Khởi tạo hành trình áp dụng IFRS tại Việt Nam (Kỳ cuối): Lộ trình 5 năm cho IFRS tại Việt Nam

(ĐTCK) Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn tất Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) vào Việt Nam, để sớm trình Thủ tướng xem xét ban hành, trên cơ sở đó đặt nền tảng chính thức về mặt pháp lý cho triển khai hệ thống chuẩn mực này tại Việt Nam.
Khởi tạo hành trình áp dụng IFRS tại Việt Nam (Kỳ cuối): Lộ trình 5 năm cho IFRS tại Việt Nam

Kỳ cuối: Lộ trình 5 năm cho IFRS tại Việt Nam

Triển khai theo 2 giai đoạn

Nhiều doanh nghiệp niêm yết, trong đó có Công ty cổ phần FPT, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP, Tập đoàn Bảo Việt đề xuất, cần có thời gian chuẩn bị 2 - 3 năm thì doanh nghiệp mới có thể áp dụng IFRS thành công.

Bộ Tài chính nhìn nhận, áp dụng IFRS sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, doanh nghiệp và công chúng, nhưng đây là nội dung mới, áp dụng ngay có thể gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cần có thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị về nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin... Mặt khác, vì cách tiếp cận của Việt Nam là thận trọng, áp dụng IFRS từng bước để tránh những tác động không mong muốn, nên Bộ Tài chính đề ra phương án áp dụng IFRS thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2025; giai đoạn 2 từ sau năm 2025.

Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ hướng đến việc cho phép doanh nghiệp tự nguyện áp dụng IFRS. Theo đó, những doanh nghiệp lớn đã có nền tảng và đủ điều kiện về nguồn lực sẽ áp dụng IFRS trước để rút kinh nghiệm chung cho các doanh nghiệp khác.

Giai đoạn 2, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn 1 sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng vừa có đối tượng bắt buộc, vừa có đối tượng tự nguyện áp dụng IFRS.

Ðể doanh nghiệp có thể áp dụng IFRS trong vòng 4 - 5 năm tới, từ năm 2019 đến hết năm 2021, Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị các điều kiện cho triển khai thực hiện Ðề án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng IFRS từ năm 2022 như công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS… 

Sẽ áp dụng với doanh nghiệp niêm yết trước

IFRS là những chuẩn mực báo cáo tài chính tương đối phức tạp, chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có đủ nguồn lực và có nhu cầu lập báo cáo tài chính theo IFRS. Ðể đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất, đối tượng áp dụng IFRS đầu tiên là công ty niêm yết, doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn, các doanh nghiệp FDI là công ty con của tập đoàn xuyên quốc gia...

Theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam có hơn 700 công ty niêm yết trên 2 sàn HNX và HOSE, hơn 800 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, nhiều doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn chưa lên sàn chứng khoán, gồm công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán... Các doanh nghiệp này có ảnh hưởng đáng kể đến công chúng và nền kinh tế, nên việc áp dụng IFRS sẽ góp phần công khai, minh bạch thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế, bảo vệ lợi ích công chúng và các nhà đầu tư, đảm bảo an toàn cho kinh tế vĩ mô.

Áp dụng IFRS cho các đối tượng trên là bắt buộc hay tự nguyện, hay tự nguyện trước, bắt buộc sau? FPT cho rằng, nên áp dụng IFRS bắt buộc cho các nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có cùng cơ sở dữ liệu để so sánh với nhau.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên bắt buộc áp dụng IFRS, thay vào đó là tự nguyện, áp dụng thí điểm. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đề xuất, trong ngắn hạn nên áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính hợp nhất trước, rồi áp dụng cho báo cáo tài chính riêng theo hướng tự nguyện, sau đó tiến tới áp dụng bắt buộc. 

Cách thức áp dụng

Áp dụng nguyên bản IFRS hay áp dụng theo giai đoạn? FPT đề nghị, áp dụng IFRS theo hình thức Big Bang, nghĩa là tất cả các chuẩn mực kế toán đều áp dụng tại cùng một thời điểm. Phạm vi áp dụng IFRS cho cả báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất.

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đề xuất nên áp dụng IFRS theo hình thức Big Bang, nhưng ban đầu là tự nguyện, trước khi bắt buộc các doanh nghiệp áp dụng. Các đối tượng áp dụng IFRS trước gồm: công ty niêm yết, ngân hàng, công ty chứng khoán... Việc áp dụng IFRS phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật về thuế. Bộ Tài chính cần xây dựng lộ trình sớm và phù hợp để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nhân lực, phần mềm, chi phí.

Nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí, đề xuất áp dụng IFRS theo hình thức từng phần, nghĩa là áp dụng một vài chuẩn mực trước. Ðể triển khai IFRS hiệu quả, bên cạnh sự thống nhất về cơ chế quản lý, tổ chức các lớp đào tạo về IFRS, cơ quan quản lý nên có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tiên phong áp dụng tự nguyện IFRS.

Từ những ý kiến trên, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Ðề án theo hướng doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng IFRS phải áp dụng tất cả các IFRS đã có hiệu lực theo quy định của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế tại cùng một thời điểm.

Nhằm tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp áp dụng IFRS, Ðề án hướng đến các đơn vị chỉ phải lập duy nhất một bộ báo cáo tài chính để công bố tại Việt Nam. Các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc hoặc tự nguyện lập báo cáo tài chính (riêng hoặc hợp nhất) theo IFRS được miễn lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).

Ðể ”tiếp sức” cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Theo đó, cùng với công bố hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính của Việt Nam trên cơ sở IFRS, các nội dung áp dụng và nội dung chưa áp dụng theo IFRS, Bộ sẽ ban hành các thông tư, văn bản khác hướng dẫn cụ thể áp dụng IFRS theo lộ trình phù hợp, đảm bảo quy định rõ nội dung, quy trình và hướng dẫn thực hiện cho các đơn vị liên quan.

Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát, ban hành lại hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành lại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, theo hướng giảm thiểu sự khác biệt giữa các văn bản, xác định và phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực kế toán, chính sách thuế và cơ chế tài chính, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của doanh nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính để cung cấp ra công chúng.

Bên cạnh đó, cùng với tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để khuyến khích chuyển sang áp dụng IFRS, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, giúp doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sang áp dụng IFRS. Bộ còn phối hợp với các bên liên quan triển khai công tác đào tạo IFRS, trợ giúp các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong quá trình áp dụng IFRS.

Theo Bộ Tài chính, tại hai hội thảo về định hướng áp dụng IFRS tại Việt Nam năm 2016 và 2018, Bộ đã tổ chức lấy ý kiến thăm dò của đại biểu tham dự tại hội thảo là đại diện từ các công ty niêm yết, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị có lợi ích công chúng khác thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, các trường đại học, các công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán. 

Kết quả khảo sát cho thấy, tại hội thảo năm 2016, có 190/198 ý kiến cho rằng, việc áp dụng IFRS là vấn đề cấp thiết và rất cấp thiết; chỉ có 8/198 ý kiến cho rằng, vấn đề này chưa thật sự cấp thiết. Tại hội thảo năm 2018, có 177/178 ý kiến cho rằng, đây là vấn đề cấp thiết và rất cấp thiết; chỉ có 1 ý kiến cho rằng, đây là vấn đề không cấp thiết. Tuy đối tượng khảo sát tại 2 cuộc hội thảo có thể không hoàn toàn trùng nhau, nhưng kết quả khảo sát cho thấy, đa số các ý kiến đều cho rằng, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam là cấp thiết và rất cấp thiết.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 0.0 0.0% 258,687 tỷ
HNX 243.92 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 91.48 0.0 0.0% 0 tỷ