Khi sức mạnh bị đe dọa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung gian thanh toán luôn là một trong ba chức năng quan trọng nhất và được mặc định như một cái gì đó rất riêng, bất khả xâm phạm của các ngân hàng thương mại. Điều này có thể sẽ không còn tồn tại…
Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu - Phát triển Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu - Phát triển Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)

Thay đổi hay là chết…

Hơn hai mươi năm qua, cuộc cách mạng số đã xóa sổ nhiều thương hiệu lớn, chẳng hạn iTunes tấn công và phá hủy hoàn toàn ngành băng nhạc truyền thống, hay Netflix đã làm với ngành công nghiệp DVD, Uber và Grab đang đe dọa đến sự sống còn của ngành taxi truyền thống… Đồng thời, cuộc cách mạng này cũng đã tạo lên những doanh nghiệp kỳ lân thế giới như Facebook, Google trong lĩnh vực thông tin, dữ liệu hay Ant Financial trong lĩnh vực tài chính.

Ngành ngân hàng và hệ sinh thái thanh toán không thể tránh khỏi cuộc tấn công đó và mảnh đất màu mỡ ấy ngày càng bị tấn công, xâm lấn nghiêm trọng.

Thách thức rất lớn từ Big Tech

Không chỉ ngân hàng, mà cả những tổ chức trung gian thanh toán như VISA, Mastercard… cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ các đối thủ ngoài ngành.

Trong bối cảnh khách hàng đỏi hỏi mức độ thuận tiện và trải nghiệm dịch vụ ngày một cao, các công ty Fintech và nguy hiểm hơn nữa là các Big Tech, với lợi thế về công nghệ và dữ liệu, đang xây dựng những mô hình kinh doanh mới và vẽ lại những tiêu chuẩn dịch vụ trong ngành ngân hàng nói chung và thanh toán nói riêng. Nếu không thay đổi để duy trì lợi thế cạnh tranh, các ngân hàng truyền thống sẽ để mất mảnh mất màu mỡ nhất là phí thanh toán và các dịch vụ liên quan vào tay các đối thủ ngoài ngành.

Theo nghiên cứu của McKinsey, phí thanh toán và các dịch vụ liên quan chiếm khoảng 50% lợi nhuận của mảng ngân hàng bán lẻ.

Vậy ngân hàng cần làm gì?

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không hợp tác với Fintech, các ngân hàng có thể bị bỏ lại trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng có những lợi thế cạnh tranh rất riêng của mình.

Nhiều ngân hàng đã tiên phong đi đầu và coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, thông qua hành động thành lập khối ngân hàng số...
Nhiều ngân hàng đã tiên phong đi đầu và coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, thông qua hành động thành lập khối ngân hàng số...

Những lợi thế có thể kể đến như số lượng khách hàng truyền thống, thương hiệu, uy tín, dữ liệu khách hàng và quan trọng hơn là các hệ thống như quy trình thẩm định, quản trị rủi ro và an ninh thông tin vững chắc... Đây là cơ sở để khẳng định rằng, không nhất thiết cứ phải hợp tác với Fintech mới thành công, mà ngược lại, các ngân hàng hoàn toàn có đủ điều kiện để chiến thắng trong cuộc chiến này nếu biết phát huy lợi thế, nắm bắt cơ hội và hấp thụ được những tinh túy từ Fintech và Big Tech.

Để đạt được điều đó, các ngân hàng cần phải nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới, học hỏi những tinh hoa từ Fintech, Big Tech và thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh, phương pháp bán hàng và ra quyết định cho vay…, bên cạnh việc phát huy những lợi thế vốn có như phân tích ở trên.

Cơ hội và ba câu hỏi

Bên cạnh những tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới, dịch Covid-19 đã mang đến những cơ hội vô cùng lớn cho các doanh nghiệp nếu chúng ta nhìn từ góc độ tích cực. Thể hiện rõ nhất là sức ép cho bất kỳ doanh nghiệp nào phải tự thay đổi để thỏa mãn những đòi hỏi mới và yêu cầu của khách hàng cùng xu hướng xã hội.

Với 96,5 triệu dân, trong đó người trưởng thành chiếm khoảng 70%; 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh; 130 triệu thuê bao di động; 64 triệu người dùng internet (chiếm 67% dân số)…, Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng, cơ hội cho phát triển dịch vụ thanh toán và ngân hàng số.

Các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội vô cùng to lớn này nếu tích cực học hỏi từ những tổ chức thành công trên thế giới hoạt động trong môi trường kinh doanh số như Ant Financial, OakNorth, Kakaobank, Lenddo… và trả lời ba câu hỏi sau:

Chúng ta cần làm gì để tận dụng và phát huy những tài sản và lợi thế độc nhất của mình?

Chúng ta vận dụng dữ liệu lớn và công nghệ vào hoạt động kinh doanh như thế nào?

Làm thế nào để duy trì được vị trí Top đầu trong tiềm thức của khách hàng?

Đã đạt được những thành công ban đầu

Rõ ràng trong vài năm qua, các cơ quan quản lý, cơ quan cung cấp dịch vụ công và các ngân hàng Việt Nam đã rất tích cực chuyển đổi, thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với xu hướng số hóa như áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng; nhiều tổ chức áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn; bước đầu ứng dụng công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan khu vực ASEAN…

Có lẽ cần khẳng định lại một lần nữa rằng, chuyển đổi số là mệnh lệnh, là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay và trước hết cần phải chuyển đổi ngay trong công tác hành chính của các ngành, các cấp...

Nhiều ngân hàng đã tiên phong đi đầu và coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, thông qua hành động thành lập khối ngân hàng số, đẩy mạnh thanh toán qua ứng dụng (app) và đưa nhiều sản phẩm dịch vụ lên app ngân hàng... Có thể kể đến những ngân hàng hàng đầu như Vietcombank, MB hay Techcombank. Ngành tài chính đã bước đầu tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên trong môi trường kinh doanh số.

Định danh và E-KYC

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thanh toán số, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia và kiện toàn giải pháp định danh điện tử (e-KYC).

Theo nghiên cứu của McKinsey, việc cho phép áp dụng e-KYC tại các ngân hàng có thể giúp giảm 90% chi phí đăng ký khách hàng, đồng thời định danh điện tử được đánh giá là an toàn hơn và đem lại nhiều lợi ích hơn so với xác thực gặp mặt trực tiếp, hạn chế các rủi ro liên quan đến gian lận của khách hàng mà giao dịch viên khó phát hiện được như làm giả chứng từ, chữ ký…

Bên cạnh đó, e-KYC sẽ góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân. Khi e-KYC được áp dụng thì những trở ngại, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn cũng sẽ được thu hẹp. Với thực tế dịch bệnh đang xảy ra với tần suất ngắn hơn, việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp còn giúp người dân có thể sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Bảo vệ dữ liệu khách hàng

Song song với đó, cần xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, và hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin.

Báo cáo của Google và Temasek Holdings cho thấy, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bứt phá đứng thứ hai trong khu vực (sau Indonesia) và dự báo đạt quy mô 12 tỷ USD vào năm 2020 và cán mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.

Với tiềm năng lớn như vậy, việc khai thác và bảo vệ dữ liệu người dùng, thông tin cá nhân khách hàng là đặc biệt quan trọng và cần đặt lên hàng đầu. Các cơ quan quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý hướng dẫn chi tiết về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin, dữ liệu khách hàng, phòng ngừa rủi ro an ninh mạng.

Ứng dụng các giải pháp số vào cung cấp dịch vụ công

Thêm nữa, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường và đẩy nhanh tiến độ triển khai cung cấp các dịch vụ công dựa trên các nền tảng ứng dụng và có thể kết hợp với ngân hàng. Giải pháp đó một mặt sẽ giúp đạt được sự lan tỏa dịch vụ tài chính - ngân hàng tới người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đối số, mặt khác sẽ giúp minh bạch các giao dịch và tiết kiệm được nhiều nguồn lực cho xã hội.

Hay trong lĩnh vực nhân đạo và an sinh xã hội, giả sử có một cú sốc bất ngờ nào đó như Covid-19 trong tương lai, các khoản tiền hỗ trợ cho cá nhân hay doanh nghiệp sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của người thụ hưởng để tiết kiệm các nguồn lực xã hội.

Trên thực tế, Chính phủ và doanh nghiệp cũng đã bước đầu vào cuộc, chẳng hạn MB cùng Hội Chữ thập đỏ, Bưu điện Việt nam và được sự hỗ trợ của dự án iTrithuc Việt số hóa do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì đã phát triển nền tảng I-nhandao (inhandao.vn) giúp kết nối trực tiếp những nhà hảo tâm với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Thay lời kết

Có lẽ cần khẳng định lại một lần nữa rằng, chuyển đổi số là mệnh lệnh, là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay và trước hết cần phải chuyển đổi ngay trong công tác hành chính của các ngành, các cấp như ứng dụng công nghệ số trong việc trả lời, giải đáp các thủ tục hành chính tự động, hay cung cấp các dịch vụ công cho người dân như đăng ký lịch khám chữa bệnh, lịch làm việc với các cơ quan chính quyền địa phương...

Khối doanh nghiệp, ngân hàng cũng cần hành động nhanh chóng, học hỏi những tinh túy từ các Fintech, Big Tech, đồng thời phát huy lợi thế vốn có của mình để nắm bắt những cơ hội mới và thích ứng với xu thế xã hội đang thay đổi rất nhanh chóng.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của tổ chức mà người viết đang công tác.

Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu - Phát triển Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ,

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục