Tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%
Tại Hội thảo “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD và vấn đề thu hồi nợ hiện nay", do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng nay (ngày 16/11), ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống).
“Do đó, đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, tình hình kinh tế trong nước và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%), thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại sự kiện |
Các nguyên nhân khách quan phát sinh nợ xấu đã được ông Nguyễn Đình Đức, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân Hàng, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON (HD SAISON) chỉ ra.
Thứ nhất, khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng nói chung chủ yếu là khách hàng cá nhân Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, chưa đủ điều kiện tiếp cận được NHTM cấp tín dụng, trong đó phần lớn là công nhân và lao động tự do.
Trong thời gian vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm nhân sự khiến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, làm suy giảm khả năng thanh toán của nhóm khách hàng này.
Thứ hai, thời gian gần đây, tình trạng khách hàng “bùng nợ” tăng cao, bên cạnh lý do kinh tế suy thoái, bất ổn định còn có lý do chính yếu và không kém phần quan trọng là sự đánh đồng, hiểu sai của xã hội về mô hình hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống với “tín dụng đen”.
Cụ thể, sau khi phương tiện truyền thông đưa tin về việc cơ quan chức năng kiểm tra, phong tỏa trụ sở làm việc của các công ty tài chính tiêu dùng đã tạo nên sự hiểu nhầm các công ty tài chính này hoạt động phi pháp nên người vay không cần trả nợ.
Thứ ba, các hình thức tín dụng đen trực tuyến như các trang thông tin điện tử, ứng dụng di động giả mạo, trá hình trên thị trường đang phát triển với tốc độ chóng mặt đã gây ra sự hiểu lầm cho khách hàng. Khách hàng rất khó phân biệt được trang thông tin điện tử/ứng dụng di động giả mạo với trang thông tin điện tử/ứng dụng di động chính thống của công ty tài chính được NHNN cấp phép thành lập và hoạt động, từ đó nhiều khách hàng lo lắng và chưa sẵn sàng thanh toán nợ vay.
Thứ tư, khá nhiều người khi vay tiền có thái độ hạn chế về sự thành thật, không trung thực khai báo thông tin cá nhân và trách nhiệm trong việc hoàn trả khoản vay. Họ không hiểu rõ tầm quan trọng của việc thanh toán đúng hạn, đầy đủ và thậm chí có những suy nghĩ sai lệch và chủ đích gian lận khi làm hồ sơ vay.
Bên cạnh đó, tình trạng rủ nhau “bùng nợ tập thể” đã trở thành trào lưu rất tiêu cực tràn lan trên mạng xã hội, khiến nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn trong công tác thu hồi nợ.
Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững
TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp cho rằng, cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay đối với TCTD có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ.
Cụ thể, TS. Thanh nêu quan điểm, cần hoàn thiện các quy định hiện hành để cân bằng lợi ích, hạn chế tranh chấp. Ví dụ như, về giải thích điều khoản hợp đồng, cần quy định nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc giải thích các điều khoản hợp đồng cho bên vay (trước mắt cần sửa đổi khoản 4 Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN theo hướng bỏ cụm từ “khi có yêu cầu của khách hàng”, quy định nghĩa vụ giải thích hợp đồng của tổ chức tín dụng).
Về nghĩa vụ cung cấp thông tin, bổ sung quy định chi nhánh TCTD nước ngoài có trách nhiệm cung cấp dự thảo hợp đồng vay tiêu dùng để bên vay xem xét, quyết định trước khi ký, đồng thời giải thích chính xác, đầy đủ trung thực các nội dung cụ thể trong hợp đồng vay tiêu dùng (trước mắt là bổ sung quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN).
Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng văn bản luật về tín dụng tiêu dùng. Cụ thể là kế thừa, pháp điển hóa quy định phù hợp, có tác động tích cực của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN để đảm bảo cân bằng lợi ích, hạn chế tranh chấp (trong đó có việc bổ sung một số quy định giải thích điều khoản hợp đồng, về nghĩa vụ cung cấp thông tin của công ty tài chính như đã nêu ở trên).
Quy định TCTD được khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp; trách nhiệm các cơ quan trong việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác (đất đai, tài sản, thuế…).
Ngoài ra, cần hoàn thiện quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan. Theo đó, hoàn thiện quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng quy định rõ ràng hơn về thủ tục rút gọn; trách nhiệm thụ lý đơn khởi kiện; giới hạn việc yêu cầu bổ sung hồ sơ khởi kiện;
Sửa đổi Luật Phá sản năm 2014 theo hướng không tạm đình chỉ thi hành án trong trường hợp doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản có khoản vay nhưng được bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba;
Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự theo hướng rút ngắn thủ tục thi hành án, cải thiện quy định về xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án không có điều kiện thi hành; Xây dựng Luật Trọng tài thương mại (sửa đổi) theo hướng làm rõ và mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại; Nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Luật Hòa giải thương mại, theo đó mở rộng phạm vi tranh chấp mà tổ chức hòa giải thương mại được giải quyết.
Liên quan đến hoàn thiện quy định pháp luật doanh nghiệp, TS. Thanh cho rằng, cần có thái độ rõ ràng với việc đăng ký kinh doanh và xử lý đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính theo kiểu cho vay chuyên nghiệp không phù hợp với Luật Các TCTD.
“Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2015 không phải là giải pháp ưu việt bởi việc sửa đổi sẽ làm mất đi tính chất là luật chung, ổn định trong điều chỉnh các quan hệ dân sự của Bộ luật này. Bởi vậy, trước mắt, việc tiếp tục nghiên cứu luật đặc thù, hoàn thiện các quy định về biện pháp bảo đảm là phù hợp hơn”, TS. Thanh nhấn mạnh.