Sai phạm thuế, cần góc nhìn khách quan

(ĐTCK) Câu chuyện sai phạm thuế thường được nhìn nhận ở hai góc độ là kê khai sai và sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp. Có hành vi là cố ý, có hành vi là vô tình hoặc sai sót nghiệp vụ, thậm chí đôi khi còn xuất phát từ cách hiểu, vận dụng pháp luật không đồng nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Sai phạm thuế, cần góc nhìn khách quan

Ngày 25/9/2019, Cục Thuế TP. Hà Nội có Quyết định số 74302 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Traphaco (TRA - sàn HOSE) số tiền hơn 922 triệu đồng.

Cơ quan thuế xác định, Traphaco mắc 3 lỗi là khai sai dẫn đến tăng số tiền thuế được hoàn, thiếu số thuế phải nộp; khai sai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế và sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp.

Ứng với mỗi hành vi, doanh nghiệp phải khắc phục bằng cách truy thu số tiền 687 triệu đồng, bị phạt hành chính số tiền 201 triệu đồng và tiền chậm nộp thuế là 33 triệu đồng.

Việc doanh nghiệp bị phạt thuế là chuyện diễn ra “như cơm bữa”. Hàng tháng, cơ quan thuế vẫn đăng tải công khai các doanh nghiệp nợ đọng thuế, phí, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền thuê đất… trên địa bàn.

Các quyết định xử lý vi phạm thường có từ ngữ khá nặng nề như “bất hợp pháp”, “khai sai”, nhưng không ít hành vi không nghiêm trọng, hoặc không cố ý.

Chẳng hạn, trong quyết định xử phạt Traphaco nêu rõ, mặc dù khai sai, nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, doanh nghiệp không có các tình tiết tăng nặng.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp niêm yết, khi nhận án phạt thuế, dù lỗi nhỏ hay lớn đều khiến cổ đông, nhà đầu tư quan tâm, vì có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoặc kế hoạch huy động vốn.

Vậy phải hiểu như nào về sai phạm thuế, sai phạm nào thì sẽ bị quy trách nhiệm hình sự, sai phạm nào có thể khắc phục hành chính?

Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hành vi kê khai sai và sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp là 2 hành vi có dấu hiệu trốn thuế theo Ðiều 200 của Bộ luật Hình sự 2015.

Theo Ðiều 200, có 9 hành vi trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó có hành vi kê khai sai, sử dụng hóa đơn chứng từ bất hợp pháp để làm giảm số tiền thuế phải nộp, tăng số tiền thuế được miễn, được giảm, được khấu trừ hoặc được hoàn.

Nếu gây thiệt hại cho Nhà nước 100 triệu đồng trở lên là có thể bị xử lý hình sự. Với mức thiệt hại dưới 100 triệu đồng thì bị xử lý hành chính.

Nếu một doanh nghiệp bị phạt và truy thu thuế hàng trăm triệu đồng là đã có dấu hiệu của hành vi trốn thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan chức năng còn đánh giá thái độ chủ quan của doanh nghiệp, thủ đoạn âm mưu, ý thức có cố tình trốn thuế, hay chỉ là nhầm lẫn nghiệp vụ.

Trường hợp ghi chép sổ sách đầy đủ, nhưng nghiệp vụ kê khai sai, sử dụng hóa đơn không được công nhận, thì có thể cơ quan thuế chỉ xử lý hành chính.

Ðối với hóa đơn bất hợp pháp, có thể là hóa đơn tẩy xóa, bị rách, hóa đơn do doanh nghiệp khác in, phát hành mà không có sự chấp nhận của cơ quan có thẩm quyền, hóa đơn đầu vào cho hàng hóa vật tư không phục vụ trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ hóa đơn chơi golf hay hóa đơn du lịch. Các chi phí không hợp lý như vậy sẽ bị cơ quan thuế loại ra.

Hóa đơn bất hợp pháp còn có thể là hóa đơn giả. Nếu biết mà vẫn cố tình sử dụng hóa đơn giả thì mức độ nghiêm trọng hơn, có thể cấu thành tội in, phát hành và sử dụng hóa đơn giả. Chỉ cần gây thiệt hại cho Nhà nước từ 30 triệu đồng trở lên là có thể bị xử lý hình sự.

Pháp nhân cũng có thể bị xử lý hình sự, mức phạt tiền có thể lên tới 3 - 4 tỷ đồng, thậm chí bị cấm kinh doanh ngành nghề đó.

Trong trường hợp nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan thuế sẽ quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Nếu nhận định chỉ là nghiệp vụ nhầm lẫn, không cố ý, không có tính chất hệ thống, không tinh vi, thì cơ quan thuế tiến hành xử lý hành chính.

“Nhìn chung, tự kê khai là tiến bộ theo thông lệ thế giới. Nhưng tự kê khai lại kèm theo tự chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp cần biết và buộc phải biết, buộc phải làm đúng, không thể biện hộ là sai sót, nhầm lẫn do trình độ non yếu. Nếu chủ doanh nghiệp không có chuyên môn nghiệp vụ thì phải tuyển nhân sự, thuê các đơn vị tư vấn thuế... để đảm bảo làm đúng”, luật sư Tám nói.

Pháp luật cho phép doanh nghiệp khởi kiện cơ quan thuế nếu không đồng tình với quyết định xử phạt. Nhiều vụ việc xét xử có thể thấy giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp còn có cách hiểu và vận dụng luật khác nhau dẫn đến việc doanh nghiệp có thể kê khai thiếu, kê khai sai phần thuế phải nộp.

Đơn cử như vụ việc của Công ty Gerico France bị truy thu thuế hơn 2,6 tỷ đồng. Cục thuế tỉnh Hải Dương áp thuế TNDN 5% còn doanh nghiệp thì cho rằng chỉ 2%.

Các bên đều thống nhất áp dụng luật điều chỉnh song cách hiểu luật cũng khác nhau dẫn đến phải khiếu kiện ra tòa án để nhờ phân xử. Mặc dù Công ty Gerico France thua cuộc nhưng qua thực tiễn xét xử, có rất nhiều vụ việc doanh nghiệp đã chứng minh mình đúng.

Ðỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục