Khẩu vị rủi ro cho vay tiêu dùng thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit, trong bối cảnh thị trường hiện nay, không chỉ người tiêu dùng tính toán kỹ trước khi quyết định vay vốn, mà còn đòi hỏi công ty tài chính phải kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn, nhất là với những khách hàng mới, vì dịch bệnh tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng.

Thực tế cho thấy cầu vốn tiêu dùng luôn tăng cao vào cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh. Theo ông, điều này ảnh hưởng như thế nào tới cầu tín dụng những tháng cuối năm?

Thông thường, nhu cầu vốn tiêu dùng luôn tăng cao vào quý cuối năm do khách hàng cần sửa chữa nhà, mua xe và sắm vật dụng mới trong mùa lễ, tết. Xu hướng này vẫn duy trì trong năm nay, nhưng mức tăng sẽ không cao như những năm trước do tác động của đại dịch Covid-19.

Có thể thấy, kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ đầu năm 2020 tới nay, công ăn việc làm của người dân chịu tác động mạnh mẽ, từ đó ảnh hưởng tới thu nhập cũng như khả năng trả nợ của khách hàng. Trước thực tế này, FE Credit duy trì quan điểm thận trọng trong việc phê duyệt tín dụng, lựa chọn khách hàng cũng như công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp tín dụng, dù cho nhu cầu cao.

Mặt khác, nhận thấy tác động của dịch bệnh sẽ kéo dài nên FE Credit đã sớm có sự chuẩn bị cho thanh khoản, dòng tiền; đánh giá, xem xét lại danh mục tín dụng cũng như phân khúc khách hàng để tìm kiếm được khách hàng tốt nhất, giảm thiểu rủi ro. Hiện nay, FE Credit xem xét tín dụng rất kỹ đối với khách hàng mới, đồng thời kiểm soát khách hàng cũ chặt chẽ hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ cho vay giảm.

Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng của FE Credit chỉ tăng khoảng 1-2% so với đầu năm, thậm chí có nhiều thời điểm không tăng. Hoạt động cho vay tiếp tục được quản lý chặt chẽ theo định hướng trong giai đoạn dịch bệnh nhằm đảm bảo khả năng tăng trưởng trở lại trong quý IV/2020 và năm 2021.

Như ông phân tích, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ kéo dài liệu có khiến nợ xấu tiêu dùng của FE Credit tăng lên trong thời gian tới?

Trong bối cảnh thu nhập của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kéo theo tiến độ trả nợ không như trước, nên việc nợ xấu tăng là khó tránh. Tuy nhiên, FE Credit vẫn đang kiểm soát tốt yếu tố này do đã có sự chuẩn từ trước.

Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt, cho nên ngoại trừ một số lĩnh vực đặc thù như du lịch, hàng không... còn khó khăn, người tiêu dùng vẫn lạc quan với sự hồi phục của nền kinh tế, nhờ đó mà nhu cầu về tiêu dùng sẽ không giảm nhiều. Đây là dấu hiệu tích cực cho FE Credit nói riêng, các công ty tài chính tiêu dùng nói chung.

Hiện thị trường dù dễ bị tổn thương hơn trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng nhìn ở góc độ tích cực, Covid-19 dường như lại là chất “xúc tác” đặc biệt, mở ra cơ hội để các công ty tài chính tiêu dùng vừa rà soát những khoản vay cũ, vừa thận trọng hơn trong hoạt động giải ngân, từ đó kiểm soát tốt hơn nợ xấu.

Ảnh tác giả

Covid-19 bùng phát buộc các ngân hàng, công ty tài chính phải kiểm soát, xem xét lại khoản vay, dẫn đến dư nợ tín dụng tiêu dùng giảm so với trước đây

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit

Việc hoạt động cho vay mới được kiểm soát chặt chẽ có thể khiến thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng chậm lại, nhưng cũng là cơ hội để trở nên lành mạnh hơn khi các công ty tài chính tiêu dùng sẽ phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, một nguyên tắc không thể thiếu trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.

Nhìn về dài hạn, bên cạnh việc đảm bảo an toàn hoạt động, thị trường cho vay tiêu dùng còn được củng cố khi hành lang pháp lý trong vấn đề thu hồi nợ được hoàn chỉnh hơn theo hướng bảo vệ cho cả người cho vay và đi vay. Khi lợi ích của các bên cùng được đảm bảo thì trách nhiệm sẽ được nâng lên, từ đó thị trường sẽ phát triển ổn định, bền vững hơn.

Có ý kiến cho rằng, việc cho vay tiêu dùng bị siết chặt sẽ tạo điều kiện để “tín dụng đen” trỗi dậy. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Trong bối cảnh hiện nay, tín dụng tiêu dùng có xu hướng chững lại, chứ chưa hẳn là thắt chặt cho vay. Chẳng hạn, ngân hàng lâu nay cho vay tiêu dùng chủ yếu là mua nhà, mua xe ô tô, nhưng do nhu cầu vốn của cá nhân cho mục đích này hiện không còn nhiều, trong khi Covid-19 bùng phát buộc các ngân hàng, công ty tài chính phải kiểm soát, xem xét lại khoản vay, dẫn đến dư nợ tín dụng tiêu dùng giảm so với trước đây.

Theo tôi, với bất kỳ loại hình tín dụng nào thì tổ chức cho vay cũng phải kiểm soát chặt chẽ và tìm hiểu kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu cho vay mà không đòi được nợ thì chắc chắn không tổ chức nào muốn cho vay. Vì thế, việc kiểm soát cho vay tiêu dùng chưa hẳn là cơ hội để “tín dụng đen” phát triển.

Mặt khác, với “tín dụng đen”, cho vay dễ dàng sẽ đi kèm với mức lãi suất cao hơn và việc đòi nợ cũng gắt gao hơn. Tuy nhiên, luật pháp hiện hành đã chấn chỉnh lại hoạt động đòi nợ, nên bản thân người cho vay “tín dụng đen” cũng cần phải đảm bảo khả năng đòi được nợ. Đó là chưa nói tới việc cầu vốn tiêu dùng lúc này khó có thể tăng đột biến khi người dân phải tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định vay vốn do thu nhập chịu tác động của dịch bệnh.

Thời gian gần đây, những thông tin về đòi nợ kiểu “xã hội đen” đã giảm bớt cho thấy hiệu quả của việc chấn chỉnh lại hoạt động này, nhưng liệu đây có phải là lý do khiến nhiều khoản nợ khó thu hồi tăng lên?

Hiện nay, việc đòi nợ của các công ty tài chính phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa bổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân khiến nợ xấu tín dụng tiêu dùng tăng lên, mà chủ yếu do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng.

Thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, từ tháng 2-6/2020, FE Credit đã miễn giảm lãi cho hơn 250.000 khách hàng hiện hữu, chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính hoặc chấp nhận hoãn việc thanh toán trong 3 tháng, đồng thời xem xét miễn giảm phí chậm thanh toán. Đến nay, Công ty đã hỗ trợ thành công cho gần 200.000 khách hàng, tương được 5% lượng khách hàng hiện hữu, với tổng khoản vay trị giá 4.000 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay tiêu dùng cũng đã giảm so với những năm gần đây theo xu hướng giảm lãi suất chung trên thị trường, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao do tỷ lệ rủi ro của các công ty tài chính luôn cao hơn so với các ngân hàng. Đồng thời, chi phí huy động vốn của các công ty tài chính cũng ở mức cao hơn do không được trực tiếp huy động tiền gửi từ các cá nhân như ngân hàng, mà phải đi vay trên thị trường, nên phải tăng lãi suất để bù đắp.

Thùy Vinh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục