Kho bãi xây sẵn đắt hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, khiến nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi xây sẵn tăng cao.
Chất lượng chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn. Ảnh : Dũng Minh Chất lượng chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn. Ảnh : Dũng Minh

Bùng nổ nhu cầu kho bãi

Chỉ sau hơn một tháng công bố chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng bất động sản công nghiệp, đầu tháng 10/2020, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt bắt đầu triển khai dự án Khu dịch vụ kho bãi logistics tại cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư dự kiến 1.136 tỷ đồng.

Khu đất 24 ha của dự án đã được quy hoạch nhằm đầu tư xây dựng các kho bãi container cho thuê, thu gom tập kết hàng hóa và vận chuyển hàng hóa…, đồng thời cung cấp các dịch vụ hậu cần về cảng, dịch vụ logistics…

Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt, việc mở rộng kinh doanh sang mảng bất động sản công nghiệp nằm trong chiến lược dài hạn của Công ty, chứ không chỉ đơn thuần là đón đầu là sóng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

“Ngoài dự án Cảng Cái Mép, Phát Đạt đang nỗ lực gia tăng quỹ đất cho các dự án khu công nghiệp khác, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…, hướng đến cung cấp cho thị trường khoảng 300.000 m2 kho bãi, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử”, ông Đạt nói.

Nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi xây sẵn đang tăng nhanh. Ảnh: Lê Toàn

Nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi xây sẵn đang tăng nhanh. Ảnh: Lê Toàn

Trước đó, nhà khai thác kho vận lớn nhất châu Á là GLP cũng đã chính thức gia nhập thị trường logistics Việt Nam thông qua liên doanh trị giá 1,5 tỷ USD. Liên doanh này có kế hoạch phát triển tổng cộng 335.000 m2 đất tại các tỉnh giáp Hà Nội và TP.HCM để phát triển 3 dự án bất động sản công nghiệp, bao gồm 2 dự án ở phía Bắc là SLP Park Bắc Giang và SLP Park Bắc Ninh, 1 dự án ở phía Nam là SLP Park Long Hậu tại Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An.

Ngoài ra, tỉnh Long An còn đón thêm một tên tuổi nước ngoài khác là Cainiao Swan Holding (Hồng Kông, Trung Quốc) với dự án đầu tư xây dựng, phát triển, cho thuê nhà kho xây sẵn, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh quy mô 235.241 m2, dự kiến đi vào hoạt động từ quý IV/2021.

Trong báo cáo mới nhất về bất động sản hậu cần, JLL Việt Nam cho biết, lĩnh vực kho vận Việt Nam đã bùng nổ trong 12 tháng qua cho thấy các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến thị phần nhà kho và không ngừng thúc đẩy nguồn cung tăng cao kỷ lục, bất chấp tác động từ Covid-19.

Theo JLL Việt Nam, tính đến tháng 12/2020, tổng nguồn cung nhà kho tại Long An, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã vượt ngưỡng 3 triệu m2 mặt sàn. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu với gần 1,4 triệu m2, tiếp đến là TP.HCM và Đồng Nai lần lượt đưa ra thị trường 800.000 m2 và 600.000 m2. Long An có nguồn cung kho vận thấp nhất, nhưng cũng đưa ra hàng trăm nghìn mét vuông nhà kho phục vụ việc tập kết và trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây.

Chỉ ra nguyên nhân bất động sản kho vận bùng nổ, JLL cho biết, là do thương mại điện tử tại Việt Nam có sự bứt phá mạnh. Thực tế, so với các nhà bán lẻ truyền thống, các công ty thương mại điện tử thường sử dụng nhiều không gian hậu cần hơn do có phạm vi sản phẩm phong phú hơn, mức tồn kho nhiều hơn, yêu cầu về không gian vận chuyển ra nước ngoài lớn hơn và nhu cầu hậu cần cả hai chiều.

Ông C.K Tong, Tổng giám đốc BW Industrial cho biết, lĩnh vực kho vận Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Để đón đầu làn sóng này, BW Industrial hướng đến loại hình bất động sản công nghiệp xây sẵn là sản phẩm chiến lược, đáp ứng nhu cầu thuê kho bãi ngày càng đa dạng của khách hàng.

“Mô hình nhà kho xây sẵn có nhiều ưu điểm như diện tích thuê, điều khoản thanh toán linh hoạt, dễ quản lý dòng tiền, quy trình cấp phép và chứng chỉ xây dựng được đảm bảo, đội ngũ quản lý cơ sở vật chất chuyên nghiệp…, có thể phục vụ nhu cầu của cả 3 nhóm khách hàng chủ lực là nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà thương mại điện tử”, ông C.K Tong nhấn mạnh.

Kho lạnh sẽ là “ngôi sao”

Theo nhận định của giới chuyên gia, đầu tư vào kho lạnh đang được xem là xu hướng phát triển mới của ngành kho vận, khi mà mạng lưới buôn bán và phân phối thực phẩm tươi sống ngày một mở rộng trước nhu cầu lớn từ thị trường.

“Kho lạnh sẽ trở thành ‘ngôi sao’ trong lĩnh vực bất động sản logistics tương lai”, bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao về thị trường của JLL Việt Nam nói và cho biết, các nhà đầu tư đã quan tâm đến lĩnh vực lưu trữ lạnh từ lâu, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng đặt mua hàng hóa trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh, điều này đòi hỏi phải có nhiều kho lạnh ở gần khu vực khách hàng sinh sống hơn.

“Đã có sự gia tăng đột biến trong các yêu cầu hậu cần liên quan trực tiếp đến tác động của Covid-19, đặc biệt là cho nhu cầu mua hàng trực tuyến và hỗ trợ các dịch vụ y tế quan trọng”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.

Trong báo cáo mới nhất về ngành kho lạnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Cushman & Wakefield cũng đề cập đến nhu cầu lớn về kho lạnh do được thúc đẩy bởi doanh số bán thực phẩm ngày càng tăng và nhu cầu lớn về vắc-xin Covid-19.

Theo ông Paul Tonkes, Giám đốc Dịch vụ tư vấn kho vận và công nghiệp của Cushman & Wakefield Việt Nam, tại Việt Nam, cầu sẽ vượt cung do thị trường khan hiếm kho lạnh xây sẵn cho thuê, trong khi đầu tư kho lạnh mới cần quỹ đất lớn và thủ tục kéo dài.

Tiềm năng là vậy, song ông Paul Tonkes cũng cho biết, chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam còn kém phát triển cả về khâu vận chuyển và cơ sở vật chất kho bảo quản, gây ra sự hao hụt lớn sau thu hoạch thực phẩm. Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới cơ sở hạ tầng kho vận chuỗi cung ứng lạnh để cung cấp sản phẩm chất lượng, hạn chế hao hụt và đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Để tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics/công nghiệp tại Việt Nam, theo bà Trang Bùi, trước hết cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hệ thống đường cao tốc, mạng lưới tiện ích và hệ thống năng lượng tái tạo.

Về khả năng cạnh tranh thị phần trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp nói chung và logistics nói riêng, bà Trang Bùi nhìn nhận, mặc dù các doanh nghiệp trong nước hầu hết có quy mô nhỏ và có phần lép về trước các doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế về quy mô vốn, nhưng cơ hội vẫn rộng mở nhờ khả năng nắm bắt sự thay đổi của chính sách, các thói quen kinh doanh hay hạ tầng sẵn có trong nước… để nâng thị phần.

Tìm một hướng đi phù hợp, biết lượng sức mình và biết nương theo những xu hướng mới là cách để các doanh nghiệp bất động sản logistics Việt hướng đến những tham vọng lớn hơn trong lĩnh vực này.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục