Theo dữ liệu của EPFR Global, các quỹ cổ phiếu toàn cầu đã thu về 7,1 tỷ USD trong tuần từ ngày 4/8 đến ngày 10/8. Trong đó, chứng khoán Mỹ đã chứng kiến dòng tiền vào 11 tỷ USD, mức lớn nhất trong 8 tuần. Trái phiếu toàn cầu chứng kiến dòng tiền vào là 11,7 tỷ USD trong khi 4,3 tỷ USD được rút ra khỏi tiền mặt.
Chứng khoán Mỹ đã tăng nhanh trong tuần này sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy giá tiêu dùng hạ nhiệt nhẹ, làm gia tăng suy đoán rằng Fed sẽ làm chậm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chỉ số S&P 500 đã có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 11.
Tuy nhiên, các chiến lược gia BofA đã cảnh báo rằng vẫn có thể mất thời gian để giá tiêu dùng giảm trở lại so với mục tiêu của Fed và các quan chức ngân hàng trung ương nhấn mạnh cuộc chiến chống lạm phát của họ sẽ không ngắn ngủi, điều này cho thấy áp lực lên thị trường chứng khoán sẽ vẫn còn. Các chiến lược gia của Citigroup trong tuần này cho biết đợt phục hồi cũng gặp rủi ro từ các khuyến nghị của các nhà phân tích đang rất lạc quan.
Báo cáo từ Bank of America cho thấy, dòng tiền rút ròng từ các quỹ đầu tư châu Âu tiếp tục diễn ra trong tuần thứ 26 liên tiếp ở mức 4,8 tỷ USD. Mặc dù chỉ số Stoxx Europe 600 đã tăng trở lại kể từ mức thấp trong tháng 6, nhưng các chiến lược gia châu Âu của BofA cho biết, đà tăng điểm của thị trường có thể sẽ kết thúc trong trường hợp không có sự phục hồi trong tăng trưởng kinh tế.
Xét về dòng vốn vào theo từng nhóm ngành, các cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn hóa nhỏ và cổ phiếu giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng lên. Trong số các lĩnh vực, nhóm cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ có đã ghi nhận dòng tiền vào nhiều nhất, trong khi nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu bị rút ròng mạnh nhất.