
Tuy nhiên, Bitcoin vẫn được xếp vào nhóm tài sản rủi ro và chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố vĩ mô. Biến động giá gần đây có liên hệ chặt chẽ với sự kiện địa chính trị – như giai đoạn sụt giảm gần 15% sau động thái áp thuế của chính quyền Tổng thống Trump hồi tháng 4.
Nghiên cứu của Exness Investment Bank cho thấy, Bitcoin có mức tương quan cao (trên 0,9) với các chỉ số chứng khoán lớn như US30, US500 hay DE30 trong 5 năm gần nhất. Trong ngắn hạn, mức tương quan với US500 và USTEC lần lượt là 0,73 và 0,65.
![]() |
Số lượng bitcoin trên sàn (BTC và theo %) |
Ngoài ra, lượng Bitcoin lưu thông trên các sàn hiện chỉ còn 2,87 triệu BTC, tương đương 14,29% tổng nguồn cung khai thác – mức thấp nhất trong nhiều năm, cho thấy xu hướng tích trữ tăng cao. Dù vậy, các đợt unlock token lớn có thể gây áp lực ngắn hạn lên giá, đặc biệt khi các miner bán ra để bù chi phí vận hành.
Theo dữ liệu từ EIB, độ biến động giá BTC/USD hàng tuần đạt trung bình 7,7% trong 5 năm qua – thuộc nhóm cao nhất trong các loại tài sản, chỉ sau chứng khoán.
Triển vọng nửa cuối năm: phụ thuộc dòng tiền ETF và chính sách
Các tổ chức tài chính lớn nhận định triển vọng thị trường tiền mã hoá trong 6 tháng cuối năm vẫn tích cực, nhưng phụ thuộc nhiều vào 3 yếu tố: dòng vốn ETF, chính sách vĩ mô và tâm lý nhà đầu tư.
Fundstrat, Bitwise, Galaxy Digital và VanEck đưa ra kịch bản lạc quan, với mục tiêu giá Bitcoin có thể đạt 180.000–250.000 USD nếu các yếu tố thuận lợi tiếp tục duy trì. Trong khi đó, các tổ chức thận trọng như CoinCodex và AMBCrypto dự báo quanh mức 100.000–130.000 USD, do lo ngại rủi ro biến động.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ giữ được đà tăng trưởng, việc làm ổn định, lạm phát chỉ bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi các yếu tố thuế quan, giới đầu tư kỳ vọng thị trường crypto sẽ tiếp tục là kênh phân bổ vốn hấp dẫn trong dài hạn – song hành cùng các tài sản rủi ro khác như chứng khoán.