Dự án do Chính phủ Australia và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Đồng tổ chức FCV là Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Câu lạc bộ Công nghệ tài chính Việt Nam (Vietnam Fintech Club). Các đối tác của FCV bao gồm 7 ngân hàng thương mại cùng với các công ty công nghệ như FPT, Vietnam Silicon Valley và VIISA.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB chia sẻ: “Chương trình này sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam tham gia hợp tác với các công ty fintech, từ đó có thể tận dụng các lợi thế của công nghệ và tạo ra các cách tiếp cận mới để mở rộng các dịch vụ tài chính - ngân hàng tới các đối tượng chưa được tiếp cận các dịch vụ này”.
FCV nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngân hàng thương mại và các công ty công nghệ tài chính (fintech) trong xu thế ứng dụng công nghệ trong thanh toán, cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó.
Những năm qua, khu vực tài chính - ngân hàng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, song các tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều thách thức trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho các phân khúc khách hàng chưa tiếp cận đầy đủ, như doanh nghiệp nhỏ, người dân nông thôn. Sự bùng nổ của fintech trong những năm gần đây trên toàn cầu và ở Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại giải pháp tối ưu nhằm giải quyết vấn đề này.
Nhưng thực tế, Việt Nam vẫn đang chậm trễ trong việc phát triển fintech so với các nước trong khu vực. Nhìn sang Singapore, quốc đảo này đang có 423 công ty fintech hoạt động, trong khi Việt Nam mới chỉ có khoảng 40 công ty.
Điều khiến các công ty fintech quan tâm nhất hiện nay là liệu những ý tưởng mà mình mất nhiều công theo đuổi có được ứng dụng trong thực tế hay không, khi mà các quy định pháp lý hiện nay vẫn chưa theo kịp được sự phát triển nhanh chóng của fintech.
Trước đòi hỏi nhu cầu nội tại và xu thế của thế giới, mới đây, tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đồng ý với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về việc cho áp dụng thí điểm fintech, từ đó tổng kết và hoàn thiện dần hành lang pháp lý cho lĩnh vực hoạt động này.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo fintech để xây dựng khuôn khổ pháp lý và hoàn thiện hệ sinh thái cho phát triển các công ty fintech ở Việt Nam.
Cơ quan này đã ban hành các văn bản pháp lý để cấp phép cho 25 công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán để qua đó cung cấp cho khách hàng các dịch vụ thu phí điện tử và Ngân hàng Nhà nước thời gian tới sẽ tập trung xử lý một số vấn đề liên quan như công nghệ, chuỗi khối, cho vay ngang hàng, chia sẻ dữ liệu, nhận diện khách hàng.
“Chúng tôi cho rằng, sự hợp tác giữa các công ty fintech và ngân hàng sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng cho phát triển năng động của thị trường ngân hàng tài chính Việt Nam trong thời gian tới”, Thống đốc Lê Minh Hưng kỳ vọng.
Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái tích cực và phía các công ty fintech tiếp tục cho thấy họ xứng đáng nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Một minh chứng cho việc này là Uber và MoMo ký kết hợp tác chiến lược ngày 29/11. Theo thỏa thuận hợp tác này, người dùng MoMo có thể đặt những chuyến xe Uber trực tiếp ngay trên ứng dụng MoMo.
Đồng thời, khách hàng của Uber cũng có thêm một hình thức thanh toán mới qua MoMo được tích hợp sẵn trên ứng dụng Uber, bên cạnh việc sử dụng thẻ hay tiền mặt. Thông qua tiến bộ về công nghệ, việc trải nghiệm dịch vụ của người dùng của hai ứng dụng trở nên thuận tiện, tối ưu và liền mạch hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc điều hành MoMo cho biết, mục tiêu của MoMo chính là xây dựng hệ sinh thái dịch vụ thanh toán di động ưu việt và hiện đại để hiện thực hóa mục tiêu một xã hội không tiền mặt cho người dân Việt Nam.
Ông Tường tin tưởng, hợp tác này sẽ là nền tảng quan trọng để tạo nên một cuộc cách mạng trong việc thanh toán trên nền tảng di động tại Việt Nam trong vòng hai, ba năm tới.