Tương lai Fintech Việt: Trăm hoa đua nở

(ĐTCK) Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 tại Ðông Nam Á (chỉ sau Singapore) về số lượng các vườn ươm khởi nghiệp, đơn vị tăng tốc khởi nghiệp và các trung tâm nghiên cứu đổi mới (theo Ernst & Young - ASEAN Fintech Census 2018). 
Hiện có khoảng 154 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động tại Việt Nam, tăng 28,3% so với năm 2018. Hiện có khoảng 154 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động tại Việt Nam, tăng 28,3% so với năm 2018.

Với dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, số lượng người dùng Internet ngày càng nhiều, cùng tỷ lệ người trẻ (dưới 35 tuổi) có khả năng am hiểu và tiếp nhận công nghệ mới chiếm phần lớn dân số, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành công nghệ tài chính (Fintech) khởi sắc trong những năm tới.

Từ năm 2015, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam bắt đầu đạt được những bước tăng trưởng mạnh mẽ về cả quy mô vốn, sự đa dạng về loại hình dịch vụ và mức độ sử dụng.

Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 154 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech, tăng 28,3% so với năm 2018, với tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong nước đạt khoảng 117 triệu USD.

Trong đó, các công ty Fintech chủ yếu tập trung phát triển cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (chiếm hơn 60%), cho vay ngang hàng (P2P) và huy động vốn cộng đồng.

Một số lĩnh vực khác như công nghệ chuỗi khối (Blockchain), quản lý tài sản, quản lý tài chính cá nhân, đầu tư, bảo hiểm… vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển và có dư địa tăng trưởng lớn.

Công nghệ là xu hướng tất yếu trong ngành tài chính - ngân hàng

Cuộc đua ngày càng sôi động để chiếm lĩnh thị trường thanh toán

Thời gian qua, các công ty thanh toán tại Việt Nam đã đạt được thành công nhất định. Chẳng hạn, ví điện tử MoMo đã lọt vào Top 100 Fintech toàn cầu (theo đánh giá của Quỹ đầu tư H2 Ventures và KPMG Global Fintech) và hiện là ví điện tử được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán ngày càng nhiều, với 32 công ty trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, cuộc đua chiếm lĩnh “miếng bánh” thị phần diễn ra ngày càng gay gắt và chưa có hồi kết cho đến khi thị trường định vị rõ vị thế của “người chơi”.

Trong cuộc đua này, sự phong phú và gắn kết của hệ sinh thái sẽ là yếu tố giúp các ví điện tử chiếm lĩnh thị trường một cách tự nhiên và lâu dài.

Xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này cũng có chiều hướng tăng lên.

Ðơn cử, chỉ riêng trong năm 2019, thị trường Fintech đã chứng kiến 2 thương vụ sáp nhập, bao gồm Ví điện tử Vimo và Dịch vụ thanh toán MPOS, cùng với VinID và Ví điện tử MonPay để tung ra thị trường sản phẩm Ví VinIDPay.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đến từ các đơn vị thanh toán trong nước, cùng với sức ép đến từ các Fintech ngoại với tiềm lực tài chính lớn, việc hợp lực sẽ giúp doanh nghiệp củng cố vị thế cạnh tranh, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới và hoàn thiện hơn.

Mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) góp phần thay đổi thói quen tài chính của người dân

Bà Nguyễn Phương Thanh, Giám đốc Dịch vụ tài chính, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Cho vay ngang hàng là một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Mô hình này mang đến cho người dùng nhiều lợi ích vượt trội: Trải nghiệm giao dịch trực tuyến xuyên suốt, thời gian xét duyệt hồ sơ vay nhanh, lãi suất cạnh tranh…

Cho vay ngang hàng đồng thời mở ra kênh tiếp cận vốn mới đối với những khách hàng không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, góp phần giảm thiểu tình trạng “tín dụng đen”.

Thị trường cho vay ngang hàng tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt giá trị lên tới 7,8 tỷ USD vào năm 2020, gấp đôi so với giá trị thị trường năm 2017.

Hiện tại, đang có hơn 40 đơn vị cung cấp nền tảng cho vay ngang hàng tại Việt Nam, trong đó có một số nền tảng lớn như Tima, Vaymuon.vn, Mofin, Growth Wealth, Robocash, Fiin…

Các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất như trí tuệ nhân tạo (AI) - được triển khai để kết nối khách hàng với nhà đầu tư, Blockchain - được áp dụng trong quy trình lưu trữ và quản lý thông tin người dùng và phân tích sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) - được sử dụng để đưa ra quyết định giải ngân một cách nhanh chóng.

Ðể đáp ứng các nhu cầu về tuân thủ và giảm thiểu rủi ro, các đơn vị cung cấp nền tảng cho vay ngang hàng đã tiếp cận và thiết lập mối quan hệ chiến lược với các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính.

Có thể kể đến thỏa thuận hợp tác giữa Mofin và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cùng Công ty Bảo hiểm Viễn Ðông (VASS), Interloan và ba ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank).

Thông qua hợp tác toàn diện giữa các đơn vị cung cấp nền tảng P2P và các tổ chức tài chính, giao dịch giữa các nhà đầu tư và người có nhu cầu vay vốn sẽ trở nên minh bạch hơn; cung cấp thêm kênh thẩm định chính thống như CIC để đánh giá năng lực tín dụng của nhà đầu tư, cũng như giúp hoàn trả tiền cho nhà đầu tư thông qua bảo hiểm trong trường hợp người vay mất khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để ban hành quy định quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch và phù hợp cho hoạt động của các công ty này, đảm bảo phát triển an toàn, bền vững.

Theo đó, lĩnh vực P2P trong tương lai được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả đáng kể, đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân, giúp họ tiếp cận nguồn vốn một cách minh bạch.   

Sức mạnh công nghệ lan tỏa tới nhiều lĩnh vực

Tối ưu hóa các sản phẩm bảo hiểm truyền thống và nâng cao trải nghiệm khách hàng

Tương lai Fintech Việt: Trăm hoa đua nở ảnh 2

MoMo hiện là ví điện tử được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, đã lọt vào Top 100 Fintech toàn cầu.

Công nghệ tiên tiến không chỉ thâm nhập sâu vào các hoạt động của ngân hàng, mà các công ty bảo hiểm cũng đang nhanh chóng nắm bắt xu hướng này và tạo nên những cuộc thay đổi mang tính cách mạng.

Trước đây, các doanh nghiệp bảo hiểm phải đầu tư một nguồn lực lớn để mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng và thường xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi bồi thường của khách hàng.

Chính vì vậy, bắt đầu từ giai đoạn 2017-2018, ứng dụng công nghệ trong bảo hiểm (InsurTech) xuyên suốt vòng đời của sản phẩm đã trở nên phổ biến hơn nhằm đơn giản hóa các quy trình và thủ tục, tiết giảm chi phí phát sinh từ mô hình phân phối vật lý.

Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) đóng vai trò cốt lõi trong lĩnh vực công nghệ bảo hiểm hiện nay.

Có thể kể tới một số công ty bảo hiểm đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm trực tuyến như: Bảo hiểm Bưu điện (PIT) hợp tác với nền tảng Papaya và INSO, Bảo hiểm Kỹ thuật số OPES, ứng dụng bảo hiểm LIAN của Bảo hiểm Viễn Ðông, Bảo hiểm PVI hợp tác với Wicare…

Không chỉ nâng cao trải nghiệm khách hàng, công nghệ còn mang lại lợi ích rõ rệt cho các công ty bảo hiểm trong việc hỗ trợ thay đổi cách thức định phí bảo hiểm.

Ví dụ, đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, việc thu thập dữ liệu đầu vào đến từ thói quen ăn uống, chi tiêu tại các siêu thị, nhà hàng…

Hay từ các thiết bị đeo tay thể thao có thể giúp doanh nghiệp đánh giá điều kiện sức khỏe của khách hàng, từ đó đưa ra sản phẩm bảo hiểm được cá nhân hóa với chi phí phù hợp.

Trong tương lai, tiềm năng đối với ứng dụng công nghệ trong bảo hiểm sẽ bao trùm không chỉ các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, mà còn cả các sản phẩm bảo hiểm phi nhân nhân thọ như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm đầu tư...

Tuy nhiên, việc đảm bảo vấn đề về bảo mật, tính minh bạch và chính xác, tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng trong quá trình thu thập giữ liệu để thiết kế sản phẩm vẫn cần các công ty bảo hiểm lưu ý và ưu tiên xử lý.

Luồng gió mới cho những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

Tại thị trường Việt Nam hiện nay, công nghệ đang dần tạo nên những thay đổi nhất định trong lĩnh vực bất động sản.

Những sản phẩm, dịch vụ do các công ty công nghệ bất động sản cung cấp có thể kể đến như nền tảng đăng bán/thuê nhà trực tuyến, môi giới đầu tư, quản lý bất động sản, quản lý khách sạn… Một số công ty bất động sản lớn tại Việt Nam bắt đầu tham gia vào thị trường Fintech, chẳng hạn Vingroup, Cengroup, Sunshine Group…

Cụ thể hơn, tính năng thanh toán sẽ được nâng cấp thông qua việc hợp tác với các đơn vị cung cấp ví điện tử, nhằm cải thiện dịch vụ và nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quản lý các khoản thu phí phát sinh.

Theo thống kê gần đây của trang web batdongsan.com.vn, khoảng 52% số lượng người có nhu cầu mua nhà trực tuyến thuộc tầng lớp dân số trẻ trong độ tuổi từ 25-34 tuổi, ưa thích sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để tìm kiếm và so sánh mặt bằng chi phí, giá cả bất động sản…

Cùng với đó, số lượng người dùng Internet khổng lồ lên tới 66% dân số (Báo cáo Digital 2019 - Wearesocial) cũng là yếu tố quyết định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Fintech trong lĩnh vực bất động sản.

Với sự hỗ trợ từ các công ty bất động sản lớn trên thị trường, công nghệ sẽ mang lại nhiều thay đổi không chỉ trong phương thức thanh toán, mà còn trong các lựa chọn về đầu tư.

Cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Fintech

Nhìn chung, thị trường Fintech tại Việt Nam bứt phá khá nhanh trong những năm vừa qua và còn nhiều dư địa phát triển. Hậu thuẫn chắc chắn cho sự phát triển của thị trường này là khung pháp lý minh bạch, rõ ràng.

Bởi vậy, việc thiếu các chính sách quản lý và khung pháp lý chưa theo kịp với các bước tăng trưởng của thị trường sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Gần đây, các cơ quan quản lý đã ban hành một số quy định mới liên quan đến hoạt động Fintech, điển hình là Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2014 về trung gian thanh toán, trong đó làm rõ và bổ sung các quy định về hoạt động của ví điện tử; Nghị định 98/2019/NÐ-CP sửa đổi Nghị định 116/2013/NÐ-CP về phòng, chống rửa tiền, trong đó bổ sung điều khoản cho phép các tổ chức báo cáo áp dụng hình thức xác minh khách hàng điện tử (eKYC); trình dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử.

Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện hình thức “tín dụng đen” dưới danh nghĩa Fintech, hay huy động vốn đầu tư theo mô hình đa cấp… do thiếu quy định pháp lý liên quan đến các hoạt động này.

Hiện nay, trong khu vực Ðông Nam Á, mới có 2 trong 6 nước đang phát triển Fintech, bao gồm Việt Nam và Phillipines, là chưa có cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox).

Dự thảo cơ chế thử nghiệm đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ trong năm 2019, nhưng một số khía cạnh quan trọng như thời hạn cơ chế bắt đầu có hiệu lực, các điều kiện công ty Fintech phải đáp ứng để tham gia vào đề án và tính hiệu quả trong việc bù đắp các lỗ hổng pháp lý… vẫn còn đang trong quá trình bàn thảo.

Do đó, các cơ quan quản lý cần sớm xây dựng và hoàn thiện các chính sách để tạo môi trường phát triển lành mạnh cho Fintech, thúc đẩy chủ trương phổ cập tài chính toàn diện và bền vững tới người dân.

Nguyễn Phương Thanh, Giám đốc Dịch vụ tài chính, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục