Hưởng lợi từ mô hình “Trung Quốc + 1”
Nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và bất động sản bán lẻ chiếm đến 1/3 trong tổng số hơn 100 dự án đầu tư nước ngoài vào bất động sản được cấp phép mới trong 11 tháng năm 2020. Số liệu sơ bộ các dự án đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp (phần lớn là xây dựng nhà xưởng, kho bãi và mặt bằng phục vụ logistics) và bất động sản bán lẻ đạt trên 400 triệu USD vốn đăng ký mới, chưa kể 113,5 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm cho các dự án đang hoạt động tại Việt Nam.
Với khoản đầu tư gần 98 triệu USD cho dự án cho thuê văn phòng, nhà xưởng, nhà kho và dịch vụ kho bãi huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) trong tháng 10/2020, Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BW) - liên doanh giữa quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus (Mỹ) và Tập đoàn Becamex IDC - là một trong những nhà đầu tư “ngoại” rót vốn nhiều nhất vào thị trường bất động sản trong 11 tháng.
Dự án có quy mô 441.963 m2 tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng. BW đặt mục tiêu xây dựng 93.944 m2 văn phòng, nhà xưởng và nhà kho từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2023 trong giai đoạn I và dự kiến chính thức hoạt động giai đoạn I từ tháng 1/2024. Mục tiêu cho giai đoạn II và III là xây dựng 100.096 m2 và 94.666 m2 văn phòng, nhà xưởng, nhà kho từ tháng 4/2024 đến tháng 9/2027.
Trước đó, BW đã liên tiếp triển khai các dự án đầu tư mở rộng ra phía Bắc (Hà Nội và Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư trên 151 triệu USD, bằng 37% dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản công nghiệp và bán lẻ cấp phép mới.
Cũng trong 11 tháng, bất động sản công nghiệp đón thêm dự án của Cainiao Swan Holding (Hong Kong) đầu tư vào xây dựng, phát triển, cho thuê nhà kho xây dựng sẵn, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh (tỉnh Long An), với quy mô 235.241 m2, dự kiến đi vào hoạt động từ quý IV/2021.
Chuyển động đầu tư vào bất động sản công nghiệp trong 11 tháng qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không phải địa bàn công nghiệp trọng điểm. Ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam đánh giá, đây có thể xem như một sự diễn tiến tự nhiên khi các đơn vị đi thuê và nhà đầu tư sản xuất bắt đầu nhìn vào các tỉnh công nghiệp khác, thay vì chăm chăm vào Bắc Ninh hay Hưng Yên ở phía Bắc và Bình Dương, Đồng Nai ở phía Nam, khi các tỉnh này đang dần khan hiếm quỹ đất công nghiệp.
Một số nhà đầu tư đang xem xét các tỉnh thay thế như Tây Ninh và Vĩnh Long. “Các địa bàn này không những có nguồn quỹ đất lớn, mà giá thuê còn rất cạnh tranh và rẻ hơn rất nhiều so với TP.HCM, Bình Dương, Long An”, ông John Campbell lý giải.
Còn theo dự báo của ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, “mô hình sản xuất Trung Quốc + 1” có thể ngày càng được các nhà sản xuất theo đuổi, dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, khi các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là “đứa con cưng” của ngành bất động sản nói chung.
Sóng mới cho bất động sản bán lẻ
Bất động sản bán lẻ cũng dồn dập đón vốn của nhà đầu tư ngoại. Đáng chú ý, Công ty cổ phần Bất động sản Việt - Nhật (nhà đầu tư Thái Lan) đã liên tiếp rót vốn vào 5 dự án xây dựng trung tâm thương mại và siêu thị tại Bến Tre, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên và Khánh Hòa, với tổng vốn đầu tư gần 72,3 triệu USD.
Mới đây nhất, nhà đầu tư Thái Lan này rót 24,5 triệu USD vào Dự án xây dựng khu trung tâm thương mại và siêu thị với quy mô 20.857 m2 tại TP. Nha Trang. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của nhà đầu tư này trong 11 tháng qua tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, vừa qua, Công ty TSQ Việt Nam thuộc Tập đoàn TSQ Finance (Ba Lan) đã tăng vốn đầu tư 67,5 triệu USD cho Dự án Trung tâm tài chính - thương mại và các công trình phụ trợ tại Khu đô thị mới Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội).
Các chuyên gia cho rằng, động thái rót vốn mạnh vào lĩnh vực bất động sản bán lẻ giữa lúc thị trường mặt bằng bán lẻ chịu tác động đáng kể từ Covid-19 cho thấy, nhà đầu tư ngoại cảm nhận cơ hội lớn từ thị trường Việt Nam trong trung và dài hạn.
Theo CBRE Việt Nam, các công ty quốc tế đang muốn tận dụng mức độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Việt Nam để có thể thu mua toàn bộ các tài sản thương mại và phức hợp ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhằm thiết lập cơ sở kinh doanh trong nước và khu vực, đồng thời thực hiện các hoạt động thương mại, bán lẻ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/11/2020, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư đạt 26,43 tỷ USD, bằng 83,1% so với cùng kỳ năm 2019. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt dòng vốn ngoại vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,7 tỷ USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo sau là lĩnh vực sản xuất - phân phối điện và kinh doanh bất động sản, với vốn đầu tư lần lượt đạt trên 4,9 tỷ USD và gần 3,8 tỷ USD.