Tại Đại hội đồng cổ đông của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) diễn ra mới đây, nhiều cổ đông đã bày tỏ sự tiếc nuối khi ông Hoàng Xuân Quốc, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc NT2 không tiếp tục tham gia nhiệm kỳ mới do sắp nghỉ hưu theo quy định.
Đại diện một nhóm cổ đông cá nhân chia sẻ, họ cùng nhau góp vốn và đầu tư vào NT2 một phần vì tin tưởng vào tài năng và đức độ của vị CEO này. Theo cổ đông, ông Quốc là người lăn lộn, gắn bó với NT2 và có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Công ty ngày hôm nay. Theo đó, cổ đông đề xuất Hội đồng quản trị xem xét việc mời ông Quốc tiếp tục làm việc, cống hiến để không lãng phí nhân tài.
Câu chuyện cổ đông lo lắng, băn khoăn khi lãnh đạo doanh nghiệp đến tuổi nghỉ hưu không chỉ diễn ra ở NT2, mà có thể bắt gặp ở hàng loạt doanh nghiệp lớn như VNM, DHG, REE, IMP, BMP, FPT…
Đặc điểm chung của những doanh nghiệp này là các vị lãnh đạo đều là những thế hệ đi trước, dày dạn kinh nghiệm, sâu sát hoạt động và có trình độ chuyên môn cao.
Dấu ấn của họ trong sự phát triển và định vị thương hiệu doanh nghiệp sâu đậm. Theo đó, hiện diện của họ trong doanh nghiệp như là sự đảm bảo về tương lai của doanh nghiệp, cổ đông an tâm về quyết định đầu tư của mình.
Cũng chính vì vậy, khi các vị lãnh đạo này đến tuổi nghỉ ngơi hoặc hết nhiệm kỳ đều tạo nên tâm lý lo lắng, không biết rồi đây đội ngũ kế thừa có đảm nhiệm tốt vai trò như họ.
Xây dựng đội ngũ kế cận cũng là vấn đề mà theo Chủ tịch Hội đồng quản trị của một quỹ đầu tư nước ngoài, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức và nếu không sớm nhận thức và hành động ngay thì sẽ có lúc doanh nghiệp gặp khủng hoảng nhân sự.
Còn nhớ, Đại hội đồng cổ đông năm 2015 của VNM trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các cổ đông quan tâm đến vấn đề nhân sự lãnh đạo của VNM trong giai đoạn tới khi bà Mai Kiều Liên đến tuổi nghỉ hưu vào năm sau (2016).
Cuối năm 2016, tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VNM do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức, vấn đề này tiếp tục được báo giới và nhà đầu tư đặt câu hỏi: Bà Mai Kiều Liên là lãnh đạo quan trọng, gắn bó với VNM trong thời gian dài, liệu khi bà hết nhiệm kỳ, Công ty có còn tăng trưởng mạnh?
Tại đây, bà Liên đã chia sẻ, sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào cả người đứng đầu, tập thể nhân sự và VNM đã chuẩn bị lực lượng kế thừa.
“Tôi có tiếp tục ở lại hay không các anh chị hãy chờ đến tháng 4”, bà Liên nói. Và tại Đại hội đồng cổ đông thường niên VNM diễn ra tháng 4 vừa qua, cổ đông đã bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017 -2021, trong đó bà Liên trúng cử với số phiếu cao nhất.
Tương tự, tại doanh nghiệp đầu ngành dược là CTCP Dược Hậu Giang, bà Phạm Thị Việt Nga kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng quản trị vào đầu năm 2014 và tính chuyện nghỉ hưu, nhưng trước đề nghị của các cổ đông, bà đã đảm nhận ghế CEO trở lại.
Nhiều lần chia sẻ với báo chí, bà Nga cho rằng thế hệ mình là những người xây dựng DHG, còn thế hệ trẻ sẽ làm rạng danh DHG cả trong nước và quốc tế. Tại DHG, hệ thống quản trị đã được xây dựng vững mạnh, tầm nhìn, sứ mệnh và bản sắc văn hóa doanh nghiệp được khắc nét, để Công ty không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào.
Có thể thấy, sự biến động nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp là yếu tố mà các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức rất quan tâm, bởi sự ảnh hưởng tới định hướng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Tại nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp thường mời những lãnh đạo kỳ cựu tham gia ban cố vấn hoặc làm thành viên hội đồng quản trị độc lập của doanh nghiệp, nhằm tận dụng nguồn chất xám, kinh nghiệm quý của những nhân sự này cho chiến lược phát triển của công ty.