Khi nào người dân phải đi kiểm định khí thải xe máy

Còn chưa đầy 1 tuần nữa, Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ tục chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo; trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy chính thức có hiệu lực.

Mặc dù chỉ là một nội dung trong Thông tư số 47, nhưng những quy định về trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy lại có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội khi đối tượng chính là khoảng 76 triệu xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành tại Việt Nam. Cụ thể, theo khoản 2, Điều 27, Thông tư số 47, đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian trên 5 năm tính từ năm sản xuất thì chủ xe phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải. Đối chiếu theo quy định này, sẽ có khoảng 60% số lượng xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải kiểm định khí thải định kỳ.

Hiện việc kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy được quy định tại cả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) và Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022).

Tại điểm b, khoản 2, Điều 102, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Do lộ trình này vẫn chưa được các cơ quan liên quan ban hành, nên xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành chưa bắt buộc kiểm định khí thải kể từ ngày 1/1/2025.

Cần phải nói thêm rằng, quy định kiểm định khí thải với mô tô, xe máy là chủ trương đúng và đến thời điểm này đã chín muồi, rất cần thực hiện.

Trên thực tế, vào tháng 6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố (Đề án 909), trong đó giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80% đến 90% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, do lượng xe máy tại Việt Nam rất lớn và với số lượng này, thì kiểm soát khí thải là bài toán khá nan giải. Ngoài ra, xe máy ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là chiếc xe dùng để đi lại, mà còn là sinh kế của rất nhiều người, nên lộ trình được đề ra tại Đề án đã không thể thực hiện như mong muốn.

Để tránh “vết xe đổ” của Đề án 909, việc xây dựng lộ trình thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy cần được nghiên cứu, tính toán cẩn trọng. Ngoài việc đánh giá tác động chính sách; hồ sơ dự thảo lộ trình phải được lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động theo quy định của pháp luật trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Do số lượng xe mô tô, xe gắn máy cần phải kiểm định khí thải hàng năm rất lớn, nên việc tổ chức hoạt động kiểm định cần được thực hiện một cách khoa học, giảm thiểu tốt đa phiền hà, chi phí cho người dân theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, nhưng vẫn đảm bảo minh bạch, tránh xảy ra tiêu cực. Đặc biệt, các bộ, ngành trung ương cần đề xuất phương án xử lý đối với phương tiện không đạt tiêu chuẩn và phương án hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng do phương tiện không đạt chuẩn mà không có phương tiện để di chuyển, trong đó có cơ chế hỗ trợ chi phí để người dân chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường… Điều này giúp giảm thiểu tác động đến đời sống, bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân và cộng đồng.

Đây cũng chính là một đích đến quan trọng mà Thông tư số 47 cần hướng đến nhằm phát triển giao thông bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục