Khi nào nhà sáng lập nên từ bỏ start-up của mình?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người thành công vì đã cố gắng hết sức cho start-up của mình, nhưng cũng không ít người thành công vì biết dừng lại đúng lúc.
Khi nào nhà sáng lập nên từ bỏ start-up của mình?

CB Insights, công ty chuyên xây dựng phần mềm dự đoán xu hướng công nghệ mới cho biết, tỷ lệ start-up thất bại trên thế giới nói chung là 75 - 90%. Điều đó đồng nghĩa với việc không phải lúc nào, sự cố gắng hết sức cũng đi kèm với thành quả xứng đáng. Chính vậy, việc nhận ra thời điểm thích hợp để từ bỏ doanh nghiệp của mình cũng là điều rất quan trọng.

J.D. Roth, nhà sáng lập của website tài chính cá nhân getrichslowly.org chia sẻ, sau khi điều hành dự án kinh doanh của mình được vài năm, ông quyết định bán lại vào năm 2009 để lấy một khoản tiền.

“Điều này đồng nghĩa với việc tôi chấp nhận từ bỏ giấc mộng kinh doanh của mình. Quyết định đó đúng hay sai?”, J.D. Roth đặt câu hỏi. “Chúng ta thường được dạy rằng, người thành công thì không từ bỏ và người từ bỏ thì không bao giờ thành công. Nhưng thực tế cuộc sống thường không đơn giản như những bài học trên sách vở”.

Với bất kỳ nhà sáng lập nào, đóng cửa start-up luôn là quyết định vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dưới đây, nhà sáng lập nên cân nhắc việc đóng cửa start-up của mình.

Thứ nhất, không còn đủ tiền để tiếp tục. Nếu start-up không thể gọi thêm được vòng vốn mới hoặc lợi nhuận tạo ra từ sản phẩm không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động, thì nhà sáng lập nên nghĩ đến chuyện từ bỏ. Việc thiếu tiền cũng là một dấu hiệu cho thấy, có thể sản phẩm của start-up chưa phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc dù đã phù hợp, nhưng không đủ sức cạnh tranh với các đổi thủ trong ngành.

Thứ hai, không còn động lực để tiếp tục. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm bản thân nhà sáng lập đã nghĩ đến câu chuyện từ bỏ hay tiếp tục duy trì, đó thực sự là lúc họ nên rời đi. Nếu vẫn còn nghi ngờ, nhà sáng lập có thể tự hỏi mình xem có còn nhiệt huyết thôi thúc rời nhà để đến nơi làm việc vào mỗi buổi sáng. Hoặc đơn giản hơn, nếu được biết trước những gì đang xảy ra vào thời điểm hiện tại, họ có bắt đầu việc kinh doanh này không? Khi họ không còn đủ nhiệt huyết, thì start-up rất khó tồn tại.

Thứ ba, nhà sáng lập hứng thú với ý tưởng hoặc môi trường mới. Thế giới luôn không ngừng biến đổi với nhiều ý tưởng, mô hình mới ra đời mỗi ngày. Đôi khi, chính bản thân nhà sáng lập cũng tìm thấy cơ hội ở một ý tưởng mới, mô hình mới hoặc môi trường mới. Từ bỏ mô hình hiện tại cũng là cách để họ đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức hiệu quả hơn.

Không thể phủ nhận, đóng cửa start-up do chính mình gây dựng là trải nghiệm khó khăn và đáng sợ với bất kỳ nhà sáng lập nào. Theo Aaron Harris, cựu thành viên của Vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator, sau khi nói chuyện với những nhà sáng lập từng phải đóng cửa start-up, anh nhận thấy, họ đều vô cùng chán nản trong nhiều tháng sau đó. Tuy nhiên, cùng với thời gian, mọi thứ trở nên tốt hơn.

“Điều này có thể khó tin, nhưng việc ngừng hoạt động start-up giúp nhà sáng lập giải tỏa căng thẳng và gỡ bỏ nhiều nhiều kỳ vọng nặng nề, từ đó tạo tiền đề cho những ý tưởng và cách tiếp cận hoàn toàn mới. Đóng cửa start-up là một phần cần thiết của chu kỳ khởi nghiệp và nên được những người sáng lập tiếp cận một cách cởi mở hơn”, Aaron Harris khẳng định.

Trong khi đó, Ramit Sethi, nhà kinh doanh và người sáng lập website IWillTeachYouToBeRich.com cho biết, từ bỏ doanh nghiệp của mình nhiều khi lại là quyết định đúng đắn nhất. “Sau khi từ bỏ công ty cũ, tôi giảm được hơn 20 kg, học thêm được tiếng Tây Ban Nha và tận hưởng những chuyến du lịch một cách thoải mái. Nói cách khác, tôi bắt đầu sống một cuộc sống mình thích, chứ không phải cuộc sống mà tôi ép mình phải chịu đựng khi tiến hành công việc kinh doanh trong quá khứ”, ông Ramit Sethi nói.

Đức Thọ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục