Khó khăn bủa vây ngành phụ trợ hàng không

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau ngành hàng không, ngành phụ trợ hàng không là nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. 
Khó khăn bủa vây ngành phụ trợ hàng không

“Ngấm đòn” trong 6 tháng đầu năm

Đặc thù hoạt động của ngành phụ trợ hàng không là phụ thuộc vào lưu lượng hành khách cũng như hàng hoá vận chuyển của ngành hàng không hàng năm.

Chính vì vậy, việc hạn chế các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng gián tiếp tới hiệu quả kinh doanh của các công ty trong ngành.

Trên sàn chứng khoán, hiện có 4 doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong ngành phụ trợ hàng không. Đó là, CTCP Dịch vụ hàng không Taseco (AST), CTCP Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (SCS), CTCP Dịch vụ hàng hoá Nội Bài (NCT) và CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS).

Khó khăn bủa vây ngành phụ trợ hàng không ảnh 1

Với AST, năm 2019, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 1.141 tỷ đồng; trong đó, mảng kinh doanh bách hoá lưu niệm đóng góp 537,3 tỷ đồng, chiếm 47,1%; kinh doanh hàng miễn thuế đóng góp 178,2 tỷ đồng, chiếm 15,6%; mảng nhà hàng - fastfood đóng góp 154,1 tỷ đồng, chiếm 13,5%; kinh doanh khách sạn đạt 129,1 tỷ đồng, chiếm 11,3%. Ngoài ra là dịch vụ quảng cáo, dịch vụ phí hàng không khác.

SCS ghi nhận doanh thu 748 tỷ đồng trong năm 2019. Doanh thu khai thác nhà ga chiếm tới 695,6 tỷ đồng, tương đương 93% tổng doanh thu của SCS trong năm qua. Còn lại là doanh thu cho thuê văn phòng, bãi đậu xe, sân bóng… và các dịch vụ liên quan.

Đây là doanh nghiệp sở hữu nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, có diện tích rộng 143.000 m2 (gồm khu vực sân đậu 52.421 m2; khu vực ga hàng hoá diện tích 26.670 m2; khu vực nhà kho, bãi đậu xe, đường giao thông và toà nhà văn phòng, công trình phụ với diện tích 64.000 m2).

Đứng sau SCS một chút về quy mô doanh thu là NCT. Năm 2019, Công ty có doanh thu 699,5 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu xử lý hàng hoá là 276,4 tỷ đồng, chiếm 39,5% tổng doanh thu; doanh thu phục vụ hàng hoá là 240,4 tỷ đồng, chiếm 34,4%; doanh thu dịch vụ khác là 106,8 tỷ đồng, chiếm 15,3% tổng doanh thu và doanh thu lưu kho là 75,8 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng doanh thu. NCT cho biết, hiện Công ty đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ hàng hoá và các dịch vụ khác có liên quan đến dịch vụ phục vụ hàng hoá bằng đường không, đường biển, đường bộ.

Đứng đầu về quy mô doanh thu trong nhóm là SAS. Năm 2019, Công ty có doanh thu 2.895,4 tỷ đồng. SAS hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ với hàng miễn thuế, hàng bách hoá, lưu niệm, mỹ nghệ; dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, dịch vụ cung ứng suất ăn hàng không…; dịch vụ vận chuyển hành khách, du lịch và hỗ trợ hành khách, khu nghỉ dưỡng…

Trong đó, doanh thu hàng hoá tại cửa hàng miễn thuế là 1.341 tỷ đồng, chiếm 46,3% tổng doanh thu; doanh thu các hoạt động khác là 682,3 tỷ đồng, chiếm 23,6% tổng doanh thu; doanh thu hoạt động phòng chờ là 508 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng doanh thu; và doanh thu hàng hoá tại trung tâm thương mại và các chi nhánh khác là 364,1 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng doanh thu.

Cả bốn doanh nghiệp trên đều có hoạt động chủ yếu dựa trên sự vận hành của sân bay cũng như dịch vụ phụ trợ. Đối với AST và SAS là trực tiếp kinh doanh, trong khi NCT và SCS là cung cấp dịch vụ phụ trợ vận tải.

6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của hai công ty trực tiếp kinh doanh hàng hoá như AST và SAS đã có sự sụt giảm khá mạnh.

Khó khăn bủa vây ngành phụ trợ hàng không ảnh 2

Tại AST, doanh thu 6 tháng là 242,3 tỷ đồng, giảm tới 55,5%; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, giảm tới 98,7% so với cùng kỳ. Sau 6 tháng, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 37,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020.

Tương tự, SAS ghi nhận doanh thu 583,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, giảm 59,3% so với cùng kỳ 2019.

Lợi nhuận sau thuế sụt giảm gần 80% so với cùng kỳ, với 52,3 tỷ đồng. Lường trước những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh Covid-19 gây ra, năm nay, SAS  đặt kế hoạch doanh thu 1.202,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 22,6 tỷ đồng, lần lượt tương đương 38,94% và 5,06% mức thực hiện năm 2019.

Hai doanh nghiệp thuộc nhóm cung cấp dịch vụ vận tải suy giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm. NCT ghi nhận doanh thu 301,7 tỷ đồng, giảm 8,9%; lợi nhuận sau thuế 99,4 tỷ đồng, giảm 13,6% so với cùng kỳ.

SCS báo cáo doanh thu 327,9 tỷ đồng trong 6 tháng, giảm 9,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 221,2 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Làn sóng lây nhiễm thứ 2 thách thức đà hồi phục của nhóm phụ trợ

Với việc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng - thành phố lớn thứ 3 của cả nước và xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố khác, quá trình mở cửa lại đường bay quốc tế cũng như bình thường hóa các tuyến bay nội địa sẽ kéo dài hơn dự tính ban đầu của cơ quan quản lý cũng như kỳ vọng của giới đầu tư.

Nếu như 6 tháng đầu năm, chủ yếu các tuyến bay quốc tế bị hạn chế thì tới giai đoạn cuối năm, khó khăn với ngành hàng không sẽ nhân đôi khi ngay cả tuyến bay nội địa cũng có dấu hiệu suy giảm do dịch.

Đặc biệt, nhu cầu đi du lịch nội địa sẽ suy giảm và thời điểm hồi phục là không chắc chắn. Đối với nhu cầu đi lại tham gia sự kiện, hội họp sẽ giảm đi đáng kể khi các doanh nghiệp, tổ chức bắt đầu sử dụng nhiều hơn họp online.

Điểm tích cực của 4 doanh nghiệp niêm yết này là nợ vay không đáng kể hoặc không vay nợ, trong khi dự trữ tiền mặt khá lớn.

Chẳng hạn, tại ngày 30/6/2020, SCS có 393,3 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, trong khi nợ vay bằng 0; hay SAS có 549,6 tỷ đồng nhưng nợ vay chỉ là 5,1 tỷ đồng. các doanh nghiệp đều sở hữu tỷ lệ tiền mặt cao, vay nợ thấp hoặc gần như không vay nợ.

Đây chính là lợi thế giúp nhóm doanh nghiệp này có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn, để có thể nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh khi dịch bệnh đi qua.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục