Khởi tạo hành trình áp dụng IFRS tại Việt Nam (Kỳ 2): Bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng?

(ĐTCK) Từ những lợi ích cũng như thách thức khi áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), các doanh nghiệp đưa ra nhiều đề xuất để đảm bảo tính khả thi cho triển khai IFRS tại Việt Nam.
Việc áp dụng IFRS của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố để TTCK Việt Nam được nâng hạng. Việc áp dụng IFRS của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố để TTCK Việt Nam được nâng hạng.

Kỳ 2: Bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng?

Mới nhưng không… lạ

IFRS tuy còn mới ở Việt Nam, nhưng trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp đang áp dụng bộ chuẩn mực này vào lập báo cáo tài chính (không kể các doanh nghiệp FDI). Có thể kể đến những cái tên như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), Tập đoàn Bảo Việt (BVH)…

Kết quả khảo sát của Công ty TNHH KPMG đối với 27 doanh nghiệp là công ty niêm yết, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết và 5 công ty kiểm toán, 13 cơ quan quản lý nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán… cho thấy, các đơn vị đã áp dụng IFRS trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính chủ yếu nằm trong khối doanh nghiệp tài chính (chiếm 75%, xem bảng).

Theo đó, trong số 8 doanh nghiệp tài chính gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán được khảo sát, chỉ có 1 ngân hàng và 1 công ty bảo hiểm chưa áp dụng IFRS. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phi tài chính hiện áp dụng ít hơn, khi trong số 19 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 5 doanh nghiệp đã áp dụng IFRS.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy toàn bộ doanh nghiệp áp dụng IFRS đều xuất phát từ yêu cầu của các cổ đông, nhà đầu tư hoặc các nhà tài trợ vốn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, lý do doanh nghiệp quyết định áp dụng IFRS là để bắt kịp xu hướng phát triển mang tầm quốc tế, nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh; để so sánh hiệu quả hoạt động với các công ty cùng ngành trên thế giới.

Riêng đối với nhóm ngân hàng, báo cáo tài chính lập theo IFRS còn được sử dụng để phục vụ cho nhóm đối tượng là các tổ chức xếp hạng quốc tế (Fitch, Moody’s, Standard & Poor’s) và các đối tác là các ngân hàng, tổ chức nước ngoài khác. Đây cũng là một trong những lý do giúp cho tỷ lệ áp dụng IFRS trong khối ngân hàng cao hơn so với các lĩnh vực khác. 

Đa số các doanh nghiệp, dù đã áp dụng hay chưa áp dụng IFRS đều cho rằng, việc áp dụng IFRS mang lại lợi ích cho doanh nghiệp như nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đáng tin cậy, phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo; tăng tính minh bạch của thông tin tài chính, giúp các nhà đầu tư, các đối tác có hiểu biết tốt hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tạo lợi thế cho doanh nghiệp khi thực hiện huy động vốn từ nước ngoài…

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp (gồm cả các đơn vị đã áp dụng IFRS) có câu trả lời là “chưa đánh giá được” hoặc “không”, khi được hỏi về tính hữu ích của báo cáo tài chính lập theo IFRS đối với ban lãnh đạo. Chỉ có 22% doanh nghiệp cho rằng ban lãnh đạo công ty đã sử dụng các thông tin tài chính theo IFRS cho mục đích quản trị...

Các doanh nghiệp đa phần đều thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang báo cáo tài chính theo IFRS, chưa có hệ thống sổ sách được thiết kế để ghi nhận từng giao dịch kinh tế phát sinh theo IFRS, nên không thể thiết lập được báo cáo quản trị theo IFRS kịp thời để phục vụ cho các quyết định kinh doanh. Hầu hết các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) của doanh nghiệp đều đã được xây dựng dựa trên báo cáo tài chính lập theo VAS, nên chưa sử dụng báo cáo tài chính IFRS cho mục đích này.

Khởi tạo hành trình áp dụng IFRS tại Việt Nam (Kỳ 2): Bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng? ảnh 1

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 78% doanh nghiệp nhất trí cho rằng việc áp dụng rộng rãi IFRS có ảnh hưởng tích cực đối với Việt Nam, trong khi 7% không cho là như vậy và 15% chưa đánh giá được. (Các tác động tích cực cụ thể được KPMG đưa ra gồm: giúp Việt Nam tiệm cận gần hơn với yêu cầu của quốc tế về mặt minh bạch thông tin, cải thiện niềm tin vào môi trường kinh doanh của Việt Nam; rộng hơn cánh cửa đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam cho các đối tác nước ngoài; một lộ trình áp dụng IFRS cụ thể sẽ giúp nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam…). 

Đề xuất từ doanh nghiệp

Thực tiễn cho thấy đang có một số rào cản, khó khăn với các doanh nghiệp trong nước khi triển khai IFRS vào lập báo cáo tài chính như tâm lý không muốn công khai tình hình tài chính hoặc cố tình che giấu những yếu kém; khó xác định giá trị hợp lý của các tài sản; tăng chi phí hoạt động (đào tạo nhân sự, đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin); thiếu đội ngũ nhân lực am hiểu IFRS...

Từ những khó khăn, thách thức trên, các doanh nghiệp đang đưa ra ý kiến đề xuất đa chiều về áp dụng IFRS bắt buộc hay tự nguyện, áp dụng toàn bộ IFRS theo chuẩn mực quốc tế tại một thời điểm hay áp dụng từng phần theo các giai đoạn khác nhau.

Ý kiến từ một số doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho rằng, cần áp dụng IFRS bắt buộc cho các nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có cùng cơ sở dữ liệu để so sánh với nhau.

Tuy nhiên, để triển khai IFRS khả thi, hiệu quả, ngoài việc cho phép các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị áp dụng IFRS từ 1 - 2 năm, cần kéo dài thời hạn nộp báo cáo tài chính quý, bán niên so với hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần giảm bớt sự khác biệt hoặc thống nhất giữa chuẩn mực kế toán với chính sách thuế, cơ chế tài chính để thuận lợi cho công tác kế toán của doanh nghiệp; và nên xem xét cho phép doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế nếu tự nguyện áp dụng IFRS. Nếu lập báo cáo tài chính theo IFRS, doanh nghiệp chỉ phải lập một bộ để nộp cho các cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, ý kiến từ một ngân hàng đang niêm yết trên HOSE cho rằng, nên cho phép các doanh nghiệp tự nguyện áp dụng IFRS trước khi quy định áp dụng bắt buộc. IFRS nên được áp dụng cho các nhóm doanh nghiệp theo thứ tự ưu tiên: công ty niêm yết, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty nước ngoài, các công ty đại chúng có giá trị vốn hóa thị trường lớn. Có thể ban đầu áp dụng thí điểm để thị trường hoàn thiện dần và đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ (thống nhất giữa các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước , Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thuế…). Thời gian áp dụng thí điểm nên là 2 - 3 năm.

Ở vị trí của một đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán, HOSE cho rằng, áp dụng IFRS tự nguyện là phù hợp, sau đó có lộ trình để bắt buộc áp dụng. Đối với doanh nghiệp niêm yết áp dụng IFRS, thì nên chia nhóm theo quy mô sẽ hợp lý (tính thanh khoản, khối lượng giao dịch, tỷ lệ vốn hoá), ví dụ nhóm VN30, VN50, VN100, VN200. Do việc áp dụng IFRS của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố để được nâng hạng thị trường chứng khoán, nên HOSE mong muốn Bộ Tài chính sớm đưa IFRS vào áp dụng…

Liên quan đến câu hỏi nên áp dụng nguyên bản IFRS hay áp dụng theo giai đoạn, cũng có ý kiến khác nhau. Một số doanh nghiệp đề nghị áp dụng IFRS theo phương pháp Big Bang, nghĩa là tất cả các chuẩn mực kế toán đều áp dụng tại cùng một thời điểm. Phạm vi áp dụng IFRS cho cả báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất. Các đối tượng áp dụng IFRS trước hết nên là công ty niêm yết, ngân hàng, công ty chứng khoán...

Việc áp dụng IFRS phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật về thuế, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xây dựng lộ trình phù hợp, từ đó sớm giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nhân lực, phần mềm, chi phí…

Ý kiến từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) cho rằng, nên áp dụng IFRS từng phần và thực hiện đánh giá sau mỗi giai đoạn, áp dụng IFRS đối với cả báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai IFRS, theo PLX, ngoài việc cần phổ biến IFRS, nên chú trọng công tác đào tạo nhân sự cho cả doanh nghiệp lẫn cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước… Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp các công cụ khi áp dụng IFRS, ví dụ như xác định giá trị thị trường của tài sản.

Kỳ cuối: Lộ trình 5 năm cho IFRS tại Việt Nam

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ