Khoảng trống chính sách về trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia tài chính cho rằng, việc pháp luật chưa có quy định bắt buộc các chủ thể tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp công bố xung đột lợi ích tiềm ẩn là một khoảng trống chính sách đối với việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường giám sát, đảm bảo trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường giám sát, đảm bảo trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Có những công ty chứng khoán là thành viên của tập đoàn với hệ sinh thái tài chính - ngân hàng - bất động sản đang nỗ lực phát hành trái phiếu cho thành viên khác là công ty bất động sản, nhưng “lập lờ”, “mập mờ” trong vai trò là ngân hàng phát hành hay công ty chứng khoán phát hành trái phiếu. Ông có nhận định gì về việc này?

Thông tin trên đề cập đến hai vấn đề: công bố thông tin liên quan đến các chủ thể một cách minh bạch và công bố xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa các chủ thể này với người mua trái phiếu.

Đối với vấn đề thứ nhất, các chủ thể chính tham gia vào một thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bao gồm: doanh nghiệp phát hành, tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh, đại lý phát hành và đơn vị xếp hạng tín nhiệm (nếu có).

Ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia tài chính

Ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia tài chính

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, mỗi chủ thể này có vai trò và trách nhiệm khác nhau trong quy trình đánh giá năng lực tín dụng và chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu. Vị thế và danh tiếng của mỗi chủ thể là một trong những thông tin đầu vào quan trọng để nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, đánh giá mức độ hấp dẫn của trái phiếu. Ví dụ, trái phiếu được phát hành bởi một ngân hàng thường được xem là hấp dẫn hơn trái phiếu của một công ty bất động sản với các điều khoản tương đương.

Thông tư số 122/2020/TT-BTC và Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định hồ sơ chào bán phải nêu rõ tên, địa chỉ trụ sở chính và vai trò của từng chủ thể tham gia vào đợt chào bán trái phiếu. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc tiếp cận nhà đầu tư, đại lý phát hành thường xây dựng tài liệu “bán hàng” ngắn gọn so với hồ sơ chào bán trái phiếu. Nếu tài liệu bán hàng này, do vô tình hay cố ý, không phân biệt một cách minh bạch ngân hàng tham gia là đơn vị phát hành hay là đại lý phân phối thì có thể gây nhầm lẫn trong quá trình ra quyết định của nhà đầu tư. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu nhà đầu tư không phát hiện ra sự nhầm lẫn do “lười” đọc hồ sơ chào bán trái phiếu.

Đối với vấn đề thứ hai là công bố thông tin liên quan đến xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa chủ thể tham gia vào đợt chào bán trái phiếu và nhà đầu tư, cơ quan quản lý ở các thị trường phát triển coi việc công bố những thông tin liên quan đến xung đột lợi ích nói chung có tầm quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đã có rất nhiều tổ chức lớn bị phạt do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin này. Chẳng hạn, tháng 5/2020, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) phạt Morningstar Credit Ratings 3,5 triệu USD vì để chuyên viên xếp hạng tín nhiệm tham gia vào quá trình chào bán trái phiếu. Trước đó, tháng 12/2015, SEC phạt J.P. Morgan 267 triệu USD do vi phạm nghĩa vụ công bố xung đột lợi ích cho khách hàng.

Ở Việt Nam, nhiều tập đoàn đã và đang xây dựng các hệ sinh thái nhằm khai thác lợi ích cộng hưởng giữa các đơn vị thành viên, khi đó sẽ phát sinh những trường hợp gây xung đột lợi ích với nhà đầu tư. Ví dụ, một công ty chứng khoán tư vấn cho một doanh nghiệp liên quan phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, cả hai thông tư nêu trên đều chưa quy định bắt buộc các chủ thể tham gia chào bán trái phiếu công bố xung đột lợi ích tiềm ẩn. Có thể nói, đây là một khoảng trống chính sách đối với việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu cá nhân, có thể bị nhầm lẫn và dẫn đến việc bị thiệt hại khi đại lý phát hành không công bố thông tin liên quan đến trái phiếu một cách minh bạch. Nhà đầu tư làm thế nào để có thể giảm thiểu rủi ro?

Đại lý phát hành trái phiếu thường xây dựng tài liệu “bán hàng” ngắn gọn so với hồ sơ chào bán trái phiếu. Nếu tài liệu bán hàng này không phân biệt một cách minh bạch ngân hàng tham gia là đơn vị phát hành hay là đại lý phân phối thì có thể gây nhầm lẫn trong quá trình ra quyết định của nhà đầu tư.

Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu. Năng lực đánh giá chất lượng trái phiếu của nhiều nhà đầu tư cá nhân còn hạn chế. Những nhầm lẫn phát sinh từ việc tiếp cận thông tin không minh bạch có thể dẫn đến thiệt hại không đáng có. Do đó, nhà đầu tư không nên chỉ để ý đến mức lãi suất của trái phiếu, mà nên dành thời gian tìm hiểu hồ sơ chào bán trái phiếu về các yếu tố liên quan đến chất lượng trái phiếu và tham vấn ý kiến chuyên gia trong trường hợp cần thiết.

Ông có cho rằng, các công ty chứng khoán cần hoạt động minh bạch hơn?

Các công ty chứng khoán khác nhau có thể có lựa chọn về chiến lược thương hiệu, khách hàng và đối tác khác nhau. Tôi xin phép không mạn đàm về lựa chọn của họ. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, những công ty hướng đến sự minh bạch và vì lợi ích của khách hàng thường phát triển bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông, vai trò của cơ quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần có hành động gì?

Như tôi đã nói ở trên, Thông tư số 122/2020/TT-BTC và Thông tư số 96/2020/TT-BTC đã tạo hành lang pháp lý cho việc công bố thông tin qua hồ sơ chào bán trái phiếu. Vấn đề thiếu minh bạch có thể phát sinh ở khâu thừa hành của các đại lý phân phối trái phiếu. Cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường giám sát và thiết kế những chế tài ràng buộc trách nhiệm của các đại lý phân phối trong việc quản lý nhân viên thừa hành. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nên xem xét thiết kế các chuẩn mực và quy định về công bố xung đột lợi ích tiềm ẩn để có thể bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư một cách tốt hơn.

Trên thị trường hiện có những trái phiếu rủi ro cao như trong một cuộc trao đổi gần đây ông đề cập về trái phiếu “3 không”. Có vẻ như nhà đầu tư dễ dàng trở thành “con tin” của các trái phiếu rủi ro, ông có khuyến nghị gì?

Trái phiếu “3 không” là những trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán và không có xếp hạng tín nhiệm. Không phải tất cả trái phiếu “3 không” đang lưu hành đều có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá có trái phiếu “3 không” và một số trái phiếu có bảo lãnh thanh toán hay tài sản bảo đảm đang lưu hành có mức độ rủi ro cao. Trong môi trường lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp, nhà đầu tư có nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư có mức sinh lời hấp dẫn hơn, trong đó trái phiếu doanh nghiệp là một lựa chọn.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cá nhân mới chỉ quan tâm đến mức lãi suất, mà chưa chú ý đúng mức đến các yếu tố liên quan đến năng lực tín dụng của doanh nghiệp phát hành, hay cam kết mua lại của đại lý phân phối. Do đó, như tôi đã đề cập, nhà đầu tư nên dành thời gian tìm hiểu hồ sơ chào bán trái phiếu về các yếu tố liên quan đến chất lượng trái phiếu và tham vấn ý kiến chuyên gia trong trường hợp cần thiết. Cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường giám sát, đảm bảo trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục