2 yếu tố tạo sức hút cho bất động sản công nghiệp Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Savills Việt Nam vừa phát hành báo cáo về làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, trong đó đơn vị này đã chỉ ra 2 yếu tố chủ đạo tạo sức hút cho phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Nhiều tập đoàn lớn chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển hàng hóa cho khu vực. Ảnh: Shutterstock. Nhiều tập đoàn lớn chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển hàng hóa cho khu vực. Ảnh: Shutterstock.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Bộ phận Đầu tư, Savills Hà Nội đánh giá, thuận lợi không chỉ đến từ các hiệp định thương mại với cam kết thuế quan mà còn chi phí lao động, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển đứng thứ 2 trong khu vực chỉ sau Indonesia, Việt Nam đang hưởng lợi để phát triển bất động sản công nghiệp về lâu dài.

Theo đánh giá của Savills, đang có 2 yếu tố chính nâng tầm cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam là một trong những nước có chính sách thuế cạnh tranh nhất châu Á. Các công ty có thể hưởng lợi từ các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định; và miễn tiền thuê đất. Các ưu đãi đáng chú ý bao gồm miễn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm đầu tiên và giảm 50% trong bốn năm tiếp theo.

Hơn nữa, các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho các ngành công nghiệp được Chính phủ ưu tiên, như công nghiệp 4.0 hoặc các ngành hỗ trợ sản xuất công nghệ cao; các vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn; các dự án quy mô lớn đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của Chính phủ về tổng vốn đầu tư, doanh thu và số lượng lao động.

Các dự án đáp ứng một trong các điều kiện nêu trên có thể được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm; và giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, theo “Khảo sát chi phí xây dựng năm 2019” của Turner & Townsend, Việt Nam cũng là một trong những thị trường có chi phí xây dựng công nghiệp cạnh tranh nhất. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chi phí xây dựng trung bình các nhà xưởng và nhà kho cơ bản là 352 USD/m2; các nhà máy và trung tâm phân phối lớn là 412 USD/m2, các nhà máy công nghệ cao là 618 USD/m2.

Yếu tố thứ hai mà Savills chỉ ra là việc các công ty đa quốc gia sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như đồ điện tử, với áp lực trong việc cắt giảm chi phí, sẽ có xu hướng dịch sản xuất sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng địa phương.

Lạm phát tiền lương có xu hướng tăng sau khi khủng hoảng toàn cầu giảm bớt. Chi phí lao động ở Trung Quốc đã cao gấp ba lần so với Việt Nam, việc này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất đa quốc gia xem xét chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á, nơi có chi phí lao động thấp hơn.

Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, một số nhà sản xuất đa quốc gia đã thông báo kế hoạch mở rộng, di chuyển sản xuất đến Việt Nam, điển hình như các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan (Trung Quốc); Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; và Lenovo từ Hong Kong (Trung Quốc).

Theo Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), thời gian qua, đã có 15 doanh nghiệp Nhật Bản di dời hoặc mở rộng đầu tư sang Việt Nam.

Các nhà sản xuất Nhật Bản di dời hoặc mở rộng sang Việt Nam 2020.

Các nhà sản xuất Nhật Bản di dời hoặc mở rộng sang Việt Nam 2020.

15 doanh nghiệp này bao gồm 9 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 6 doanh nghiệp lớn, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, chất bán dẫn, điện thoại di động và linh kiện; và máy điều hòa không khí. JETRO khẳng định, sự dịch chuyển này được khuyến khích để cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng, lấp đầy khoảng trống do ảnh hưởng của đại dịch, đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế và công nghiệp với các nước ASEAN.

Tại Việt Nam, dù mức lương nhân công ngành sản xuất tăng từ 237 USD/tháng trong năm 2018 lên 252 USD/tháng thì đây vẫn là một con số tương đối thấp so với các nước trong khu vực, so với Trung Quốc là 968 USD/tháng, Malaysia là 766 USD/tháng. Trong khi chi phí nhân công không thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp bền vững, nhưng nó vẫn là yếu tố quan trọng đối với các ngành có giá trị thấp như dệt may và đồ nội thất.

“Do Việt Nam đang chuyển trọng tâm sang thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn như công nghệ cao hoặc hỗ trợ sản xuất công nghệ cao, các công ty này có thể buộc phải chuyển ra các địa điểm khác ở Đông Nam Á. Khi quá trình chuyển đổi sang các ngành có giá trị cao hơn tiếp tục, trọng tâm sẽ chuyển dịch từ nguồn cung lực lượng lao động sang chất lượng lao động”, báo cáo của Savills nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục