Khó vì chậm và rối

(ĐTCK) Nếu đi sâu hơn vào từng tầng nấc thủ tục hành chính liên quan, có lẽ rất hiếm các nhà đầu tư nào đủ can đảm để đọc và hiểu hết.
Việc chậm trễ trong thủ tục chuẩn bị dự án ở Việt Nam không phải là điều quá ngạc nhiên. Việc chậm trễ trong thủ tục chuẩn bị dự án ở Việt Nam không phải là điều quá ngạc nhiên.

Ông Dean A. Cira, Điều phối viên Ban đô thị (Chương trình phát triển bền vững tại Việt Nam) nhắc tới khoảng thời gian trung bình lên tới 7-8 năm cho một dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng đô thị của Việt Nam để bàn về tính hấp dẫn của các dự án này. Trong số này, khoảng thời gian để chuẩn bị dự án, thực hiện các thủ tục hành chính để đưa dự án vào triển khai đã lên tới 2 năm.

"Nếu như so với tổng thời gian thực hiện dự án trung bình của các nước trong khu vực ASEAN là 4-5 năm, thì các nhà đầu tư có thể thấy trước rất rõ là hiệu quả của các dự án tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do thời gian chuẩn bị dự án kéo dài", ông Dean nói.

Thực ra việc chậm trễ trong thủ tục chuẩn bị dự án ở Việt Nam không phải là điều quá ngạc nhiên và quá mới để đưa ra những cảnh báo. Một khảo sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội mới đây cũng cho thấy, thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình đối với dự án nhóm A mất khoảng 42 tháng, nhóm B là 29 tháng và nhóm C là 23 tháng. Nếu cộng thêm thời gian thi công khoảng 5 - 7 năm, một dự án nhóm A có thể mất đứt hơn 10 năm mới hoàn thành.

Vấn đề ở chỗ, theo ông Dean, khi các dự án kết cấu hạ tầng đô thị đang được xây dựng theo hướng thu hút các nhà đầu tư nhân tham gia dưới các hình thức đầu tư: hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO); hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), thì sự chậm trễ sẽ là cản trở lớn.

"Các nhà đầu tư khi sử dụng vốn vay thương mại để thực hiện dự án thì bất cứ sự chậm trễ nào trong thực hiện dự án sẽ khiến lợi nhuận của nhà đầu tư giảm đi, rủi ro tăng. Nhất là đối với các dự án hạ tầng thường có khoản đầu tư lớn, khả năng hoàn vốn chậm. Các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng sẽ khó tìm được cơ hội để cung cấp vốn cho các dự án này khi hiệu quả không được kiểm soát chặt chẽ", ông Dean cho biết.

Có thể nói rằng, đây là một trong những lý do khiến sự quan tâm của giới đầu tư tư nhân tới các dự án hạ tầng đô thị chưa cao. Nếu đi sâu hơn vào từng tầng nấc thủ tục hành chính liên quan, có lẽ rất hiếm các nhà đầu tư nào đủ can đảm để đọc và hiểu hết, chứ chưa nói đến can đảm vượt qua.

6.500 là con số thủ tục hành chính chính thức đang được Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tiến hành thống kê. Tuy nhiên, trên thực tế rà soát trên 10.000 đơn vị cấp xã, 700 đơn vị cấp huyện, 1.300 đơn vị cấp sở thuộc 63 tỉnh, thành phố và trên 300 đơn vị cấp vụ, cục thuộc 21 bộ, ngành, ông Nguyễn Minh Mẫn, Tổ phó Tổ công tác cho biết, kèm theo mỗi thủ tục hành chính chính thức thường có 3-4 "phiên bản". Công việc của Tổ này có thể nói đã đầy lên rất nhiều và giai đoạn rà soát, phân loại các thủ tục hành chính theo các tiêu chí về tính hợp pháp, sự cần thiết, tính hợp lý dự kiến sẽ bắt đầu từ giữa năm nay tới giữa năm 2010 có lẽ cũng sẽ cần thêm nhiều nguồn lực để đảm bảo được hiệu quả cao nhất. Bởi một tính toán hiệu quả của việc cắt giảm thủ tục hành chính đã chứng minh rằng, khoảng 1,8 tỷ USD sẽ được tiết kiệm khi 40% thủ tục hành chính hiện hành được cắt bỏ.

Cũng cần thấy rằng, con số ước tính này có thể chưa chính xác, song chắc chắn đối tượng hưởng lợi từ những cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát lại hệ thống quy định liên quan sẽ không đơn giản chỉ là nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân...

Trong hội thảo về xúc tiến đầu tư và hạ tầng đô thị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hồi giữa tuần, ông Vũ Ngọc Kích, chuyên gia Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cũng đã phải xin lỗi các địa phương vì có những quy định mà một số địa phương thì làm được, nhưng nhiều địa phương không thể thực hiện nổi.

Ông Kích đã nhắc tới quy định về việc đền bù một khu đất dịch vụ hoặc một diện tích đất trong khu dân cư cho hộ nông dân bị thu trên 30% diện tích đất nông nghiệp vốn đang là một trong những nguyên nhân khiến nhiều địa phương không thể tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư theo cam kết. Lý do là tại nhiều địa phương như các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân không cao, nhiều gia đình chỉ có khoảng 200 m2 đất nông nghiệp, nhưng diện tích đất dành cho dịch vụ, khu dân cư lại hạn hẹp, giá trị cao. Quy định hoán đổi không thực tiễn này khiến nhiều địa phương không thể đảm bảo được quỹ đất để đền bù cho dân. Hệ lụy là nhiều dự án bị đình trệ lây do không tiến hành được giải toả mặt bằng...

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục