Quy chế đấu giá có một không hai
Đến 9 giờ sáng ngày 11/11 cuộc đấu giá quyền mua 30 căn hộ tại dự án Petro Vietnam Landmark của PVL mới diễn ra, nhưng chỉ có 7 người đến tham gia đăng ký đấu giá. Thế nhưng, vì quy chế đấu giá do PVL đưa ra có nhiều điểm khó hiểu nên chủ đầu tư và khách hàng đã phải mất gần 1 giờ đồng hồ để tranh luận quanh quy chế của cuộc đấu giá. Cũng chính vì những điểm khó hiểu và thiếu chặt chẽ của quy chế đấu giá do chủ đầu tư PVL đưa ra nên cuộc đấu giá phải tiến hành đến lần thứ 5.
Theo công bố của PVL, giá khởi điểm của 30 căn hộ được đem ra đấu giá lần này là 16,5 triệu đồng/m2, bước giá 300.000 đồng/m2 và kết quả đấu giá chỉ có giá trị khi có không quá 2 khách hàng cùng trả một mức giá, nghĩa là nếu có 3 người trở nên cùng bỏ phiếu mua nhà ở một mức giá thì nhóm khách hàng này sẽ phải tiến hành đấu giá lại. Tuy nhiên, với việc chỉ có 7 người tham gia, nên ai cũng chắc mình sẽ mua được và việc đấu giá chỉ là hình thức. Vì vậy, trong số 7 người tham gia đấu giá, có đến 3 người bỏ đặt ở mức giá khởi điểm và 4 người bỏ giá 16,8 triệu đồng.
Trong 3 người đặt mức giá khởi điểm, có một người bỏ cuộc ngay sau đó, nên 2 khách hàng còn lại được quyền mua. Ngược lại, nhóm 4 khách hàng trả giá cao hơn giá khởi điểm 300.000 đồng/m2 lại không mua được do vi phạm quy chế đấu giá, nên phải đấu giá lại. Tuy nhiên, trong cuộc đấu giá lần 2 và lần 3, cả 4 khách hàng đều vẫn giữ nguyên mức giá nên không khách hàng nào được quyền mua.
Tuy chỉ có 7 khách hàng tham gia đấu giá mua 30 căn hộ, nhưng cuộc đấu giá đã phải tổ chức đến 5 lần mới xong - Ảnh: Nguyễn Minh
Mục đích thực sự của PVL không phải là muốn bán được hàng?
Các khách hàng tham gia cuộc đấu giá đều tỏ ra bức xúc với các quy chế mà chủ đầu tư đặt ra cho cuộc đấu giá. Theo họ, việc chủ đầu tư chia nhóm là để ép khách hàng phải trả giá cao nếu muốn mua được nhà.
Sau 3 đợt đấu giá không được, 4 khách hàng đã phải hội ý để thống nhất đưa ra phương án giá đấu. Có thể, nói đây là hiện tượng hiếm có trong một cuộc đấu giá.
Bà Đoàn Thị Bích Hường và chồng, một trong 7 khách hàng tham gia đấu giá cho biết, khi biết PVL hạ giá căn hộ Petro Vietnam Landmark, thấy mức giá phù hợp với khả năng của mình nên bà đã tham gia. Tuy nhiên, với việc chủ đầu tư đặt ra điều kiện gây khó cho người tham gia đấu giá đã khiến bà bức xúc. “Chúng tôi đã rút hết tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để có đủ tiền tham gia mua căn hộ Petro Vietnam Landmark, nhưng khả năng của tôi chỉ có thể mua được với mức giá 16,8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cách làm của chủ đầu tư khiến chúng tôi thất vọng. Đây chẳng khác nào là chiêu đẩy giá bán căn hộ của PVL”, bà Hường bức xúc.
Tuy nhiên, bà Hường cho biết, vì muốn mua căn hộ này cho con đang làm việc tại TP. HCM nên mà đành chấp nhận đặt mua với giá 17,1 triệu đồng/m2, cao hơn 600.000 đồng/m2 so với giá khởi điểm và đã được quyền mua.
Các khách hàng tỏ ra bức xúc với quy chế đấu giá mà chủ đầu tư đặt ra - Ảnh: Nguyễn Minh
Với 3 khách hàng còn lại, kịch bản hội ý tiếp tục diễn ra và cuộc đấu giá chỉ xong khi một trong số 3 người còn lại chấp nhận nâng giá thêm 300.000 đồng khi đặt 17,1 triệu đồng/m2.
Trao đổi với ĐTCK sau cuộc bán đấu giá, ông Đinh Duy Kỳ Vũ, trợ lý Tổng giám đốc, người phát ngôn của PVL cho biết, việc Công ty đặt ra quy định cho cuộc đấu giá như trên bởi trước cuộc đấu giá, Công ty có nhận được nhiều cuộc điện thoại quan tâm của khách hàng, nên sợ số căn hộ đem ra bán sẽ bị 1 hoặc 1 nhóm nhỏ nhà đầu tư thâu tóm, khiến những người có nhu cầu thực không mua được nhà.
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng, buổi đấu giá đã thành công, bởi mục tiêu của PVL không phải là bán được nhiều căn hộ, mà là đưa ra số lượng căn hộ để bán được với mức giá tốt nhất. Theo ông Vũ, việc PVL đưa ra mức giá thấp là muốn thu hút được nhiều khách hàng.
Trả lời cầu hỏi của ĐTCK về thời gian và mức giá của các đợt đấu giá tiếp theo, ông Vũ cho biết, PVL chưa có kế hoạch cụ thể.