Khi “đầu tàu” ngành nhân thọ sẽ giảm tốc

(ĐTCK) Tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác mới của khối nhân thọ dự kiến vào khoảng hơn 30% trong năm 2018, tuy nhiên, tốc độ này có thể sẽ giảm xuống vào năm 2019 khi những doanh nghiệp "đầu tàu" bắt đầu điều chỉnh tốc độ để hướng tới mục tiêu hiệu quả.
Số lượng hợp đồng mới tăng trưởng rất lớn nhưng chất lượng hợp đồng như thế nào?

Doanh thu khai thác mới thay đổi liên tục

Nếu tính tổng doanh thu phí khai thác bảo hiểm mới, Bảo Việt Nhân thọ vẫn giữ vị trí số 1, tiếp theo là Dai-ichi Life Việt Nam, Prudential, Manulife Việt Nam, AIA Việt Nam… Đây là số liệu theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tính đến tháng 11/2018.

Đây vẫn là các doanh nghiệp “đầu tàu” của thị trường, nhưng vị trí về thị phần không còn “bất biến” như các năm trước. Trong nhóm này vẫn có sự cạnh tranh mạnh mẽ để đảo ngôi, chẳng hạn, tháng 9/2018, Manulife Việt Nam đã vượt lên dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới khi đạt hơn 430 tỷ đồng.

CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, cuộc đua thị phần đang diễn ra quyết liệt không chỉ giữa các công ty bảo hiểm thuộc nhóm dẫn dầu, mà còn rất gay gắt tại các doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn, khi các công ty này mạnh tay đầu tư nhiều hơn cho hệ thống văn phòng, cũng như ứng dụng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh.

Dai-ichi Life Việt Nam và MB Ageas Life là hai thương hiệu tạo dấu ấn mạnh về tăng trưởng doanh thu khai thác mới trong năm 2018. Nếu Dai-ichi Life Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 về tổng thị phần khai thác mới, thì MB Ageas Life cũng bứt tốc ngoạn mục, vượt qua nhiều thương hiệu để nằm trong nhóm 9 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thị phần khai thác mới lớn nhất thị trường.

Cùng với doanh thu đến từ kênh đại lý, văn phòng tổng đại lý được mở rộng liên tục trong suốt thời gian qua thì kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và các kênh mở rộng cũng bắt đầu phát huy thế mạnh và có đóng góp đáng kể trong tổng doanh thu khai thác mới của các hãng bảo hiểm này.

Chẳng hạn, kênh bancassurance của MB Ageas Life đóng góp tới 526,5 tỷ đồng, vượt 101% kế hoạch 9 tháng năm 2018.

“Thực tế thì doanh thu đến từ kênh bancassurance của thị trường vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Kênh đóng góp doanh thu khai thác mới vẫn chủ yếu đến từ hệ thống đại lý, nhưng sự bùng nổ doanh thu từ kênh ngân hàng sẽ là tương lai gần”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.

Theo đánh giá của các công ty bảo hiểm, việc phát triển kênh bancassurance hiện nay mới khai thác theo một hình thức truyền thống ngân hàng giới thiệu khách, công ty bảo hiểm đi chốt hợp đồng, hay bán các hợp đồng bảo hiểm kèm khoản vay. Tuy nhiên, trong tương lai, khi các ngân hàng có thể tổ chức và xây dựng được một đội ngũ chuyên đi bán bảo hiểm thì khi đó bảo hiểm bán qua ngân hàng mới thực sự bùng nổ.

“Bancassurance không chỉ là kênh bán bảo hiểm cho khách vay tiền mà các khách hàng có gửi tiền tại ngân hàng mới là khách hàng tiềm năng bền vững”, CEO một công ty bảo hiểm nhìn nhận. 

Giảm tốc

Trở lại câu chuyện tăng trưởng của khối bảo hiểm nhân thọ trong suốt thời gian qua, theo số liệu ước tính sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến hết tháng 11/2018, Dai-ichi Life Việt Nam đã vươn lên đứng thứ nhất trong số các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài (Bảo Việt Nhân thọ là công ty bảo hiểm nhân thọ Việt Nam duy nhất trên thị trưởng) về thị phần khai thác mới với tổng doanh thu hơn 4.500 tỷ đồng - cũng theo số ước tính của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Dù đã bắt đầu có sự điều chỉnh tốc độ tăng trưởng theo chiều hướng bớt “nóng” từ tháng cuối của quý II/2018 nhưng so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn thị trường thì hãng bảo hiểm này vẫn có tốc độ tăng trưởng cao gấp đôi.

“Chúng tôi đã và đang điều chỉnh chiến lược tăng trưởng để có một số chỉnh sửa về chính sách, năm tới sẽ là thời điểm tạm dừng một bước để tiến xa hơn”, lãnh đạo cấp cao của hãng bảo hiểm này nói với Đầu tư Chứng khoán.

Việc “giảm nhiệt” tốc độ tăng trưởng của Dai-ichi Life Việt Nam từ cuối quý II/2018 chưa ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng của cả thị trường trong năm 2018.

Dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu phí cả thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng khoảng trên 30%, và Dai-ichi Life Việt Nam là doanh nghiệp góp công lớn cho sự tăng trưởng đó. Chính vì vậy, sự điều chỉnh của hãng bảo hiểm đang chiếm thị phần nhóm đầu thị trường với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới hơn 50% trong những năm qua có thể ảnh hưởng đến tốc độ chung của toàn thị trường năm 2019.

Việc giảm tốc để nhìn lại và điều chỉnh chính sách theo hướng phát triển bền vững hơn sau một thời gian tăng trưởng quá nóng là chiến lược cần thực hiện và thực tế tại thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có không doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chiến lược này.

“Doanh nghiệp nào cũng muốn tăng trưởng doanh thu khai thác mới nhưng cái giá phải trả cho tăng trưởng ở đâu mới là vấn đề”, lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nói.

Theo vị này, nếu doanh thu phí mới tăng trưởng 30% mà chi phí bỏ ra khoảng 30% cũng chấp nhận được, nhưng chi phí lên trên 30% thì cần phải xem xét tìm hiểu nguyên nhân. Tốc độ tăng trưởng khai thác mới tăng nóng chủ yếu vẫn ở hệ thống văn phòng tổng đại lý, điều này cũng bình thường khi hệ thống văn phòng tổng đại lý được đầu tư xứng đáng.

Tuy nhiên, nếu chỉ một văn phòng tổng đại lý mới thành lập mà có tốc độ tăng trưởng khai thác mới lớn hơn doanh thu phí của cả một công ty bảo hiểm tầm trung trên trên thị trường thì “chắn chắn sự tăng trưởng này có vấn đề”. 

“Nếu nhìn xuyên suốt quá trình phát triển của khối bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam thì mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới nên ở mức khoảng 20% là ngưỡng tốt nhất”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Thực tế, nếu so với các thị trường khác (thị trường bảo hiểm phát triển thì bão hòa hoặc tăng trưởng âm, thị trường vẫn đang phát triển trong khu vực cũng chỉ tăng trưởng 5-7%) thì doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng trưởng khoảng 10% cũng là đáng mơ ước.

“Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn phát triển hàng năm nếu nhìn từ sự tăng trưởng của doanh thu khai thác phí mới. Tuy nhiên, có một câu hỏi cần đặt ra, số lượng hợp đồng mới tăng trưởng rất lớn nhưng chất lượng hợp đồng như nào?”

Thực tế, các công ty bảo hiểm sống nhờ phí tái tục, và nếu không có khoản phí này do hợp đồng bị hủy ngay sau năm đầu thì vấn đề sẽ khác”, một chuyên gia lâu năm trong ngành nhìn nhận.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục