Trong vài năm trở lại đây, tại mỗi kỳ đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), nội dung liên quan đến “thu nhập” của các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) như trích thưởng cho HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát; trích quỹ khen thưởng; phát hành cổ phiếu ưu đãi; phát hành ESOP…, được cổ đông rất quan tâm. Bởi lương thưởng không chỉ đánh giá được hiệu quả hoạt động của DN hằng năm, mà quan trọng hơn, nó thể hiện sự ghi nhận của cổ đông đối với những nỗ lực của lãnh đạo DN.
Tại nhiều DN, nhất những là DN đầu ngành như REE, HPG, VNM…, nếu chỉ đơn thuần nhìn vào con số tuyệt đối về lương thưởng của các lãnh đạo, các cổ đông, nhà đầu tư có thể sẽ “giật mình”, nhưng nếu so sánh với hiệu quả hoạt động của DN, cũng như tăng trưởng doanh nghiệp và lợi nhuận hàng năm, thì mức lương thưởng đó không phải là bất hợp lý.
“Gái có công, chồng không phụ”
Tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG), năm 2016, HPG ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với hơn 6.600 tỷ đồng lãi sau thuế, gần gấp đôi con số của năm 2015.
Theo đó, HPG dự kiến chi trả thù lao HĐQT tối đa 1% lãi sau thuế, tương ứng 66 tỷ đồng (trung bình mỗi thành viên HĐQT nhận 7,3 tỷ đồng) và trích Quỹ khen thưởng Ban Điều hành tối đa 5% phần lãi sau thuế vượt kế hoạch, tương ứng 170 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ, nội dung trên đã được cổ đông thông qua với sự đồng thuận cao. Điều này cho thấy, cổ đông đã ghi nhận sự cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên nói chung, Ban lãnh đạo HPG nói riêng và mức thù lao, thưởng cả trăm tỷ đồng đó là xứng đáng.
Hay tại CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), năm 2016, mặc dù doanh thu có sự sụt giảm nhẹ so với năm 2015, nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng mạnh, đạt 277 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 6 năm qua. Với kết quả kinh doanh khả quan và hài hòa được lợi ích cổ đông (chia cổ tức 30%), ĐHCĐ thường niên 2017 của BFC đã diễn ra suôn sẻ.
Thậm chí, nhằm động viên lãnh đạo Công ty, cổ đông BFC đã thay đổi nội dung tờ trình thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát theo hướng nâng lên 8 triệu đồng/tháng cho Chủ tịch HĐQT (thay vì 5 triệu đồng/tháng như kế hoạch trước đó), 6 triệu đồng/tháng với các thành viên HĐQT và 4 triệu đồng/tháng cho các thành viên Ban Kiểm soát viên (thay vì các mức trước đó là 3,5 triệu đồng/người/tháng và 2 triệu đồng/người/tháng).
... nhưng phải hợp lý
Tại ĐHCĐ 2017 của Vietcombank (VCB), cổ đông đưa ra chất vấn, vì sao năm 2016, VCB trích lập hơn 1.400 tỷ đồng cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi, chiếm tới 50% lượng tiền chia cổ tức cho cổ đông?
Lãnh đạo VCB cho biết, đã trích 25% quỹ lương của Ngân hàng năm 2016 và theo quy định, lợi nhuận trước thuế vượt mức đã được cổ đông phê duyệt thì được trích lập thêm tối đa không quá 20% lợi nhuận vượt kế hoạch. Năm 2016, lợi nhuận thực hiện vượt 25% so với năm 2015 và vượt hơn 1.000 tỷ so với kế hoạch đề ra. Theo đó, VCB được trích thêm mức 20% của phần lợi nhuận vượt là 230 tỷ đồng.
Căng thẳng nhất có lẽ là tại ĐHCĐ của Eximbank (EIB) khi cổ đông bức xúc về việc EIB kinh doanh không có lãi và cổ đông không nhận được cổ tức vài năm nay. Đáng chú ý, cổ đông đã lên tiếng “đòi lại” mức thù lao chi vượt lên tới gần 52 tỷ đồng cho dàn lãnh đạo cũ (giai đoạn 2013-2015).
“Chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ mức thù lao chi vượt này trong thời gian sớm nhất”, lãnh đạo EIB khẳng định trước Đại hội.
Đối với CTCP Kinh doanh khí miền Nam (PGS), năm 2016 đạt lợi nhuận đột biến với 341 tỷ đồng, gấp 3 lần so với thực hiện năm 2015. Với kết quả này, HĐQT PGS có tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2016 với cổ tức 33%, thưởng Ban Điều hành 300 triệu đồng và trích lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi 25 tỷ đồng.
Năm 2017, với kế hoạch sụt giảm đến 70% so với thực hiện 2016, ở mức 100 tỷ đồng, do không còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác như trong năm 2016 (từ việc chuyển nhượng lại phần vốn tại CTCP CNG Việt Nam (CNG) cho Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP). Tuy nhiên, HĐQT vẫn trình cổ đông mức thưởng (theo con số tuyệt đối) như năm 2016.
Cổ đông PGS cho rằng, xét về giá trị trích lập thì năm 2017 không thay đổi so với năm 2016, nhưng về tỷ lệ, năm 2016 chỉ khoảng 7,3% lợi nhuận sau thuế, còn năm 2017 lại là 25%.
Theo đó, cổ đông đề nghị, HĐQT nên có sự phân bổ đều hơn vào các quỹ khác, như Quỹ đầu tư phát triển hay Quỹ dự phòng rủi ro, thay vì chỉ tập trung cho việc khen thưởng.
Đóng góp của cán bộ, nhân viên, ban lãnh đạo vào sự tồn tại và phát triển của một DN là điều đáng ghi nhận. Theo đó, việc trích lập Quỹ khen thưởng là cần thiết để khuyến khích, động viên cả tập thể. Tuy nhiên, mức trích lập cần được thực hiện một cách hợp lý, hài hòa với lợi ích cổ đông, tương xứng với sự tăng trưởng của DN mới được cổ đông ủng hộ.