Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, cổ đông CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đã thông qua mức thù lao năm 2017 cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát là 0 đồng.
Thực tế, đây không phải là năm đầu tiên lãnh đạo tập đoàn này từ chối nhận thù lao. Năm nay, lần đầu tiên MSN chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông sau 7 năm niêm yết. Khoản cổ tức với tổng tỷ lệ 30% bắt đầu được thanh toán từ 24/1/2017, trong đó cổ tức năm 2015 là 19% và cổ tức tạm ứng 2016 là 11%.
Tương tự tại công ty mẹ MSN, Ban lãnh đạo CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, mã MSR) cũng có năm thứ 2 liên tiếp quyết định không nhận thù lao.
Tại CTCP Du lịch Thành Thành Công (VNG), dù kết quả kinh doanh năm 2016 tăng trưởng đáng kể và dự báo hoạt động kinh doanh tiếp tục khả quan trong năm 2017, nhưng Hội đồng quản trị VNG quyết định trình cổ đông mức thù lao và chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trong năm 2016 và 2017 là 0 đồng.
Cổ đông VNG đã bày tỏ băn khoăn về quyết định đó của Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thái Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị NVG khẳng định, khoản thù lao định chi cho Hội đồng quản trị sẽ để dành đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao hình ảnh của Công ty trên thị trường.
Mới đây, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Thiên Quang (ITQ) cũng quyết định không nhận thù lao năm 2016. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp lãnh đạo ITQ nhận “thù lao 0 đồng” do không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Cụ thể, năm 2016, tổng doanh thu ITQ đạt 397 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2015 và hoàn thành 64% kế hoạch cả năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 1,6 tỷ đồng, giảm 92,8% so với năm trước và hoàn thành 7,1% kế hoạch năm.
Năm 2017, ITQ đặt kế hoạch tổng doanh thu 534 tỷ đồng, tăng trưởng 34% và lợi nhuận trước thuế đạt 6 tỷ đồng, tăng 275% so với kết quả thực hiện 2016, tỷ lệ cổ tức dự kiến từ 5 - 10%. Đi kèm kế hoạch kinh doanh, mức thù lao của Hội đồng quản trị được dự toán là 192 triệu đồng, người nhận cao nhất là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận 36 triệu đồng (3 triệu đồng/tháng).
Trong khi đó, có một số doanh nghiệp dù kinh doanh không hiệu quả, nợ cổ tức của cổ đông năm này qua năm khác vẫn đề xuất mức chi lớn cho Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.
Mới đây, Ban lãnh đạo CTCP Sông Đà 10 (SDT) đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của cổ đông khi đưa ra kế hoạch thù lao cho Hội đồng quản trị ở mức 40 - 50 triệu đồng/tháng trong khi Công ty vẫn còn nợ cổ tức từ năm 2015.
Cổ đông SDT đã yêu cầu Ban lãnh đạo giải trình rõ lý do chậm cổ tức, đồng thời yêu cầu Ban lãnh đạo ngừng nhận thù lao cũng như trích quỹ khen thưởng năm 2016. Trước phản ứng này, Chủ tịch SDT đã hứa trả cổ tức 2015 trước 30/6/2017, dẫu vậy đề xuất ngừng nhận thù lao của nhóm cổ đông nhỏ đã bất thành.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Eximbank mới đây không thông qua tờ trình của Hội đồng quản trị về mức thù lao 5 tỷ đồng trong năm 2017 cho 5 thành viên Ban Kiểm soát. Mức trung bình 1 tỷ đồng/người cho mỗi thành viên Ban Kiểm soát không nhận được sự đồng thuận của cổ đông cũng với ý kiến cho rằng, tổng mức thù lao cho lãnh đạo cao, trong khi cổ đông không có cổ tức.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên đề xuất thù lao cho lãnh đạo Eximbank bị cổ đông phản ứng, bởi vài năm trở lại đây hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng tuột dốc mạnh.
Ở chiều ngược lại, cổ đông CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) lại nêu đề xuất muốn tăng thù lao để tạo động lực làm việc cho các thành viên Hội đồng quản trị. Năm 2016, mức thù lao của Chủ tịch HĐQT BFC chỉ là 5 triệu đồng/tháng; các thành viên HĐQT nhận mức thù lao 3,5 triệu đồng/tháng. Sang năm 2017, mức thù lao mà HĐQT BFC trình cổ đông ở mức 8 triệu đồng/tháng với chức danh Chủ tịch HĐQT và 6 triệu đồng/tháng với các thành viên HĐQT. Trước thắc mắc này, lãnh đạo BFC cho biết, mức thù lao tùy thuộc vào quyết định của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nên không thể muốn tăng là tăng.
Nhìn nhận về câu chuyện thù lao cho lãnh đạo doanh nghiệp, một số chuyên gia cho biết, tại các nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp, ngân hàng khi gặp khó khăn, không hoàn thành kế hoạch đề ra, ban lãnh đạo sẽ không được nhận hoặc bị giảm thù lao. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chỉ số ít doanh nghiệp ý thức được vấn đề này, số còn lại dù không đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí để doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng vẫn nhận thù lao bình thường.
Thù lao không phải là khoản thu duy nhất của các “sếp”. Dẫu vậy, việc tự nguyện nhận mức thù lao 0 đồng như một cách để bày tỏ sự chia sẻ của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, hay đồng cảm với cổ đông khi họ chưa được nhận cổ tức đã tạo được sự tin tưởng, thiện cảm nơi cổ đông, nhà đầu tư vào những người đứng mũi chịu sào của doanh nghiệp.