Đẩy vốn tiêu dùng
Trong thông điệp điều hành ngành ngân hàng mới đây, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, tín dụng tiêu dùng dù còn nhiều khó khăn nhưng cần thúc đẩy, bởi chỉ có đẩy mạnh cho vay tiêu dùng mới kích thích nhu cầu mua sắm, từ đó đẩy mạnh được tín dụng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng chính thống sẽ đẩy lùi được vấn nạn “tín dụng đen”.
“Các ngân hàng và công ty tài chính cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song cần kiểm soát rủi ro nợ xấu”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Văn bản nêu rõ, để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nhiều giải pháp, như chủ động cân đối nguồn vốn, đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, nhất là nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Từ phía tổ chức tín dụng, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, Ngân hàng đã từng bước giảm lãi suất cho vay và đang chuẩn bị giảm thêm 0,3 - 0,5%/năm.
HDBank đang đẩy vốn vào lĩnh vực nhà ở xã hội, với kỳ vọng giải ngân khoảng 5.000 - 7.000 tỷ đồng trong năm nay. Bên cạnh đó, công ty tài chính trực thuộc là HD Saison cũng đang đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng tiêu dùng 10.000 tỷ đồng theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (trong dịp Tết vừa qua đã giải ngân được 6.800 tỷ đồng).
Tổng giám đốc Agribank, ông Phạm Toàn Vượng cho hay, hiện mặt bằng lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay, kể cả vay tiêu dùng. Agribank có gói tín dụng 60.000 đồng cho vay cá nhân, đồng thời đẩy mạnh cho vay với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, với mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường của Ngân hàng…
Trước bối cảnh tín dụng khó tăng, dù lãi suất cho vay giảm dần, kể cả với lãi vay mua nhà, tiêu dùng, các nhà băng không ngừng kích cầu vốn. Chẳng hạn, SHB có gói tín dụng cá nhân 18.000 tỷ đồng cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, mua nhà, mua xe ô tô… với lãi suất từ 6,79%/năm. Khách hàng sử dụng thêm các sản phẩm, dịch vụ khác của SHB được giảm lãi suất thêm tối đa 0,8%/năm.
Sacombank bổ sung thêm 10.000 tỷ đồng, nâng hạn mức gói tín dụng tiêu dùng lên thành 35.000 tỷ đồng, với lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng hoặc chỉ từ 7%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn. BVBank có gói tín dụng vay linh hoạt, lãi suất từ 6,5%/năm áp dụng trong 3 tháng đầu từ khi giải ngân cho khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà…
Một số ngân hàng thậm chí áp dụng lãi suất cho vay mua nhà chỉ 5,9%/năm.
Tín dụng khó tăng
Tại Vietcombank, tín dụng cá nhân giảm hơn 11.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm 2024.
Thế nhưng, trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, để kích cầu tín dụng tiêu dùng không dễ. Tăng trưởng tín dụng của các công ty tài chính, kể cả các ngân hàng giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Tại Agribank, ông Phạm Toàn Vượng cho biết, do đặc thù tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân, với dư nợ cho vay đối tượng này chiếm khoảng 70% tổng dư nợ, thường vào đầu năm, nhu cầu vốn của khách hàng giảm. Vì thế, dư nợ tín dụng của Ngân hàng chỉ tăng khoảng 1% trong tháng 1/2024.
Thông tin được ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, đến hết tháng 1/2024, dư nợ tín dụng của nhà băng này đạt 1,24 triệu đồng; trong đó, tín dụng bán buôn giảm khoảng 19.000 tỷ đồng và tín dụng bán lẻ giảm hơn 11.000 tỷ đồng. Nguyên nhân dư nợ tín dụng bán lẻ giảm là do tín dụng bất động sản tiêu dùng có xu hướng giảm từ nửa cuối năm 2023 đến tháng đầu năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, tăng trưởng dư nợ kinh doanh bất động sản trong năm qua cao hơn tín dụng bất động sản tiêu dùng. Kinh tế khó khăn, thu nhập ảnh hưởng, nhu cầu mua nhà cá nhân giảm.
Số liệu được cơ quan này đưa ra, tính đến cuối tháng III/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính là 134.000 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so với cuối năm 2022, trong khi nợ xấu tăng 10 - 15%.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân vay theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và hai công ty tài chính HD Saison và FECredit được triển khai từ đầu quý IV/2022, nhưng đến cuối năm 2023, mới giải ngân được khoảng 10.056 tỷ đồng, cho dù lãi suất của gói này khá ưu đãi.
Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho hay, hiện lãi suất cho vay đã giảm mạnh so với đầu năm 2023, kể cả với lãi suất cho vay tiêu dùng, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao, thậm chí sụt giảm. Dư nợ cho vay của 16 công ty tài chính giảm hơn 20% trong năm qua, kể cả FE Credit - công ty tài chính trực thuộc VPBank - cũng khó tránh tình trạng này.
Theo ông Vinh, mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng và công ty tài chính cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó, không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá, nhất là khi xu hướng nợ vay tiêu dùng gia tăng.
Để khơi thông dòng vốn tín dụng, Tổng giám đốc VPBank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn) thêm khoảng 1 năm so với quy định đến hạn vào tháng 6/2024.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định, hiện room tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay, kể cả cho vay tiêu dùng cá nhân. Đặc biệt, bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng hiện nay đòi hỏi ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng.