Khởi tạo hành trình áp dụng IFRS tại Việt Nam (Kỳ 1): Tìm lời giải cho nhiều bất cập

(ĐTCK) Theo Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), đến nay có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cho phép áp dụng Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) dưới các hình thức khác nhau. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia chưa áp dụng IFRS cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính, trong khi Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đang có sự khác biệt khá lớn với IFRS, gây nên nhiều hạn chế, bất cập trong báo cáo tài chính.
Khởi tạo hành trình áp dụng IFRS tại Việt Nam (Kỳ 1): Tìm lời giải cho nhiều bất cập

Kỳ 1: Tìm lời giải cho nhiều bất cập

Nhiều bất cập trong báo cáo tài chính theo VAS

Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp trong nước chưa phản ánh xác thực sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, khiến không ít nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế băn khoăn, nghi ngại khi tiếp cận. Từ đó, các doanh nghiệp trong nước muốn huy động vốn quốc tế, doanh nghiệp phải tốn kém chi phí, thời gian cho chuyển đổi báo cáo tài chính được lập theo VAS sang IFRS. Đó là thực trạng trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều năm nay.

Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một lý do quan trọng, theo Bộ Tài chính, là đến nay, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam mới ban hành được 26 chuẩn mực, còn thiếu nhiều chuẩn mực so với thông lệ quốc tế như chuẩn mực về nông nghiệp, thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, nhóm công cụ tài chính, giá trị hợp lý, về tổn thất tài sản…

Bởi vậy, khi các doanh nghiệp phát sinh các giao dịch kinh tế thuộc nhóm các chuẩn mực này, doanh nghiệp chưa có cơ sở pháp lý để hạch toán kế toán, gây khó khăn cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Bản thân 26 chuẩn mực này được ban hành dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) cũng có độ vênh so với IFRS.

Theo ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, VAS hiện đã trở nên lạc hậu, lỗi thời so với mặt bằng chung thế giới, do chưa được sửa đổi, bổ sung và cập nhật. Vì vậy, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế.

Cụ thể, do VAS hướng đến việc ghi nhận tài sản và nợ phải trả theo giá gốc, chứ không phải giá trị hợp lý (giá trị thị trường), nên báo cáo tài chính chưa phản ánh được đúng và đầy đủ tình hình tài chính của các doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, vì giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường luôn biến động, những khoản tổn thất tài sản chưa được ghi nhận đầy đủ. Nhiều thông tin mà VAS đưa ra không còn mang tính hữu ích do tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính bị suy giảm, nên người sử dụng báo cáo tài chính không thể đánh giá được hết khả năng, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, cũng như những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải.

Trong bối cảnh thị trường vốn, thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ, nhưng nhóm chuẩn mực về công cụ tài chính chưa được ban hành, các doanh nghiệp thiếu cơ sở pháp lý để ghi nhận công cụ tài chính theo thông lệ quốc tế.

Theo ông Vinh, gần đây, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng công cụ phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất hoặc giá cả hàng hóa, nhưng chưa có hướng dẫn kế toán phòng ngừa rủi ro.

Việc chưa ban hành chuẩn mực tổn thất tài sản, nên doanh nghiệp chưa có căn cứ để ghi nhận tổn thất do suy giảm giá trị tài sản, gây rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư và người sử dụng báo cáo tài chính. Trong nhiều trường hợp, tài sản vẫn phản ánh theo giá gốc vượt quá giá trị có thể thu hồi, dẫn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp bị bóp méo.

Ngoài ra, các yêu cầu về thuyết minh báo cáo tài chính của VAS chưa hoàn thiện, gây ảnh hưởng đến khả năng phân tích của người sử dụng báo cáo tài chính, từ đó làm giảm khả năng so sánh thông tin và tính minh bạch của báo cáo tài chính.

Do Việt Nam chưa tuyên bố áp dụng IFRS, nên hiện các doanh nghiệp đều lập báo cáo tài chính theo VAS. Một số doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp FDI theo yêu cầu của nhà đầu tư hoặc công ty mẹ tại nước ngoài, nhà tài trợ quốc tế đang thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS, chứ chưa trực tiếp lập báo cáo tài chính theo hệ thống chuẩn mực này. Việc chuyển đổi báo cáo tài chính hiện vẫn còn nhiều hạn chế do các doanh nghiệp chưa được đào tạo căn bản, nên phụ thuộc vào các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, trong khi Nhà nước chưa có hướng dẫn chính thức.

Khởi tạo hành trình áp dụng IFRS tại Việt Nam (Kỳ 1): Tìm lời giải cho nhiều bất cập ảnh 1

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Deloitte Việt Nam, chúng ta khuyến khích doanh nghiệp dịch báo cáo tài chính sang tiếng Anh, trong khi “ngôn ngữ” lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế mới là quan trọng.

Thế nên, ngay cả khi nhà đầu tư đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam bằng tiếng Anh, họ vẫn không hiểu, vì báo cáo này được lập theo chuẩn kế toán của Việt Nam. Kết cục là để giúp nhà đầu tư nước ngoài hiểu báo cáo tài chính được lập theo chuẩn kế toán Việt Nam và thể hiện dưới dạng tiếng Anh, các công ty kiểm toán phải có báo cáo phân tích, giải thích cụ thể.

“Qua quan sát, chúng tôi phát hiện ngay cả những doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi gọi vốn ngoại mà thông tin không được lập theo IFRS, nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan ngại. Ngược lại, với những trường hợp báo cáo tài chính lập theo IFRS, thì nhà đầu tư có mức độ tin cậy cao hơn...”, bà Thanh cho biết. 

IFRS là lời giải

Khắc phục những bất cập trên thông qua áp dụng IFRS, theo Bộ Tài chính, sẽ mang lại nhiều mặt lợi cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế.

Theo đó, đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng IFRS sẽ nâng cao tính trung thực, minh bạch của báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán sẽ giúp bộc lộ những yếu kém về tài chính của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng lãi giả - lỗ thật.

Chuẩn mực kế toán hướng đến việc cung cấp thông tin sát với diễn biến của thị trường, từ đó giúp cho việc đưa ra các dự báo trong tương lai đạt hiệu quả cao hơn do cơ sở dữ liệu về tài chính của các doanh nghiệp được cập nhật một cách thường xuyên, liên tục.

Áp dụng IFRS sẽ đáp ứng nhu cầu được niêm yết trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn với chi phí thấp từ các định chế tài chính quốc tế. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có nhu cầu phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, hoặc dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế, hoặc nhận được sự tài trợ dưới hình thức vốn vay của các định chế tài chính quốc tế như WB, IMF, JICA…

Để thực hiện được điều này, theo quy định của hầu hết các nhà tài trợ quốc tế và cơ quan quản lý chứng khoán nước ngoài, thì việc trình bày thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế là điều kiện bắt buộc.

Đặc biệt, ông Vinh cho rằng, áp dụng IFRS sẽ góp phần đảm bảo điều kiện để các tổ chức quốc tế nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Giai đoạn vừa qua, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng có những bước tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các định chế tài chính quốc tế và giới chuyên môn, sự khác biệt giữa VAS và IFRS hiện nay còn tương đối lớn, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Việc chưa ban hành một số chuẩn mực quan trọng như: công cụ tài chính, tổn thất tài sản, nông nghiệp… dẫn đến các doanh nghiệp chưa có căn cứ pháp lý để ghi nhận một số giao dịch... Khi áp dụng IFRS, những hạn chế hiện nay sẽ được giải quyết, giúp cho thông tin tài chính của doanh nghiệp niêm yết được trình bày đầy đủ, trung thực và minh bạch hơn. Đây là những yếu tố quan trọng để các tổ chức quốc tế sớm xem xét, đánh giá nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam...

Đối với người sử dụng báo cáo tài chính, áp dụng IFRS sẽ giúp tăng cường niềm tin và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, chủ nợ và công chúng.

IFRS yêu cầu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phải được trình bày trung thực, hợp lý và minh bạch, mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Ban giám đốc hoặc Ban lãnh đạo doanh nghiệp (khi cố tình phản ánh không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp nhằm mục đích đi vay, đẩy giá cổ phiếu hoặc che giấu những khoản lợi nhuận để hưởng lợi về thuế).

Vì vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán giúp gia tăng niềm tin cho các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp như các cổ đông, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng…, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà nước và công chúng.

Kỳ 2: IFRS: Bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng?

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục