Khi bảo hiểm cũng khó tính… rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù biết rằng bản chất của bảo hiểm là sự chuyển nhượng rủi ro từ khách hàng cho các nhà bảo hiểm, nhưng khủng hoảng truyền thông và một số rủi ro vừa qua là điều không thể lường trước với các công ty bảo hiểm.
Những rủi ro bất ngờ thường gây thiệt hại lớn Những rủi ro bất ngờ thường gây thiệt hại lớn

Từ khủng hoảng niềm tin…

Hậu quả của dịch bệnh Covid-19 chưa được khắc phục triệt để, kinh tế thế giới suy thoái... đã ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, bao gồm cả lĩnh vực bảo hiểm. Chưa hết, ngành bảo hiểm Việt Nam năm 2023 còn hứng chịu một cú giáng nặng nề từ cuộc khủng hoảng niềm tin khiến doanh thu của thị trường suy giảm mạnh chưa từng có, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Theo số liệu ước tính đến ngày 30/11/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ giảm 12,5%, còn lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng 2%.

Năm 2023 có thể coi là năm thị trường nhân thọ ghi nhận đà giảm tốc mạnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nếu như giai đoạn 2011-2018 luôn giữ được đà tăng trưởng ổn định 2 con số, thậm chí có những năm tăng tới hơn 30%, thì từ năm 2019 tới nay, tốc độ tăng trưởng của khối này dù vẫn giữ được mức tăng trưởng dương nhưng đã chậm lại đáng kể.

Châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lần này được cho là xuất phát từ sự cố liên quan tới hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của một nữ diễn viên khi cô livestream trên trang facebook cá nhân (ngày 7/4/2023) phàn nàn về những mâu thuẫn với dịch vụ bảo hiểm đã mua cách đây 3 năm. Cộng với những “lùm xùm” từ trước đó khi nhiều người mua bảo hiểm khiếu nại tư vấn viên của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ tư vấn mập mờ, thiếu trung thực, bị “ép” mua bảo hiểm khi đi vay tiền tại ngân hàng, đặc biệt sau sự kiện nhiều người dân tố cáo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bắt tay với Manulife Việt Nam lừa đảo, “hô biến” tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm Tâm an đầu tư… đã khiến bức xúc lên tới đỉnh điểm và lan rộng ra toàn thị trường.

Giới chuyên gia nhìn nhận, đây là rủi ro lớn nhất từ trước đến nay đối với ngành bảo hiểm Việt Nam cả về doanh thu lẫn danh tiếng, thiệt hại về kinh doanh (khách hàng yêu cầu chấm dứt trước hợp đồng trước thời hạn, doanh nghiệp không bán mới được) còn lớn hơn cả sự kiện từng xảy ra tại một số khu công nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai hồi năm 2014 - khi đó, số nhà xưởng bị hủy hoại gây thiệt hại lớn khiến các công ty bảo hiểm phải chi trả bồi thường lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Theo khảo sát của Vietnam Report, việc xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực liên quan tới bảo hiểm nói chung, lĩnh vực nhân thọ riêng là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải trong năm 2023. Không chỉ dừng ở việc tăng lượng tin thảo luận, những sự cố này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ của khách hàng về ngành bảo hiểm, đẩy chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao nhất trong 3 năm qua.

Nhìn rộng ra sẽ thấy, việc tăng trưởng âm kéo dài gần 1 năm qua của khối nhân thọ là sự cộng hưởng của hệ lụy từ giai đoạn dài tăng trưởng “nóng”, khiến nhiều công ty bảo hiểm không kiểm soát được đội ngũ bán hàng, để xảy ra một số vụ việc bán bảo hiểm gây tai tiếng, bên cạnh bối cảnh nền kinh tế ngày càng khó khăn hơn.

“Thách thức của thị trường bảo hiểm cơ bản đến từ những khó khăn chung từ nền kinh tế, năng lực nhận thức về bảo hiểm còn hạn chế, có thừa sản phẩm bảo hiểm nhưng lại thiếu tính phù hợp, công tác quản trị rủi ro, quy định về kênh phân phối chưa theo sát thay đổi từ thực tiễn thị trường...”, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nhìn nhận.

… đến vấn nạn trục lợi bảo hiểm sức khỏe

Không chỉ gặp khủng hoảng về niềm tin, năm 2023, ngành bảo hiểm Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng trục lợi bảo hiểm gia tăng, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, tình trạng trục lợi bảo hiểm lại nở rộ tại một số khu vực ở miền Bắc và miền Trung, hình thức phổ biến là nâng tỷ lệ thương tật, dùng hóa đơn khám chữa bệnh giả, làm “khống” y lệnh khám chữa bệnh hoặc làm sai lệch hồ sơ điều trị để kéo dài thời gian nằm viện, hưởng mức bồi thường cao hơn đáng kể so với quyền lợi theo hợp đồng... và hầu hết trường hợp vi phạm đều có sự tham gia của nhân viên y tế địa phương.

Bên cạnh đó là hiện tượng một số cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật (cũng như sự diễn giải theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm khi có tranh chấp xảy ra trong trường hợp đưa ra tòa án giải quyết - PV) đã mua hàng loạt hợp đồng bảo hiểm mệnh giá lớn tại nhiều công ty bảo hiểm, nhưng không kê khai trung thực tình trạng bệnh, sau thời gian rất ngắn đã lập hồ sơ đòi bồi thường để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, gần đây, công ty nghi ngờ nhiều trường hợp khách hàng “cấu kết” với bệnh viện mua bảo hiểm sức khoẻ, thường là chọn các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ có thủ tục đơn giản mua qua kênh trực tuyến, hợp đồng ký xong chỉ hết thời gian chờ là làm thủ tục bồi thường.

“Hiện tượng này xuất hiện ở một số bệnh viện tại Hải Dương, Nghệ An... Việc số lượng đơn đề nghị chi trả bồi thường tăng đột biến trong khoảng thời gian ngắn tại cùng một cơ sở y tế ở địa phương là bất thường, buộc công ty phải dừng việc chi trả để điều tra”, vị đại diện này cho hay.

Trước đó, theo chia sẻ của một đại diện doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm có thị phần đứng đầu thị trường, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, số lượng hồ sơ yêu cầu chi trả bồi thường bảo hiểm sức khỏe đã tăng đến 200%, phần lớn đều liên quan đến các chi phí nằm viện chữa bệnh (bao gồm cả chi phí nằm viện chữa trị Covid-19). Yêu cầu bồi thường tăng cao, nhưng rất nhiều hồ sơ bị sai so với quy định điều trị dịch bệnh của Bộ Y tế, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện.

Trên thị trường, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là một trong những doanh nghiệp chịu hệ lụy lớn do chi phí bồi thường bảo hiểm sức khỏe tăng cao. Theo giải trình báo cáo tài chính riêng năm 2022, lợi nhuận sau thuế của PTI âm hơn 349 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi hơn 262 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do trong năm 2022, PTI phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” với số tiền hơn 353 tỷ đồng.

“Sản phẩm Vững Tâm An đã mang lại tổn thất rất lớn cho hoạt động của Công ty. Đến nay, PTI vẫn đang phải xử lý nhiều hệ quả liên đới, làm giảm uy tín của Công ty trên thị trường”, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI chia sẻ tại đại hội cổ đông hồi giữa năm 2023.

Theo bà Hương, từ trước tới nay, chiến lược của PTI chủ yếu hướng đến tăng trưởng doanh số, mà chưa tập trung vào văn hóa quản trị rủi ro và các chuẩn mực về kiểm soát. Chính vì thế, mục tiêu trong năm 2023, Hội đồng quản trị Công ty sẽ tiếp tục kiện toàn điều kiện về quản trị, con người, giữ vững nền tảng kinh doanh PTI đã xây dựng trong nhiều năm qua với những hành lang về chuẩn mực, quản trị rủi ro...

“PTI không thể tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng về doanh số trong điều kiện hiện tại, mà phải đặt bài toán làm thế nào để kiến tạo được một nền tảng kinh doanh bền vững, có điều kiện cạnh tranh trong tương lai”, bà Hương nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia bảo hiểm nhận định, bên cạnh những lý do khách quan đến từ tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, việc “lỏng tay” khi đánh giá rủi ro trong quá trình xây dựng sản phẩm bảo hiểm dẫn đến việc nhiều đại lý bán hàng lợi dụng hướng dẫn khách hàng trục lợi. Hơn nữa, tâm lý “đã mua bảo hiểm thì phải đòi bồi thường càng nhiều càng tốt” khiến cho nhiều khách hàng dễ nổi lòng tham, cố tình làm sai lệch hồ sơ.

Năm 2024 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn, do vậy, bên cạnh thúc đẩy doanh thu, các công ty bảo hiểm cũng cần kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí bồi thường để đảm bảo giữ vững được nguồn lực để kinh doanh, chủ động tái cấu trúc sản phẩm - dịch vụ cho phù hợp với tình hình mới.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục