Khóc cười mùa đại hội: Đại hội bất thành khi cổ đông lớn tranh giành quyền lực

(ĐTCK) Năm 2017, số lượng đại hội đồng cổ đông bất thành, hoặc phải tổ chức nhiều lần mới thành không còn nhiều như các năm trước. 
Đại hội đồng cổ đông của PNC chứng khiến cuộc chiến không khoan nhượng giữa cổ đông và Ban điều hành DN Đại hội đồng cổ đông của PNC chứng khiến cuộc chiến không khoan nhượng giữa cổ đông và Ban điều hành DN

Doanh nghiệp (DN) có “kỹ năng” cao hơn trong việc tập hợp cổ đông để đại hội có thể được tổ chức ngay từ lần triệu tập đầu tiên. Tuy vậy, tại một số DN có tình trạng tranh giành quyền lực khiến việc tổ chức đại hội trở nên vô cùng khó khăn.

Chuyện thuận buồm

Khác với trước, những năm gần đây, đa số DN niêm yết, đặc biệt là các DN có lượng cổ đông phân tán, Ban lãnh đạo DN thường có những cuộc tiếp xúc với nhóm cổ đông lớn trước thềm đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ).

Sở dĩ cuộc họp này là cần thiết vì Ban lãnh đạo muốn tạo không gian trao đổi, lắng nghe và thống nhất những nội dung sẽ đưa ra trước đại hội biểu quyết. Khi các cổ đông lớn đồng thuận, các nội dung đưa ra tại đại hội sẽ có cơ hội tán thành cao.

Tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), ý tưởng phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ, công nhân viên từng được đưa ra bàn thảo, với dự kiến sẽ đưa vào tờ trình Đại hội đồng cổ đông 2017 xem xét. ESOP là loại cổ phiếu dành để bán ưu đãi hoặc thưởng cho cán bộ, nhân viên và trong quá khứ, Nhựa Bình Minh đã từng thực hiện.

Tuy nhiên, HĐQT Công ty khi thăm dò cổ đông lớn, đã nhận được những phản hồi chưa đồng thuận, nên thay vào đó, Công ty có tờ trình thưởng cho người lao động bằng tiền mặt. Sự thay đổi khéo léo này khiến mọi tờ trình Đại hội của BMP đều được cổ đông thông qua một cách êm đềm.

Tại CTCP Licogi 16 (LCG), DN này cũng thường xuyên gặp gỡ các cổ đông lớn để lắng nghe và tìm cách đáp ứng các nhu cầu cũng như thực thi các gợi ý tốt cho Công ty. Với sự gắn kết và hỗ trợ từ cổ đông lớn, Ban lãnh đạo cho biết, Công ty đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động IR, trong mô hình quản lý.

Sự gắn kết này khiến ĐHCĐ của Công ty diễn ra suôn sẻ, Ban lãnh đạo đã cùng “ngồi lại” với cổ đông lớn để đạt sự thống nhất về nội dung trước khi trình ra “đại chúng”.

… và những nơi “lệch sóng”

Bên cạnh các đại hội êm xuôi, mùa họp cổ đông 2017 cũng ghi nhận nhiều cuộc chiến không khoan nhượng giữa cổ đông và Ban điều hành DN. Điển hình là tại CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC), không chỉ năm 2017 mà từ năm 2015, Đại hội lần 1 đã bất thành xuất phát từ mâu thuẫn giữa các thành viên HĐQT khi họ thuộc hai nhóm cổ đông lớn khác nhau.

ĐHCĐ PNC 2017 diễn ra trong không khí căng thẳng với những nội dung “tranh cãi” lặp lại năm cũ, cả cổ đông lớn và nhỏ đều bức xúc bày tỏ quan điểm mà không đạt được sự thống nhất.

Diễn biến căng thẳng cũng từng diễn ra tại ĐHCĐ của CTCP PGT Holdings (PGT). Năm 2016, Đại hội của PGT chứng kiến nhiều câu hỏi chất vấn của cổ đông về hoạt động kinh doanh khi hoạt động chính thì xao nhãng và định hướng hoạt động lại là… kinh doanh chứng khoán. Nhiều cổ đông chán ngán chia sẻ, đây là đại hội căng thẳng nhất mà họ từng tham dự.

Dự báo sẽ “nóng bỏng” không kém là ĐHCĐ tới đây của CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT), bởi cuộc đấu tố nội bộ gay gắt, công khai đã diễn ra liên tục nhiều năm nay.

Năm 2016, đại hội của DN này đã diễn ra kéo dài từ sáng đến chiều, trong đó, nhóm cổ đông lớn Việt Nam và Nhật Bản (đều nằm trong HĐQT và Ban điều hành STT) đưa ra yêu cầu bãi nhiệm lẫn nhau. Riêng khâu thủ tục tham dự Đại hội đến khâu biểu quyết thông qua đã mất gần hết buổi sáng.

Sự bất nhất giữa hai nhóm cổ đông đã khiến không khí cuộc họp trở nên căng thẳng, nhiều cổ đông đã lớn tiếng và thường xuyên ngắt lời Chủ tọa. Thậm chí, có cả những hành động, lời nói “không đẹp” cũng được bộc phát ngay tại đây.

Tại nhiều DN, tuy mọi tờ trình đều được thông qua do nhóm cổ đông lớn đủ quyết tất cả, nhưng trong lòng cổ đông đại chúng, không phải không “dậy sóng”. Phần nhiều trong số này là các DN chậm trả cổ tức, có DN lãi nhưng nhiều năm liền không trả cổ tức cho cổ đông đại chúng như CTCP VinaCafé Biên Hòa (VCF). Năm 2017 là năm thứ 3, VCF không chia cổ tức và kế hoạch năm 2017 cũng là “không”.

Tại công ty cổ phần, quyền lợi của mỗi cổ phần biểu quyết là như nhau. Chỉ cần nắm quyền biểu quyết trên 26% vốn, nhóm cổ đông có thể chi phối các vấn đề trọng yếu của đại hội.

Với việc mâu thuẫn, tố tụng nhau tại cuộc họp đại chúng có ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hình ảnh của các DN, ảnh hưởng đến nhiệt huyết của cán bộ, nhân viên và cả niềm tin của nhà đầu tư đại chúng. Xử lý sao cho ôn hòa là câu chuyện “trong nhà” giữa các nhóm cổ đông lớn, nhưng rất quan trọng nếu muốn vững giá trị của một doanh nghiệp đại chúng trên sàn.          

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ