Khảo sát của Bank of America: Các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi cổ phiếu vì lo ngại suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một cuộc khảo sát mới đây của Bank of America cho thấy, các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi cổ phiếu trong bối cảnh bóng ma suy thoái kinh tế.
Khảo sát của Bank of America: Các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi cổ phiếu vì lo ngại suy thoái

Theo khảo sát 212 nhà quản lý quỹ toàn cầu với 616 tỷ USD tài sản được quản lý diễn ra từ ngày 2/9 tới 8/9 của Bank of America, 52% người được khảo sát cho biết đang hạ tỷ trọng cổ phiếu, trong khi 62% cho biết đang nắm giữ phần lớn tiền mặt.

Khi những lo ngại về nền kinh tế leo thang, số lượng các nhà đầu tư kỳ vọng vào một cuộc suy thoái đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2020. Tâm lý nhà đầu tư đang thiên về về xu hướng giảm giá, với cuộc khủng hoảng năng lượng đang đè nặng lên khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Có tới 42% các nhà quản lý quỹ toàn cầu ròng cho biết, đang hạ tỷ trọng cổ phiếu châu Âu, đây là mức lớn nhất từng được ghi nhận.

Chứng khoán toàn cầu đã có một chuyến tàu lượn siêu tốc trong vài tháng qua. Sự sụt giảm được thúc đẩy bởi lo ngại rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục diều hâu lâu hơn và đẩy nền kinh tế vào suy thoái, trong khi các đà hồi phục vừa qua được thúc đẩy bởi tâm lý ảm đạm của nhà đầu tư và sự lạc quan xung quanh lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh.

Các chiến lược gia tại các ngân hàng đầu tư hàng đầu bao gồm Deutsche Bank AG và JPMorgan cho biết, tâm lý ảm đạm của nhà đầu tư - thường là một chỉ báo trái ngược cho một đợt tăng giá cổ phiếu - có khả năng thúc đẩy cổ phiếu tăng cao hơn vào cuối năm.

Bài kiểm định lạm phát

Chiến lược gia Michael Hartnett của Bank of America nhận thấy mức độ tâm lý chán nản và dữ liệu kinh tế vĩ mô tốt hơn đã thúc đẩy chỉ số S&P 500 lên 4.300 điểm - cao hơn gần 5% so với mức hiện tại.

Cổ phiếu sẽ có một bài kiểm tra đầu tiên vào ngày 13/9 khi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cho tháng 8 được công bố. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy lạm phát đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp có lẽ cũng không đủ để ngăn Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra một đợt tăng lãi suất lớn nữa vào cuối tháng này.

Triển vọng lợi nhuận của công ty cũng đang xấu đi. Có 92% người tham gia cuộc khảo sát của dự đoán lợi nhuận sẽ giảm trong năm tới, trong khi số lượng các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn mức bình thường đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Lạm phát cao liên tục được coi là rủi ro lớn nhất, tiếp theo là các ngân hàng trung ương diều hâu, rủi ro địa chính trị và suy thoái toàn cầu. Chỉ 1% số người tham gia xem đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại là một rủi ro.

Bên cạnh đó, 79% người tham gia khảo sát dự báo lạm phát sẽ chậm hơn trong 12 tháng tới, trong khi 36% dự báo rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất vào quý II/2023.

Rủi ro tiền tệ vẫn còn trong khi tỷ giá đang biến động mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Với gần 70% người tham gia khảo sát cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể sẽ đẩy nền kinh tế khu vực vào suy thoái, trong khi ít người tin rằng việc công bố áp đặt mức trần lên giá năng lượng có thể mang lại kết quả.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục