Giải cứu hãng hàng không quốc gia

Nếu Vietnam Airlines, với hơn 100 tàu bay hiện đại, phải dừng bay thì hệ lụy kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng là rất lớn.
Giải cứu hãng hàng không quốc gia

Thông điệp cần sớm nhận được sự hỗ trợ tài chính lớn của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhà nước hiện nắm hơn 86% vốn điều lệ, nếu không muốn Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) rơi vào cảnh cạn kiệt dòng tiền sau 2 - 3 tháng tới mà Vietnam Airlines vừa phát đi, đang thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận và giới đầu tư.

Việc Vietnam Airlines, với hơn 100 tàu bay hiện đại, hiện đứng trước nguy cơ dừng bay quả thật nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Nếu điều này xảy ra, thì hệ lụy kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng là rất lớn, bởi ngoài việc tham gia kết nối thông thương trong nước và quốc tế, Vietnam Airlines đã chứng tỏ được vai trò, sứ mệnh của hãng hàng không quốc gia, mà gần nhất chính là các chuyến bay xuyên lục địa đến các tâm dịch thế giới đưa công dân Việt Nam về nước.

Song, với khoản lỗ có thể lên trên 15.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020, vượt quá quy mô vốn điều lệ, nguy cơ Vietnam Airlines rơi vào tình cảnh phải ngừng bay như nhiều tên tuổi hàng không lớn trên thế giới, là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Trên thực tế, nếu không có nền tài chính tương đối ổn định, với khoản tiền mặt tích lũy hơn 200 triệu USD, Vietnam Airlines khó lòng tồn tại sau 9 tháng vật lộn với khó khăn do Covid 19 gây ra. Ngoài việc tích cực chủ động đàm phán với các nhà tài trợ vốn, cung cấp vật tư, cho thuê máy bay, Vietnam Airlines đã chấp nhận “cắt giảm chi phí đến tận xương” khi hầu hết cán bộ quản lý cấp ban đã tình nguyện không nhận lương; cán bộ cấp phòng chỉ nhận lương tối thiểu vùng.

Tình trạng khó khăn của Vietnam Airlines và rất có thể là của toàn bộ các hãng hàng không nội địa cũng là của ngành hàng không toàn cầu.

Cách đây hơn 1 tháng, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, ngành hàng không sẽ bị giảm doanh thu 314 tỷ USD. Tuy nhiên, đến ngày 9/6 vừa qua, con số này đã lên tới 419 tỷ USD và khoản lỗ sẽ vọt lên 84 tỷ USD. Ngay cả khi Covid -19 được khống chế vào quý III/2020, thì phải đến cuối năm 2022, ngành hàng không mới có thể về lại trạng thái như cuối tháng 12/2019.

Sẽ có rất nhiều người đặt câu hỏi, vì sao tại thị trường hàng không Việt Nam có khá nhiều hãng bay, nhưng Vietnam Airlines lại liên tục kêu khó, xin hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, với tình hình tài chính, khối lượng tài sản rất lớn đang nắm trong tay, đó hoàn toàn không phải là sự ỷ lại, mà là sự minh bạch, thái độ có trách nhiệm với các cổ đông đang đầu tư vào Vietnam Airlines. Với vai trò cổ đông chi phối, giả sử, Chính phủ chấp nhận đưa ra các gói hỗ trợ tài chính cho Vietnam Airlines, thì đó cũng là cách mà chủ sở hữu nhà nước bảo vệ khoản đầu tư của mình sau nhiều năm nhận cổ tức từ hãng hàng không quốc gia. Việc Vietnam Airlines nhận được sự hỗ trợ cũng sẽ mở đường cho các hãng hàng không khác nhận được sự hỗ trợ với quy mô, mức độ phù hợp để cùng vượt khó.

Trong bối cảnh hàng không thế giới phục hồi rất chậm, thì chính phủ nhiều nước, bằng cách này hay cách khác, đã rất nỗ lực hỗ trợ các hãng hàng không sau tác động của Covid-19.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành khá nhiều biện pháp hỗ trợ chung cho các hãng hàng không, như giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm giá dịch vụ cảng hàng không… Các hãng cũng đã và sẽ nhận được những hỗ trợ khác như doanh nghiệp trong nước được hưởng để vượt qua dịch bệnh. Mặc dù vậy, so với thế giới và khu vực, sự hỗ trợ từ Chính phủ đối với hàng không là chưa lớn, dù những khó khăn của các hãng bay Việt là tương đồng.

Covid -19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, giao thương toàn cầu. Tại thời điểm này, điều đầu tiên cần làm là nối lại giao thương để phục hồi tăng trưởng, cả trong và ngoài nước.

Hàng không - ngành chịu tác động đầu tiên và nặng nề trong số các nhóm, ngành dịch vụ đang cần chính sách ưu tiên để góp phần nối lại những “đứt gãy” sau đại dịch, thúc đẩy chuỗi cung ứng, giao thương, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Vấn đề đặt ra lúc này là ngoài quy mô hỗ trợ đủ lớn, để có thể thúc đẩy sự vươn lên của bản thân doanh nghiệp hàng không, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành kịp thời những chính sách làm sao vừa kích thích tăng trưởng, vừa giải quyết việc làm, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy kiệt, không còn khả năng tiếp nhận sự hỗ trợ.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục