Theo Nghị quyết ĐHCĐ của CTCP Sông Đà 9, năm 2017, Công ty trả cổ tức tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Theo Điều 132, Luật Doanh nghiệp, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ.
Theo quy định, HĐQT Công ty phải lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.
Công ty phải gửi thông báo về trả cổ tức cho cổ đông chậm nhất 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức.
Tuy nhiên, từ kỳ ĐHCĐ hồi đầu năm 2018 đến nay, doanh nghiệp này đã 4 lần hoãn trả cổ tức.
Lý do đều là do Công ty đang có nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất - kinh doanh nên chưa thu xếp đủ tiền để thanh toán cho các cổ đông. Theo hứa hẹn trong văn bản gần đây nhất, Sông Đà 9 "chấm" đến tháng 5/2020 sẽ thanh toán cổ tức!
Tình trạng nợ cổ tức, hoãn trả cổ tức không phải hiếm. Chẳng hạn như trường hợp một doanh nghiệp thuộc họ dầu khí đã khất lần cổ tức trong suốt 2-3 năm mới trả xong.
Chưa kể, có nhiều trường hợp, công ty cố tình bớt lại cổ tức của một số cổ đông là cán bộ nhân viên để đòi đối trừ trách nhiệm. Tranh chấp như vậy kéo dài và phải ra tòa mới tạm được giải quyết.
Đơn cử như trường hợp kiện đòi cổ tức khá đình đám của ông Đồng Xuân Thép ở Hải Phòng. Ông Thép là cổ đông của CTCP Xây dựng 204, sở hữu 36.746 cổ phần. Công ty Xây dựng 204 đã nhiều lần không trả cổ tức cho ông Thép từ năm 2008 đến năm 2011.
Vì vậy, cổ đông phải khởi kiện đến tòa án. Tại các bản án đều tuyên buộc Công ty Xây dựng 204 phải hoàn trả ông Thép số tiền cổ tức của các năm trên. Nhưng các năm 2012, 2013, Công ty Xây dựng 204 tiếp tục giữ tiền cổ tức nên ông Thép lại khởi kiện.
Nguyên nhân Công ty Xây dựng 204 giữ cổ tức không trả có liên quan đến việc đối trừ công nợ với ông Thép. Công ty cho rằng, việc trả cổ tức cho các cổ đông phổ thông đều tiến hành sau khi ĐHCĐ thường niên hoàn tất. Trên cơ sở đó, HĐQT đã lập danh sách cổ đông và chi trả cổ tức theo đúng trình tự pháp luật.
Theo Nghị quyết ĐHCĐ các năm 2013, 2014, trước khi thanh toán cổ tức, những cổ đông là người lao động của Công ty phải đối chiếu công nợ. Vì là người lao động nên ông Thép phải đến Phòng Tài chính - Kế toán đối trừ công nợ để làm cơ sở thanh toán trước khi nhận cổ tức năm 2012, 2013.
Tòa án buộc Công ty Xây dựng 204 phải trả cổ tức cho ông Đồng Xuân Thép. Do Công ty đã khởi kiện ông Thép để đòi khoản tiền 5,8 tỷ đồng liên quan đến công nợ, nên tòa án không xét trong vụ án này.
Một trường hợp khác tương tự đã xảy ra tại CTCP Xây dựng Ninh Thuận (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ông Đào Văn T. từng là giám đốc doanh nghiệp này. Quá trình điều hành doanh nghiệp, ông T. từng ký một số hợp đồng dẫn đến các khoản nợ xấu chưa thu hồi được.
Năm 2015, Công ty chia cổ tức 18%, ông T. sở hữu 120.250 cổ phần, tiền cổ tức là hơn 205 triệu đồng. Quá trình giải quyết tại tòa án, Công ty cho biết, khi ông T. được cho thôi việc, Công ty không quy trách nhiệm về các khoản nợ mà ông T. đã ký hợp đồng. Nhưng Công ty đã giữ số tiền cổ tức để buộc ông T. phải tham gia tác động đến các đối tác còn nợ tiền.
Theo tòa án, nếu Công ty cho rằng ông Đào Văn T. khi còn là Giám đốc đã ký kết các hợp đồng kinh tế gây nên nợ xấu và có thể dẫn đến tổn thất cho doanh nghiệp, thì Công ty có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Công ty không thể lấy lý do gây tổn thất, nợ xấu để không chi trả cổ tức. Việc này trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Nhận xét về trường hợp này, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nguyên đơn có 2 tư cách, vừa là cán bộ nhân viên của công ty, vừa là cổ đông. Với mỗi tư cách, đương sự có quyền lợi, nghĩa vụ phát sinh độc lập với nhau.
Là cổ đông, họ có quyền nhận cổ tức, là nhân viên họ có thể phát sinh nghĩa vụ, trách nhiệm theo công việc. Hai bên có thể thỏa thuận để đối trừ các nghĩa vụ. Về cơ bản, doanh nghiệp không thể giữ cổ tức để buộc cổ đông phải thực hiện nghĩa vụ.
Nếu không đồng thuận thì có thể giải quyết tranh chấp tại tòa án. Trong trường hợp kiện ra tòa, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố để giải quyết trong cùng vụ án, tránh phải chờ đợi giải quyết lần lượt từng vụ kiện, tốn thời gian.
Yêu cầu phản tố phải có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của bị đơn đối với nguyên đơn hoặc là đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn.