Bối cảnh mới
Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi hành vi của toàn xã hội và gây ra cú sốc lớn với nền kinh tế toàn cầu. Tính trung bình theo dự báo của 9 tổ chức lớn như Moody’s, UBS, Citibank, HSBC, Goldman Sachs…, GDP toàn cầu năm 2020 có thể tăng trưởng -1,3%, GDP của Mỹ và châu Âu dự báo tăng trưởng -3,9% và -4,1%, tất cả các nền kinh tế khác đều suy giảm nghiêm trọng (Hình 1).
Riêng quý II/2020, mức suy giảm GDP thực của Mỹ được dự báo lớn gấp 9 lần so với cuộc khủng khoảng 2009 và gấp 3 lần cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ vào năm 1958. Đây là thách thức rất lớn cho giới chính sách, doanh nghiệp và ngân hàng, nhưng cũng là cơ hội cho các tổ chức nhìn lại mình, nhìn lại hành vi của xã hội để thiết kế cho mình những hướng đi mới tạo đột phá và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Bốn yếu tố quyết định mô hình kinh doanh
Trước hết, cần thống nhất rằng hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng như bất kỳ một tổ chức kinh tế nào đều không thể không bị chi phối và ảnh hưởng bởi bốn nhân tố quan trọng. Đó là môi trường chính sách - pháp lý, môi trường cạnh tranh, xu hướng công nghệ và xu hướng khách hàng.
Báo giới và các nhà phân tích đã bàn quá nhiều về một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự xuất hiện của các đối thủ ngoại và các doanh nghiệp ngoài ngành là các công ty Fintech trong một môi trường chính sách chặt chẽ, minh bạch với chuẩn mực cao hơn. Do vậy, trong bối cảnh mới: xu hướng công nghệ 4.0 diễn ra nhanh chóng và hành vi khách hàng đang thay đổi mạnh mẽ trước thực tế các dịch bệnh xuất hiện với tần suất nhiều hơn, bài viết này chỉ xin bàn đến 2 khía cạnh. Trước hết là xu hướng khách hàng, vì mục tiêu quan trọng của kinh doanh là nắm bắt và phục vụ nhu cầu của khách hàng ngày một tốt hơn. Thứ hai là xem hichúng ta có thể học được gì từ các mô hình kinh doanh thành công nhằm xây dựng, điều chỉnh chiến lược, đưa ra những kịch bản phục hồi sau khủng hoảng.
Cơ hội kinh doanh số càng trở nên rõ nét hơn
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi hành vi của khách hàng, của xã hội rất nhanh chóng. Mới vài tháng trước, khái niệm work from home (làm việc ở nhà) và online meeting (họp trực tuyến) vẫn còn khá xa với hầu hết nhân viên ngân hàng và giới công sở nói chung, nhưng nay đã trở lên quá quen thuộc. Cùng với đó là sự bùng nổ của giải pháp học trực tuyến, giao dịch, mua sắm online và dịch vụ giao hàng…
Những thay đổi hành vi xã hội, hành vi người tiêu dùng nêu trên đang mang đến những cơ hội vô cùng to lớn cho những tổ chức tiên phong, dám thay đổi, nắm bắt xu thế để đáp ứng nhu cầu ngày bức thiết của khách hàng.
Bài học từ các mô hình kinh doanh mới
Cơ hội thì đã rõ, giờ hãy xem chúng ta có thể học được gì từ các mô hình kinh doanh cũ và mới.
Có lẽ bài học đầu tiên chúng ta học được là bài học thất bại từ sự bảo thủ, không chịu đổi mới, nắm bắt xu thế nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đã dẫn đến sự suy tàn của những thương hiệu vang bóng một thời như Nokia hay Kodak… Cũng trong thời gian này, chúng ta được chứng kiến sự phát triển vũ bão của những đế chế mới như Facebook, Uber, Amazon hay Ant Financial trong ngành tài chính. Vậy mấu chốt thành công của họ là gì?
Nền tảng ứng dụng
Mấu chốt thành công đầu tiên của các đế chế này mà không ai có thể phủ nhận là nền tảng ứng dụng. Ai cũng hiểu rõ Facebook là một hãng truyền thông lớn nhất thế giới mà không có đội ngũ sản xuất nội dung, hay Uber là hãng vận tải lớn trên thế giới mà không sở hữu xe taxi nào... Họ không có gì ngoài nền tảng hệ thống kết nối.
Hay Ant Financial trong ngành tài chính cũng vậy. Được thành lập vào năm 2004 tại Hàng Châu, Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, đến cuối năm 2019, Ant Financial đã trở thành tập đoàn tài chính hoạt động trong 4 lĩnh vực thanh toán, quản lý tài sản, dịch vụ ngân hàng và chấm điểm tín nhiệm với mức vốn hóa nằm trong Top 10 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới khi gọi vốn năm 2018, sánh vai với những tập đoàn tài chính toàn cầu có lịch sử hàng trăm năm tuổi như HSBC, Citibank hay JP Morgan…
Khai thác dữ liệu lớn
Tính đến cuối 2019, riêng tại thị trường Trung Quốc, Ant Financial chiếm 54% thị trường thanh toán di động trị giá 5.500 tỷ USD, cung cấp khoảng 300 tỷ USD dư nợ cho 16 triệu khách hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với giá trị khoản vay trung bình chỉ khoảng 1.500 USD và mức nợ xấu (NPL) luôn <1%, trong khi tỷ lệ này ở thị trường Trung Quốc khoảng 2,75%.
Đạt được thành công này là nhờ khả năng đánh giá tình hình tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên dữ liệu lớn đã thu thập được trước đó của Alipay và Alibaba. Cũng nhờ phân tích dữ liệu lớn mà Ant Financial có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng thông qua cổng điện tử và ứng dụng điện thoại di động với mô hình “3-1-0”, tức là khách hàng có thể tạo đơn yêu cầu vay trong 3 phút, có kết quả phê duyệt trong 1 giây và không có sự can thiệp nào của con người.
Trung gian - Kết nối
Trong lĩnh vực quản lý tài sản, Ant Financial cung cấp các dịch vụ đầu tư trên nền tảng di động cho khách hàng để mua sản phẩm trên thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, sản phẩm của các quỹ đầu tư, hay thực hiện các khoản tiết kiệm trực tuyến. Chính nhờ khả năng đóng vai trò trung gian, kết nối mà Ant Financial có thể cung cấp hơn 5.000 sản phẩm tài chính từ hơn 80 tổ chức tài chính uy tín, không chỉ tại thị trường Trung Quốc đại lục, mà còn ở các thị trường khác như Hồng Kông, Mỹ… cho khách hàng.
Ứng dụng công nghệ mới
Một mấu chốt thành công khác của Ant Financial là ứng dụng công nghệ (AI - trí tuệ nhân tạo) khai thác dữ liệu lớn để cung cấp nhiều loại dịch vụ cho doanh nghiệp và cá nhân trong các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, quản lý tài sản, bảo hiểm, xếp hạng tín nhiệm. Cũng chính nhờ ứng dụng công nghệ tối đa mà Ant Financial có thể phục vụ một số lượng khách hàng gấp 10 lần các ngân hàng lớn nhất của Mỹ chỉ với số nhân viên bằng một phần mười.
Không giống như các ngân hàng, các quỹ đầu tư, hay các công ty bảo hiểm truyền thống, Ant Financial được xây dựng trên nền tảng số, không có nhân viên tham gia vào các hoạt động vận hành, không có cán bộ phê duyệt tín dụng, hay tư vấn tài chính. Các chức năng đó được vận hành dưới sự điều khiển của ứng dụng AI, mang đến cho Ant Finacial một lợi thế cạnh tranh vô song trong tất cả các lĩnh vực Tập đoàn tham gia mà không đối thủ nào có thể sánh kịp.
Nhiều ngân hàng lớn đã bắt nhịp
Ngoài việc số hóa các hoạt động kinh doanh truyền thống, nhiều ngân hàng Việt cũng đã nhanh chóng chuẩn bị cho mình những nền tảng kết nối quan trọng. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), hay Techcombank... với ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh, khách hàng không chỉ sử dụng được những chức năng truyền thống như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn…, mà còn có thể trải nghiệm các dịch vụ như tặng quà, lì xì, tiết kiệm, vay tiêu dùng, rút tiền từ cây ATM mà không cần thẻ nhựa, hay mua trái phiếu, bảo hiểm, chứng khoán và nhiều sản phẩm đầu tư khác…
Hơn thế nữa, các ngân hàng Việt đã xây dựng được mô hình dịch vụ tài chính ngân hàng và tương tác cho gia đình Việt trên ứng dụng mobile apps của ngân hàng, đồng thời đưa mô hình kết nối đa nhu cầu và mô hình chăm sóc khách hàng toàn diện trong một một hệ sinh thái số.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của tổ chức mà người viết đang công tác.