Khối ngoại và câu chuyện của Fintech Việt

(ĐTCK) Giới hạn đầu tư nước ngoài vào các trung gian thanh toán Việt Nam đã được bỏ khỏi dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định số 101, nhưng trung gian thanh toán chỉ là một phần của khối Fintech. 
Thanh toán trực tuyến có cơ hội phát triển mạnh giai đoạn dịch bệnh. Thanh toán trực tuyến có cơ hội phát triển mạnh giai đoạn dịch bệnh.

Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP dự kiến sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ trong tháng 6/2020, qua đó mở ra một cục diện mới cho thị trường thanh toán Việt Nam với sự tham gia nhiều người chơi hơn gồm các ngân hàng truyền thống, các công ty công nghệ tài chính (Fintech), các nhà mạng viễn thông và cả nhà đầu tư nước ngoài.

Nói điều này có nghĩa, đây là nghị định có phạm vi quy định rất rộng, chứ không chỉ là khối trung gian thanh toán (hiện có khoảng hơn 30 công ty), mà cả khối Fintech rộng lớn với số lượng đã lên tới hàng trăm.

Từ chuyện trung gian thanh toán...

Liên quan tới Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, trung gian thanh toán theo mô hình của các Fintech chỉ là một phần nhỏ, bên cạnh hệ thống ngân hàng, công ty cung ứng dịch vụ hỗ trợ…

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi nghị định này lại rất gây chú ý trong năm 2019 với lý do có sự giới hạn 49% đầu tư nước ngoài tại các trung gian thanh toán.

Cuối cùng thì điều khoản hạn chế này cũng được bỏ đi khỏi dự kiến ban đầu. NHNN cho biết, đã nhận được ý kiến của hầu hết các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán, các hiệp hội và tổ chức khác với gần 80 ý kiến.

Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với Dự thảo Nghị định cho, rằng mục tiêu của NHNN đưa ra là phù hợp và cần thiết.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác đưa ra, quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp, do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên vốn ngoại đóng vai trò khá quan trọng.

Nếu hạn chế room sẽ khó hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung.

Việc không đưa tỷ lệ giới hạn vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (49%) áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán vào Dự thảo Nghị định là một diễn biến mới từ phía NHNN, nhưng cũng đồng nghĩa với việc thị trường này sẽ trở lại quỹ đạo vốn có trước đây, khi các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép đã đón nhận dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài vượt tỷ lệ sở hữu 49%.

Có thể nhận thấy, bên cạnh mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thông qua dự thảo này, NHNN còn hướng đến việc mở cửa để thu hút thêm nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng thanh toán số.

NHNN cũng đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ, nên vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng và các Fintech nói chung.

Thực tế hiện nay, có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.

Đơn cử, 1Pay bán 90% cổ phần cho TrueMoney - một doanh nghiệp Thái Lan có cổ đông lớn là Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc); VNPT Epay bán 65% vốn cho 2 nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service (64,99%) và UTC Investment Co., Ltd (0,83%);  MOL Accessportal mua 50% vốn của Ngân Lượng, NTT Data mua 64% cổ phần Payoo, một nhóm nhà đầu tư ngoại khác cũng mua 25% cổ phần của Bảo Kim.

Theo một báo cáo của Standard Chartered phát hành vào năm ngoái, 64% các tổ chức tài chính trong khối ASEAN có kế hoạch đầu tư để phát triển và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thanh toán trong 2 năm nhằm bắt kịp xu hướng và thu hẹp khoảng cách phát triển cơ sở hạ tầng ngân hàng số giữa các nước trong khu vực.

Việt Nam như vậy sẽ cần nguồn vốn lớn để phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại nhằm thực hiện mục tiêu giảm thanh toán tiền mặt xuống dưới 10%.

Với việc không áp dụng trần sở hữu nước ngoài trong các trung gian thanh toán, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái này của NHNN phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong nhiều hiệp định thương mại mà gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).

Trong đó, Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các lĩnh vực, bao gồm tài chính - ngân hàng.

Cùng với đó, để thực hiện các giải pháp được đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cũng như Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, một trong những chính sách mới được đề cập trong Dự thảo Nghị định đó là quy định về hoạt động đại lý thanh toán, mở đường đưa “tiền di động” (mobile money) vào thực tế.

Theo đó, với mô hình giao đại lý, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào, ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ...

... Đến các Fintech

Thực tế thời gian qua, trung gian thanh toán nói riêng và các Fintech nói chung có tốc độ phát triển rất cao tại Việt Nam.

Riêng với mảng thanh toán, các Fintech thực sự góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của một bộ phận lớn dân cư đô thị, đồng thời “thúc” các ngân hàng phải số hóa dịch vụ thanh toán của mình.

Đặc thù của các Fintech thường xuất phát điểm như một start-up công nghệ, sau đó hút vốn đầu tư rồi mới có nguồn lực để mở rộng hoạt động. Vốn đầu tư không chỉ từ trong mà còn từ nhiều quỹ ngoại, có cả quỹ đầu tư mạo hiểm.

Momo là một ví dụ điển hình, đơn vị đang hợp tác với hơn 10.000 đối tác trong nhiều lĩnh vực khác, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán dịch vụ tiện ích, giải trí... với số lượng người dùng đã tới hàng chục triệu.

Từ một công ty công nghệ nhỏ, phát triển nhanh như vậy trong thời gian ngắn, thành công của Momo nếu nhìn vào góc độ đầu tư thì gắn liền với các khoản đầu tư từ Warburg Pincus, Goldman Sachs, Standard Chartered Private Equity (SCPE) trị giá vài chục triệu USD.

Là một trong những tổ chức trung gian thanh toán, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) cho rằng, Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ở Đông Nam Á.

Nếu hạn chế room ngoại sẽ hạn chế việc tiếp nhận nguồn vốn, công nghệ từ thế giới giúp phát triển nhanh hơn thị trường trung gian thanh toán tại Việt Nam.Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion

Trong đó, với lĩnh vực Fintech, Việt Nam trước giờ không áp dụng giới hạn, nếu hạn chế room ngoại sẽ hạn chế việc tiếp nhận nguồn vốn, công nghệ từ thế giới giúp phát triển nhanh hơn thị trường trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Song, chính từ những tranh luận về việc góp vốn cho các trung gian thanh toán, cũng mở ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm tới các Fintech.

Trong đó đặc biệt là nhu cầu cần có những khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này, tránh những hệ quả xấu, có thể xảy ra, không chỉ với việc góp vốn - đầu tư mà còn cả quá trình hoạt động.

Theo TS. Trần Hùng Sơn, Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP.HCM, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế - Luật nhận định, với sự phát triển nhanh chóng trong các công nghệ AI, blockchain, big data và điện toán đám mây, Fintech đang thay đổi nhanh chóng hệ sinh thái của ngành tài chính và đổi mới tài chính hiện đang là xu hướng không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, các mô hình ứng dụng kinh doanh của Fintech rất đa dạng và ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Cùng với nâng cao hiệu quả hoạt động, chúng cũng mang lại nhiều bất trắc và rủi ro. Các vấn đề như rủi ro tài chính và các quy định không phù hợp đã dần xuất hiện.

Việc sử dụng Fintech có thể không giúp giảm thiểu rủi ro vốn có trong hệ thống tài chính mà thay vào đó, nó có thể khuyếch đại hoặc tạo ra các hình thức rủi ro tài chính mới.

Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đã tăng từ hơn 40 vào cuối năm 2016 lên hơn 150 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau hiện nay như thanh toán, gọi vốn cộng đồng, blockchain, quản lý tài chính cá nhân; quản lý POS/mPOS, quản lý dữ liệu, cho vay, so sánh thông tin…

Mới đây, trước những hoạt động biến tướng và vi phạm pháp luật về và ngân hàng và tín dụng của các doanh nghiệp kinh doanh cho vay ngang hàng, đặc biệt là khi thị trường Trung Quốc hạn chế mô hình này, nhiều hoạt động đã được chuyển sang Việt Nam.

NHNN đã khuyến cáo người dân và các tổ chức tín dụng nên thận trọng khi tham gia mô hình cho vay này.

“Thực tế trên đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với các hoạt động của doanh nghiệp Fintech trong thời gian tới nhằm bảo vệ nhà đầu tư, tính toàn vẹn của thị trường và đảm bảo ổn định tài chính”, TS. Sơn nói.

Nguyễn Vân Anh
Đặc san Ngân hàng 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục